Bộ Công Thương xây dựng 3 kịch bản, bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2025
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 16/11/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ Công Thương xây dựng 3 kịch bản, bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2025; Xuất khẩu sang Anh: Giải bài toán thương hiệu để nâng cao thị phần; Đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực miền Trung.
Bộ Công Thương xây dựng 3 kịch bản, bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2025
Trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị tuyệt đối bảo đảm cung ứng điện |
Trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị tuyệt đối bảo đảm cung ứng điện, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu điện trong mọi tình huống. Bộ Công Thương cũng xây dựng 3 kịch bản cung ứng điện.
Ngày 14/11, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp về kế hoạch cung ứng điện năm 2025.
Năm 2024 là năm có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng, nhưng công tác cung ứng điện trong năm đã cơ bản hoàn thành tốt, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đất nước. Kết quả này đã chứng tỏ công tác dự báo, xây dựng kế hoạch và điều chỉnh nguồn cung ứng điện theo từng giai đoạn đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo cung ứng điện trong năm.
Năm 2025 được dự báo sẽ là năm có tốc độ tăng trưởng rất cao, cả nước đang phấn đấu đạt mức tăng tưởng khoảng 7-8%, từ năm 2026 trở đi phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10%. Với tốc độ này nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, xã hội là rất lớn, vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần thiết phải xây dựng kế hoạch cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện sát với yêu cầu thực tiễn, trên tinh thần an toàn là trên hết.
Để thực hiện kế hoạch, chuẩn bị đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, tuyệt đối bảo đảm cung ứng điện của năm 2025, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu điện trong mọi tình huống, tuân thủ các quy định của pháp luật, tối ưu chi phí mua điện của toàn hệ thống và bảo đảm hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng.
Cùng đó, Bộ trưởng cũng đề nghị và giao nhiệm vụ chung cho các đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty. Các đơn vị này phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp vận hành hệ thống điện quốc gia và bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất điện, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro. Các tập đoàn cũng được yêu cầu rà soát và xử lý triệt để các hỏng hóc, bảo đảm các nhà máy luôn sẵn sàng hoạt động, tránh lặp lại sự cố như trước đây.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu các Tập đoàn, tổng công ty tăng cường kiểm tra và giám sát đối với các chủ đầu tư nhà máy điện nhằm bảo đảm duy trì sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, các dự án về nguồn điện, trạm biến áp, và thiết bị lưu trữ điện sẽ được đẩy nhanh tiến độ.
Để chuẩn bị cho các tình huống bất thường, mỗi đơn vị cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ vật tư và thiết bị kỹ thuật, sẵn sàng ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiểu tác động đến hệ thống cung ứng điện.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là hoàn thiện cơ chế giá cho các loại hình điện năng, yếu tố then chốt để đảm bảo vận hành hệ thống điện hiệu quả và bền vững.
Buổi họp đã lắng nghe 15 ý kiến của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, báo cáo về tình hình thực hiện cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện năm 2024 vả dự kiến kế hoạch năm 2025; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với Bộ Công Thương để đảm bảo cung ứng điện năm 2025 và cung cấp đủ than, khí cho sản xuất điện năm 2025.
Xuất khẩu sang Anh: Giải bài toán thương hiệu để nâng cao thị phần
Mặc dù xuất khẩu sang thị trường Anh tăng trưởng khả quan, nhưng thị phần hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 1% |
Mặc dù xuất khẩu sang thị trường Anh tăng trưởng khả quan, nhưng thị phần hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng lượng hàng nhập của thị trường này. Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt chưa xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường Vương quốc Anh, thiếu chiến lược và cách tiếp cận thông tin thị trường hiệu quả.
Do đó, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt và để nâng cao thị phần, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thị hiếu và xu hướng tiêu dùng tại thị trường Anh, để từ đó, đầu tư xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị thương hiệu, tạo uy tín, vị trí trên thị trường để nâng cao giá trị xuất khẩu và phát triển bền vững.
Đi vào thực thi từ đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cả ở Việt Nam và Vương quốc Anh, tuy nhiên Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã nhanh chóng cho thấy hiệu quả tích cực đối với thương mại song phương. Nếu tính trong cả 3 năm thực thi, tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình khoảng 8,9%/năm, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình khoảng 9,4%/năm.
Đáng chú ý, hiện nay, Hiệp định UKVFTA đã trở thành cầu nối đưa hàng hoá thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, theo ghi nhận, sự hiện diện các thương hiệu hàng hoá Việt Nam khác nhau theo nhóm mặt hàng, đạt từ 12 - 19%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, các loại cơ khí, thủy sản, trong đó hưởng lợi nhiều là dệt may, da giày, nông - thuỷ sản.
Với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng lại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh.
Mặc dù hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Anh đang tăng trưởng khả quan, tuy nhiên, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Anh vẫn chiếm rất ít, chỉ khoảng gần 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Chỉ ra nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, đó là do chúng ta chưa có doanh nghiệp sản xuất uy tín để tham gia vào thị trường khó tính, trong khi chi phí logistics lớn, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, quy hoạch. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hoá còn chưa cao, hàng hoá chủ yếu xuất khẩu thô, hoặc doanh nghiệp chủ yếu làm gia công. Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất ngành hàng không ổn định, công nghệ chế biến sâu chỉ đạt 13-18%.
Trong bối cảnh tham gia các FTA đang là xu hướng chung trên thế giới và nhiều quốc gia lựa chọn để mở rộng hợp tác kinh tế, các doanh nghiệp trong nước lại phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm, thương hiệu của nhiều quốc gia khác trên “sân chơi” toàn cầu. Vì vậy, cần thiết phải có những chiến lược xúc tiến thương mại, liên kết, tiếp cận thị trường hiệu quả… từ đó nâng cao giá trị thương hiệu Việt, gia tăng thị phần hàng Việt Nam, tận dụng tối đa lợi thế của UKVFTA.
Trong tương lai, Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ cùng là thành viên của CPTPP, mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt là trong một số lĩnh vực, thương mại song phương Việt - Anh có nhiều cơ hội để sớm chinh phục mốc 10 tỷ USD. Những cam kết của Anh khi gia nhập CPTPP cũng dự báo sẽ mang lại thêm nhiều lợi thế cho hàng hóa Việt Nam gia tăng hiện diện và nâng cao vị thế tại thị trường Anh.
Để xây dựng, phát triển thương hiệu và gia tăng thị phần tại thị trường Anh, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, thay đổi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường; quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, là chìa khoá quan trọng để xây dựng chỗ đứng cho hàng Việt tại Anh. Thường xuyên đổi mới sáng tạo, phát triên sản phẩm theo yêu cầu thị trường và nổi trội so với các sản phẩm cùng loại tại Anh.
Ngoài ra, việc gia tăng tìm kiếm các liên kết xây dựng thương hiệu qua kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất, nhà phân phối trong và ngoài nước thu hút đầu tư để sản xuất, xuất khẩu hàng hoá chất lượng, phân phối tại Anh cũng là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.
Quan trọng nhất đó là nhận thức của doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu ở nước ngoài. Phải quyết tâm xây dựng thương hiệu thành công từ đó dành nguồn lực phù hợp. Đặc biệt, cần coi chi phí cho hoạt động này là một khoản đầu tư trung và dài hạn giúp nâng cao giá trị cạnh tranh, định vị thương hiệu của doanh nghiệp.
Đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực miền Trung
Diễn đàn được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ logistics TP. Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây |
Đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực miền Trung Đà Nẵng đang hoàn thiện Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2024. Đây được kỳ vọng là mô hình tiên phong với thể chế ưu việt theo chuẩn quốc tế, đồng thời tạo động lực mới phát triển ngành logistics, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực miền Trung, mở rộng kết nối với thị trường toàn cầu, thúc đẩy xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế.
Sáng 14/11, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics TP. Đà Nẵng”. Đây là sự kiện lớn, quy mô quốc tế về Khu thương mại tự do và lĩnh vực logistics lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Đà Nẵng.
Diễn đàn được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ logistics TP. Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 940/QĐ-UBND ngày 9/5/2023 của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.
Đặc biệt, Nghị quyết số 136/2024/QH15 (Nghị quyết 136) về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng đã được Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 26/6/2024, trong đó cho phép thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu.
Phát biểu tại Diễn đàn Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết: “Việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng - là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước. Việc phát triển mô hình các khu thương mại tự do sẽ là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Sở Công Thương trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cũng như các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển ngành logistics.
Tại Diễn đàn, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng trình bày một số nội dung chính về xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Tầm nhìn, định hướng và mô hình phát triển. Bên cạnh đó, đại diện đến từ cơ quan quản lý khu thương mại tự do De Colon trình bày giới thiệu về mô hình khu thương mại tự do De Colon; Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sẽ thông tin về Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực phát triển của ngành logistics, từ mô hình thế giới đến kinh nghiệm áp dụng cho Đà Nẵng.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng sẽ lắng nghe, cùng trao đổi, thảo luận trong 2 phiên thảo luận chính về phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm vùng về logistics và phát triển Đà Nẵng trở thành Trung tâm sản xuất - thương mại và logistics quốc tế qua đòn bẩy khu thương mại tự do.
Bên lề diễn đàn, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức trưng bày, giới thiệu tiềm năng phát triển ngành logistics thành phố và sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp logistics, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với sự tham dự của 33 đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội thuộc các lĩnh vực hoạt động: Vận tải - giao nhận, kho bãi - chuỗi lạnh, thiết bị - công nghệ đóng gói, dịch vụ ngân hàng và ứng dụng công nghệ logistics…