Ký kết Hiệp định CEPA: Con đường lớn để Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 30/10/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Ký kết Hiệp định CEPA: Con đường lớn để Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông; Nhiều Đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết, kịp thời khi sửa đổi Luật Điện lực; Tạo hệ sinh thái cho ngành dệt may tận dụng hiệu quả các FTA.
Ký kết Hiệp định CEPA: Con đường lớn để Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông
Ký kết Hiệp định CEPA: Con đường lớn để Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông |
Trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã cùng chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE Hiệp định CEPA đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ thương mại Việt Nam với các nước Arab.
Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam ký kết với một quốc gia Arab, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn vào khu vực Trung Đông.
Chiều ngày 28/10/2024, giờ địa phương, tại Dubai (UAE) Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã chứng kiến lễ trao văn kiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA) được ký bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE.
CEPA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả-rập, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ được nâng cấp và ngày càng đi vào thực chất giữa Việt Nam với UAE nói riêng cũng như các nước Ả-rập nói chung.
Hiệp định CEPA được ký kết trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE đang phát triển mạnh mẽ. Việc ký kết Hiệp định sau khoảng thời gian kỷ lục một năm đàm phán với 5 phiên đàm phán chính thức, trong đó có 3 phiên trực tiếp ở cấp Bộ trưởng, là minh chứng rõ rệt cho cam kết đưa hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai bên lên một tầm cao mới.
đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, pháp lý – thể chế. Trong đó, đáng chú ý là hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE, trong khi Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
Hiện nay, UAE là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để Việt Nam tiếp cận các thị trường trong khu vực này cũng như các thị trường khác ở Tây Á và Châu Phi. Ngoài ra, cơ cấu nền kinh tế và thương mại của hai nước mang tính bổ sung cho nhau.
Do vậy, CEPA là tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang UAE và tiếp đó là các nước trong khu vực Trung Đông, Tây Á và châu Phi; đồng thời có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và dịch vụ chất lượng của UAE, góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam. Ngược lại, hàng hóa và dịch vụ của UAE sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN thông qua vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực.
Việc ký kết Hiệp định là dấu mốc lịch sử tạo đột phá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước, mở ra con đường lớn cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông - châu Phi.
Nhiều Đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết, kịp thời khi sửa đổi Luật Điện lực
Nhiều Đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết, kịp thời khi sửa đổi Luật Điện lực |
Trong bối cảnh nhu cầu điện năng và công nghệ phát triển không ngừng, qua gần 20 năm thực hiện, Luật Điện lực năm 2004 đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi cần được sửa đổi để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước,… và dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết cần kịp thời sửa đổi Luật Điện lực, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực để về đích các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ này vào năm 2025.
Việc giải quyết được vấn đề năng lượng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước; giải phóng, khơi thông các nguồn lực nhất là các nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng quốc gia.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để kịp thời thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ Nhân dân. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước;...
Tán thành sự cần thiết kịp thời sửa đổi Luật Điện lực, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật liên quan tới quy định về Chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện; thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi); cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực;…
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (tỉnh Hà Nam) cho rằng, đây là luật chuyên ngành, rất khó. Việc sửa đổi luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay nhưng chỉ làm trong 1 kỳ họp là nỗ lực rất lớn.
Về chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, về nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này, sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm. Để từ đó giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt quan điểm, nguyên tắc mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, đó là “những vấn đề thực tế biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành”, “không luật hóa các quy định của nghị định, thông tư”.
Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát để lượng hóa các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, cần rà soát giải thích từ ngữ tại Điều 4 trong Dự thảo Luật để bảo đảm rõ ràng về nội hàm để áp dụng thống nhất. Như Điện năng lượng tái tạo hay Các dạng năng lượng tái tạo khác...
Bên cạnh giải quyết các vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động điện lực, Cơ quan soạn thảo cũng đưa vào các nội dung đã được kiểm chứng trong thực tiễn như giá điện 2 thành phần, điện mặt trời mái nhà và xu hướng thế giới như điện hạt nhân vào Luật. Với tính cấp bách và sự cần thiết ban hành của Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ, Bộ Công Thương mong muốn Luật sẽ được thực hiện theo quy trình 1 kỳ họp.
Tạo hệ sinh thái cho ngành dệt may tận dụng hiệu quả các FTA
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các hiệp định này mang lại.
Do vậy, để có thể tìm được lời giải cho bài toán này, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA đã và đang tăng cường kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan để tạo hệ sinh thái liên kết nhằm giúp ngành dệt may tận dụng FTA hiệu quả.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đã mở ra nhiều cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó dệt may là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất.
Theo cam kết trong EVFTA, 100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tạo động lực lớn cho việc mở rộng thị phần tại thị trường EU.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, từ khi EVFTA có hiệu lực, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu dệt may của EU từ ngoài khối đã tăng từ 3,3% (năm 2020) lên 4,3% (năm 2023). Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 6 trong danh sách các nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất vào EU (năm 2023), sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Pakistan.
Mặc dù đã có những bước tiến khả quan, nhưng thị phần của dệt may Việt Nam tại EU vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Với quy mô nhập khẩu dệt may từ các nước thứ 3 lên tới 115 tỷ EUR (năm 2023), trong đó Việt Nam chỉ chiếm 4,1% thị phần, rõ ràng dư địa để tăng trưởng và mở rộng xuất khẩu dệt may vào thị trường này còn rất lớn.
Theo nhận định đánh giá từ các chuyên gia, nguyên nhân là do doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa từ EVFTA mang lại. Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa lợi thế từ các FTA, trong đó có EVFTA và khắc phục khó khăn, Bộ Công Thương đã đề ra hàng loạt giải pháp. Đó là, tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối khách hàng cho doanh nghiệp, bằng mọi biện pháp để có thể mang lại đơn hàng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, xây dựng hệ sinh thái cho ngành, kết nối tất cả chủ thể có tham gia vào quá trình tận dụng FTA, từ người nông dân cho đến người sản xuất, nhà xuất khẩu, hiệp hội, cơ quan quản lý, công ty tư vấn, logistics, nhà nhập khẩu,...
Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu dệt may, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, cùng với những nỗ lực của các Bộ, ngành địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm dệt may, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc xây dựng hệ sinh thái các ngành hàng, trong đó ngành dệt may để giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích của FTA; cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác.
Việc xây dựng hệ sinh thái phải dựa trên tư duy thực tế, cung cấp thông tin, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích dù to hay nhỏ cho người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trung ương, địa phương... Hệ sinh thái phải là mô hình mà tất cả chủ thể tham gia đều có lợi; người dân, doanh nghiệp chỉ tham gia khi thấy lợi ích rõ ràng. Khi thấy lợi ích, giá trị từ hệ sinh thái, tự thân người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động tham gia từ đó xây dựng thị trường bền vững, kết nối chặt chẽ giữa chủ thể ở khối công (quan hệ cơ quan quản lý, nhà nước) và tư (doanh nghiệp và người dân).
Ngoài ra, khi tham gia vào hệ sinh thái, người dân, doanh nghiệp sẽ sản xuất ra những sản phẩm thị trường xuất khẩu cần, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Khi xây dựng mô hình này, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần thực hiện các thử nghiệm và có cơ chế chính sách khuyến khích để thu hút doanh nghiệp, người dân tham gia. Vì vậy, cần có những doanh nghiệp đi đầu làm gương lan tỏa mô hình đến nhiều doanh nghiệp khác góp phần vào thành công của chính sách và hệ sinh thái mà Bộ Công Thương đang xây dựng.
Theo Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng hệ sinh thái phải có đầy đủ các cơ quan, ban ngành, và tất cả các chủ thể liên quan. Bởi, nếu chỉ có Bộ Công Thương sẽ không thể làm được. Do đó, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình, tọa đàm để lắng nghe, tham khảo và tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành, tỉnh thành, hiệp hội doanh nghiệp và người nông dân để từ đó tổng hợp được một bức tranh toàn cảnh, đa chiều. Đặc biệt, tập hợp đầy đủ nhất những thách thức và thuận lợi để từ đó có giải pháp giải quyết dứt điểm rào cản và xây dựng mô hình hệ sinh thái tận dụng các FTA thành công.