Xuất khẩu chính ngạch bánh chưng xanh Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 28/10/2023 gồm các thông tin thị trường hàng hoá, xuất nhập khẩu đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Xuất khẩu chính ngạch bánh chưng xanh Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ; Xuất nhập khẩu hàng hóa Thanh Hóa (Việt Nam) - Hủa Phăn (Lào) khởi sắc; Đơn hàng gia tăng, xuất khẩu thủy sản cả năm sẽ đạt 9 tỷ USD; Xuất khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh đang đà phục hồi; Trung Quốc chiếm 65,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.
Xuất khẩu chính ngạch bánh chưng xanh Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ
Những ngày qua, Việt Nam đón thêm một tin vui đối với hoạt động xuất khẩu khi hơn 32.000 chiếc bánh chưng xanh của Hợp tác xã Bà Ba Hội (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã lên đường sang Hoa Kỳ để đón Tết.
Sau một thời gian đàm phán và tập trung sản xuất, mới đây, một container mang 10 tấn bánh chưng xanh của Hợp tác xã Bà Ba Hội (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã xuất kho, lên đường vào TP. Hồ Chí Minh để làm thủ tục thông quan, xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ, phục vụ kiều bào đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Để có kết quả này, suốt nhiều tháng qua, thương hiệu bánh chưng xanh Bà Ba Hội đã đầu tư máy móc hiện đại, chuẩn bị nguyên liệu và đóng gói để giao hàng. Lô bánh chưng này với hơn 32.000 chiếc bánh được hơn 30 nhân công sản xuất trong 25 ngày với nguồn nguyên liệu chính là nếp bầu và đậu xanh Quảng Nam.
Bánh chưng được làm với quy trình đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt theo chuẩn của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Trước đó, tháng 7/2023, Hợp tác xã Bà Ba Hội cũng đã phối hợp với Công ty CP Xuất nhập khẩu LNS Việt Nam đưa 10 tấn cá nục rim Bà Ba Hội xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Hoa Kỳ.
Xuất nhập khẩu hàng hóa Thanh Hóa (Việt Nam) - Hủa Phăn (Lào) khởi sắc
Với những nỗ lực của ngành Công Thương Thanh Hóa, 9 tháng năm 2023, hoạt động thương mại xuất nhập khẩu qua biên giới giữa tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam) và tỉnh Hủa Phăn (Lào) đã khởi sắc. Hai bên tiếp tục thực hiện nhiều chủ trương về hoạt động thương mại biên giới nhằm đẩy mạnh giao thương hàng hóa.
Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo huyện Quan Sơn, Thanh Hóa (Việt Nam) kết nối giao thương với huyện Nậm Xôi, tỉnh Hủa Phăn (Lào) được đánh giá là khu vực biên giới có hoạt động thương mại sầm uất.
Hiện nay, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã được tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi về thủ tục hải quan.
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng năm 2023, tổng số hàng hóa xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đạt trên 68.000 tấn, nhập khẩu 24.832 tấn, hàng tạm nhập tái xuất 4.065 tấn, hàng hóa quá cảnh 10.436 tấn.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh Thanh Hóa qua biên giới chủ yếu là vật liệu xây dựng như: sắt, xi măng, gạch ceramic, thiết bị vệ sinh và máy móc, thiết bị thi công công trình; các mặt hàng nhập khẩu là gỗ, lâm sản, nông sản.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương Thanh Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển hạ tầng thương mại biên giới bám sát các chương trình, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi; phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ với phát triển các hệ thống cửa khẩu biên giới và phù hợp với các chương trình kết nối, hợp tác kinh tế, quốc phòng - an ninh giữa hai nước.
Đơn hàng gia tăng, xuất khẩu thủy sản cả năm sẽ đạt 9 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong Quý III/2023 chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, và cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý đầu năm. Với nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường chính, xuất khẩu thủy sản năm 2023 dự kiến đạt 9 tỷ USD.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Quý III/2023, xuất khẩu thủy sản chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ và cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý đầu năm.
Ba nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có tín hiệu tích cực hơn trong Quý III, với kim ngạch xuất khẩu cao nhất và mức tăng trưởng âm thấp nhất từ đầu năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả xuất khẩu thủy sản trong quý III có sự khởi sắc, nhưng chưa có sự đột phá mạnh mẽ. Trong 2 tháng cuối năm, mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc.
Xuất khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh đang đà phục hồi
Xuất khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh bắt đầu có tín hiệu tích cực trong cuối Quý III/2023. Hiện Thành phố đang tập trung thực hiện các giải pháp để tăng tốc xuất khẩu trong hai tháng cuối năm.
Theo đánh giá của UBND TP. Hồ Chí Minh, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2023 đến nay gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên,từ cuối Quý III/2023, hoạt động xuất nhập khẩu đã có tín hiệu khởi sắc.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 9/2023, xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 3,95 tỷ USD, tăng nhẹ so với những tháng trước đó. Tính chung trong 9 tháng năm 2023, TP. Hồ Chí Minh vẫn duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, với kim ngạch đạt 36,7 tỷ USD.
Dự báo, trong 2 tháng cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có nhiều khởi sắc khi kết quả khảo sát của Cục Thống kê TP. Hồ CHí Minh về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp trong Quý III/2023 cho thấy có đến 31,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh đã tốt lên; 35,4% doanh nghiệp giữ ổn định… Cùng với đó là sự nỗ lực, chủ động của các doanh nghiệp trong việc mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Với diễn biến hồi phục dần dần từ các thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản trong quý IV/2023 có thể mang về khoảng 2,4 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 lên 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với năm 2022.
Trung Quốc chiếm 65,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 9/2023 đạt 667,5 triệu USD, tăng 43,7% so với tháng 8/2023 và tăng 165% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 72,3% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả ghi nhận kết quả cao nhất từ trước tới nay. Việc Trung Quốc mở cửa khẩu, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 là động lực thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng mạnh.
Dự báo, trong những tháng cuối năm 2023, hàng rau quả sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, bởi đây là thời điểm lễ, tết nên nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại nhiều thị trường tăng cao, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, trong 9 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc chiếm 65,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam, đạt 2,8 tỷ USD, tăng 159,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ tăng trưởng cao sang thị trường Trung Quốc góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng nhanh.
Đáng chú ý, trong 5 thị trường xuất khẩu dẫn đầu 9 tháng đầu năm 2023 là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan, chỉ có trị giá xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm nhẹ, còn lại trị giá xuất khẩu tới các thị trường khác có tốc độ tăng trưởng đáng kể.