Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 10/11/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện; Việt Nam - EU hợp tác chuyển đổi sản xuất, năng lượng xanh; Xây dựng chiến lược, nắm bắt thông tin để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường UKVFTA.
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện
Cuộc họp giao ban nhằm đánh giá tình hình, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn vướng mắc và thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực năng lượng |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng vừa chủ trì cuộc họp với Lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị liên quan về tình hình triển khai các dự án lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào; dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất các nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 và dự án Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Cuộc họp giao ban nhằm đánh giá tình hình, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn vướng mắc và thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực năng lượng.
Chiều ngày 6/11/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị liên quan về tình hình triển khai các dự án lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào; dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất các Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 và dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Đồng Nai, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã báo cáo nhanh kết quả nhiệm vụ được giao từ cuộc giao ban kỳ trước; nêu các khó khăn phát sinh; đồng thời nêu các giải pháp kiến nghị các bộ ngành hỗ trợ giải quyết.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và EVN trong việc khẩn trương triển khai các dự án, các nội dung đã thống nhất kết luận tại cuộc họp ngày 17/10/2024 và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, nhiều công việc vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện quan trọng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, EVN và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường dây 220 kV TBA 500 kV Long Thành - Công nghệ cao trước ngày 15/11/2024 để triển khai các thủ tục tiếp theo. Yêu cầu UBND các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Nghệ An, Đồng Nai, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc tập trung triển khai các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc tại các dự án lưới điện trên địa bàn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương khẩn trương xử lý các vấn đề vướng mắc trong công tác thi công các dự án lưới điện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng những nhiệm vụ trọng tâm được giao, những vướng mắc tại các dự án lưới điện ở các địa phương sẽ sớm được tháo gỡ và đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Việt Nam - EU hợp tác chuyển đổi sản xuất, năng lượng xanh
hứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại sự kiện |
Trong chiến lược hợp tác song phương, Việt Nam - EU ưu tiên cho việc chuyển đổi sản xuất, năng lượng xanh nhằm thích ứng với các tiêu chuẩn, yêu cầu phát triển bền vững. Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU chủ đề: “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Chiều 7/11, tại TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU 2024: “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức.
Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU là sự kiện thường niên được Bộ Công Thương chủ trì tổ chức từ năm 2018 đến nay và đã trở thành “điểm hẹn” của các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức liên quan, cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - EU đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Với sự góp mặt của Phái đoàn Liên minh châu Âu, đại diện Đại sứ quán các nước thành viên EU tại Việt Nam, các địa phương, chuyên gia trong nước và quốc tế và đặc biệt là sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp, diễn đàn đã mở ra một kênh tương tác trao đổi toàn diện, đa chiều, bắt kịp xu hướng và biến động thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin, nhanh chóng thích ứng để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại sự kiện: “Hai bên Việt Nam – EU đang đứng trước rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trên nền tảng vững chắc của mối quan hệ đối tác toàn diện và ưu thế lớn có được từ hiệp định EVFTA. Để đón đầu và hiện thực hóa các cơ hội lớn cũng như đặt ra những thách thức, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực lớn của các cơ quan chính phủ và của cộng đồng doanh nghiệp”.
Chương trình năm nay đi sâu khai thác khía cạnh bền vững trong mối quan hệ song phương và nỗ lực ứng phó trước các thách thức từ hàng rào phi thuế quan, phòng vệ thương mại; tập trung phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng với những quy định chính sách mới; đồng thời gợi mở những hướng đi hợp tác thương mại, đầu tư trong những lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm, cũng như phù hợp với xu thế hiện nay như kinh tế xanh và số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…
Xây dựng chiến lược, nắm bắt thông tin để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường UKVFTA
Thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn rất ít, chỉ khoảng gần 1% tổng lượng nhập khẩu vào Anh |
Sau hơn 3 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã trở thành cầu nối giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương.
Tuy nhiên, thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn rất ít, chỉ khoảng gần 1% tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu riêng và chưa có chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả.
Điều này chứng tỏ, dư địa để xuất khẩu sang thị trường Anh hiện vẫn còn rất lớn, tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn, doanh nghiệp cần tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia để tăng mức độ uy tín cho hàng hóa, sản phẩm tại thị trường Anh.
Đi vào thực thi từ đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cả ở Việt Nam và Vương quốc Anh, tuy nhiên Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã nhanh chóng cho thấy hiệu quả tích cực đối với thương mại song phương. Nếu tính trong cả 3 năm thực thi, tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình khoảng 8,9%/năm, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình khoảng 9,4%/năm.
Đáng chú ý, hiện nay, Hiệp định UKVFTA đã trở thành cầu nối đưa hàng hoá thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, theo ghi nhận, sự hiện diện các thương hiệu hàng hoá Việt Nam khác nhau theo nhóm mặt hàng, đạt từ 12 - 19%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, các loại cơ khí, thủy sản, trong đó hưởng lợi nhiều là dệt may, da giày, nông - thuỷ sản.
Với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng lại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh.
Mặc dù hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Anh đang tăng trưởng khả quan, tuy nhiên, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Anh vẫn chiếm rất ít, chỉ khoảng gần 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Chỉ ra nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, đó là do chúng ta chưa có doanh nghiệp sản xuất uy tín để tham gia vào thị trường khó tính, trong khi chi phí logistics lớn, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, quy hoạch. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hoá còn chưa cao, hàng hoá chủ yếu xuất khẩu thô, hoặc doanh nghiệp chủ yếu làm gia công. Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất ngành hàng không ổn định, công nghệ chế biến sâu chỉ đạt 13-18%.
Trong bối cảnh tham gia các FTA đang là xu hướng chung trên thế giới và nhiều quốc gia lựa chọn để mở rộng hợp tác kinh tế, các doanh nghiệp trong nước lại phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm, thương hiệu của nhiều quốc gia khác trên “sân chơi” toàn cầu. Vì vậy, cần thiết phải có những chiến lược xúc tiến thương mại, liên kết, tiếp cận thị trường hiệu quả… từ đó nâng cao giá trị thương hiệu Việt, gia tăng thị phần hàng Việt Nam, tận dụng tối đa lợi thế của UKVFTA.
Trong tương lai, Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ cùng là thành viên của CPTPP, mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt là trong một số lĩnh vực, thương mại song phương Việt - Anh có nhiều cơ hội để sớm chinh phục mốc 10 tỷ USD. Những cam kết của Anh khi gia nhập CPTPP cũng dự báo sẽ mang lại thêm nhiều lợi thế cho hàng hóa Việt Nam gia tăng hiện diện và nâng cao vị thế tại thị trường Anh.
Để xây dựng, phát triển thương hiệu và gia tăng thị phần tại thị trường Anh, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, thay đổi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường; quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, là chìa khoá quan trọng để xây dựng chỗ đứng cho hàng Việt tại Anh. Thường xuyên đổi mới sáng tạo, phát triên sản phẩm theo yêu cầu thị trường và nổi trội so với các sản phẩm cùng loại tại Anh.
Ngoài ra, việc gia tăng tìm kiếm các liên kết xây dựng thương hiệu qua kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất, nhà phân phối trong và ngoài nước thu hút đầu tư để sản xuất, xuất khẩu hàng hoá chất lượng, phân phối tại Anh cũng là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.
Quan trọng nhất đó là nhận thức của doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu ở nước ngoài. Phải quyết tâm xây dựng thương hiệu thành công từ đó dành nguồn lực phù hợp. Đặc biệt, cần coi chi phí cho hoạt động này là một khoản đầu tư trung và dài hạn giúp nâng cao giá trị cạnh tranh, định vị thương hiệu của doanh nghiệp.