Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với các đơn vị về năng lượng điện
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 28/9/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với các đơn vị về năng lượng điện; Tiếp sức cho ngành hàng quế tận dụng EVFTA, gia tăng xuất khẩu; Xây dựng hệ sinh thái cho ngành da giày Việt Nam tận dụng hiệu quả các FTA.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với các đơn vị về năng lượng điện
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn |
Chiều 27/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị về nội dung liên quan đến năng lượng điện.
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, và sắp tới Chính phủ sẽ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển cơ chế điện mặt trời áp mái theo hướng tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cần tiếp tục hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh trên cả 3 cấp độ: xây dựng và áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần; cùng với đó là sớm nghiên cứu ban hành cơ chế giá điện hai thành phần, rà soát điều chỉnh quy định giờ cao thấp điểm đồng thời nghiên cứu bổ sung đối tượng áp dụng.
Do vậy, tại Hội nghị này Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 2 nội dung chính: tình hình triển khai, thực hiện chủ trương xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần, giá điện theo giờ cao thấp điểm, giá, phí truyền tải và điều độ hệ thống điện; những việc cần triển khai để thực hiện hiệu quả cơ chế mua bán điện trực tiếp và cơ chế khuyến khích điện mặt trời áp mái tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, thị trường điện Việt Nam đã và đang trong quá trình cải tổ theo hướng tự do hóa. Tại thời điểm hiện tại, thị trường phát điện cạnh tranh với một người mua đã vận hành được 8 năm, thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã bắt đầu triển khai từ tháng 01/2019 và tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình Chính phủ đã đề ra. Các giao dịch giữa người bán và người mua điện được thực hiện với cơ chế thanh toán theo các cách thức khác nhau nhưng đều thể hiện rõ hai khoản chi phí cung ứng: chi phí cố định và chi phí biến đổi của quá trình cung ứng điện.
Dự thảo Đề án bao gồm 03 phần chính trình bày về cơ sở lý luận, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và đề xuất lộ trình và đối tượng áp dụng giá điện 2 thành phần, được xây dựng tổng thể, nghiên cứu cho tất cả các nhóm khách hàng giá bán điện gồm giá công suất và giá điện năng cho các hộ ngoài sinh hoạt và các hộ sinh hoạt.
Đề án đã tính toán các thành phần về chi phí công suất biên dài hạn tới các cấp điện áp và chi phí điện năng biên phân bổ theo giờ cao thấp điểm. Cùng với đó, biểu giá điện hai thành phần phản ánh đầy đủ các chi phí sản xuất kinh doanh điện và có điều tiết giá để không thay đổi giá điện bình quân được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với dự thảo Nghị định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ mà Chính phủ sắp ban hành, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đang tiếp tục rà soát để hoàn thiện theo thông báo của Thường trực Chính phủ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và Tập đoàn điện lực Việt Nam cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn để sớm triển khai áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần, đây là một sự đột phá lớn trong hoạt động kinh doanh điện năng của Việt Nam, phù hợp với lộ trình cải tổ ngành điện.
Đối với việc triển khai các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và cơ chế mua bán điện trực tiếp, Bộ trưởng giao các đơn vị thuộc Bộ và EVN tiếp tục phối hợp phổ biến đến các đối tượng áp dụng có liên quan để triển khai có hiệu quả, kịp thời hướng dẫn, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc phát sinh (nếu có) trong quá trình thực hiện.
Tiếp sức cho ngành hàng quế tận dụng EVFTA, gia tăng xuất khẩu
3 FTA thế hệ mới là cơ hội rất lớn để đưa quế và các mặt hàng từ quế tiếp cận tới các đối tác thương mại mới |
Hiện diện tích trồng quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.
Với việc Việt Nam đã thực thi 16 FTA đến thời điểm hiện tại, trong đó có 3 FTA thế hệ mới là cơ hội rất lớn để đưa quế và các mặt hàng từ quế tiếp cận tới các đối tác thương mại mới.
Tại tọa đàm 'Xây dựng hệ sinh thái cho ngành quế - những vấn đề cần lưu ý’, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận, đưa ra những giải pháp tốt nhất để giúp ngành quế Việt Nam tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA cũng như hiện thực hóa các giải pháp để ngành quế xây dựng tốt hơn hệ sinh thái, đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 6 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 62.918 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu quế đạt 177 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam với 20.722 tấn. Tiếp theo là các thị trường: Hoa Kỳ, Bangladesh, Indonesia hay UAE...
Đáng chú ý, hiện nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do và là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga... Các FTA này cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp, mang sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam chạm đến tay người tiêu dùng cuối cùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia, nhà phân tích, giá trị xuất khẩu quế còn rất thấp so với tiềm năng, thế mạnh. Các sản phẩm quế xuất khẩu chủ yếu thông qua trung gian nên giá cả và thị trường không ổn định, giá trị chưa cao. Mặt khác, nước ta cũng chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia cho ngành quế; tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong vỏ cây quế vẫn còn xảy ra...
Theo quan điểm của Bộ Công Thương, để ngành quế phát triển hơn nữa trong thời gian tới, cần tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối khách hàng cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cần xây dựng hệ sinh thái cho ngành cho ngành quế để tận dụng lợi thế từ các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu.
Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu quế, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết, tiềm năng của vùng nguyên liệu quế của nước ta rất lớn bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nhất là các tỉnh vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai và một số nơi như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam… Thời gian qua, nông dân đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm canh tác để cải thiện về chất lượng và năng suất cây quế, có sự thích ứng và tiếp cận khoa học kỹ thuật nhanh. Thêm vào đó, các mô hình liên kết sản xuất ngày càng được tổ chức chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân để dần từng bước mở rộng vùng nguyên liệu bền vững.
Đặc biệt, các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia đã giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước khác về thuế. Đây là điều kiện, thời cơ hết sức thuận lợi để các sản phẩm quế của Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội và khai thác hiệu quả Hiệp định này, một trong những yếu tố quan trọng đó là sự chuyển đổi tư duy và gia tăng năng lực về công nghệ trong sản xuất, thương mại cùng sự thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với yêu cầu thị trường xuất khẩu trong giai đoạn tới.
Cùng với những nỗ lực của các Bộ, ngành địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm quế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc xây dựng hệ sinh thái các ngành hàng, trong đó ngành quế để giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích của FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, qua đó tạo đòn bẩy cho ngành quế phát triển.
Xây dựng hệ sinh thái cho ngành da - giày Việt Nam tận dụng hiệu quả các FTA
Các Hiệp định thương mại tự do đã và đang tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu |
Thời gian qua, ngành da giày đã tận dụng khá tốt các Hiệp định thương mại tự do (nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường lớn, cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp ngành da giày cần có những bước chuyển đổi phù hợp để tối ưu hóa được lợi ích từ các FTA mang lại.
Đây là vấn đề được các chuyên gia đặt ra tại tọa đàm "Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành da giày - Cần làm gì để thực sự hiệu quả", do Báo Công Thương tổ chức ngày 27/9.
Các Hiệp định thương mại tự do đã và đang tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó. Đặc biệt, kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra một kỉ nguyên mới, đem lại những biến chuyển tích cực trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, trong đó có ngành da giày.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành giày dép trong nước đã tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. EVFTA không chỉ là động lực thúc đẩy thương mại song phương, mà theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giày dép - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%. Quý I/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, ngành da giày vẫn đối diện với các khó khăn. Để có thể tìm được lời giải cho bài toán này, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA đã và đang tăng cường kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan để tạo hệ sinh thái liên kết nhằm giúp ngành da giày tận dụng FTA hiệu quả.
Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Đề án về Hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành da giày. Theo dự thảo đề án, mục tiêu chính là giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích của FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, qua đó tạo đòn bẩy cho ngành da giày phát triển.
Tham gia vào hệ sinh thái, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu sẽ được hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng tham gia hệ sinh thái; được tư vấn tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; được hỗ trợ thông tin về thị trường, kết nối khách hàng, hợp đồng; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh…
Về phía ngân hàng, có thể giải ngân nguồn tín dụng hiệu quả, đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong khi vẫn bảo đảm an toàn tài chính; đa dạng khách hàng vay vốn; có thể mở rộng việc kết nối với các tổ chức, cơ quan ở địa phương và Trung ương; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh…
Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành da giày để kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nói chung và ngành da giày nói riêng.