Định vị thương hiệu nông sản Việt
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 9/10/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Định vị thương hiệu nông sản Việt; Báo Công Thương hướng về bà con vùng lũ tỉnh Lào Cai; Tinh hoa gốm Hà Nội trong triển lãm “Hồn của đất”.
Định vị thương hiệu nông sản Việt
Các chuyên gia đều cho rằng, ở thời điểm hiện tại, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết |
Câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt không phải là mới mẻ nhưng thực tế đến nay, nông sản Việt có tên tuổi trên thế giới cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong bối cảnh mới, việc xây dựng thương hiệu cũng đòi hỏi những giải pháp hữu hiệu và thiết thực hơn.
Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia tập trung trao đổi tại chương trình Chính sách và Đối thoại với chủ đề: Xây dựng thương hiệu: Gia tăng giá trị cho nông sản Việt do Báo Công Thương tổ chức ngày 8/10.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới, cánh cửa thị trường toàn cầu đã được mở ra, cơ hội để mang lại giá trị cao cho các mặt hàng nông sản Việt Nam rất lớn.
Tuy nhiên, là quốc gia có các mặt hàng nông sản xuất khẩu "top" đầu thế giới, song tên tuổi, vị thế nông sản Việt vẫn chưa thể định hình, định danh trên thị trường quốc tế khi có tới gần 80% sản phẩm đến tay người tiêu dùng dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp nước ngoài.
Trong bối cảnh này, vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt càng trở nên cấp bách. Bởi chậm ngày nào, chúng ta thiệt thòi, hay nói đúng hơn là thiệt hại ngày đó.
Bên cạnh đó, nếu xây dựng được thương hiệu quốc gia cho các nông sản chủ lực của Việt Nam hiện nay, chắc chắn phần thu về của người nông dân nuôi trồng, của doanh nghiệp và của đất nước, sẽ nhiều hơn.
Các chuyên gia đều cho rằng, ở thời điểm hiện tại, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Xây dựng thành công thương hiệu quốc gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp bà con nông dân thoát khỏi vấn nạn "trồng - chặt", có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và "buôn chuyến" như hiện nay.
Báo Công Thương hướng về bà con vùng lũ tỉnh Lào Cai
Báo Công Thương đã có chuyến thăm, tặng quà tại Bắc Hà (Lào Cai), nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 gây ra |
Thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao từ Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên các cơ quan, đơn vị trong Bộ, trong đó có Báo Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm chung tay chia sẻ khó khăn với người dân các vùng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3.
Trong ngày 5 và 6/10, đoàn công tác Báo Công Thương đã có chuyến thăm, tặng quà tại Bắc Hà (Lào Cai), nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 gây ra.
Những gương mặt thẫn thờ, vẫn chưa hết sự bàng hoàng, đau xót của gia đình các nạn nhân bị tử vong do sạt lở đất ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Cơn lũ dữ đã cuốn đi thân nhân của họ, phá hỏng nhà cửa, ruộng nương, hoa màu… Chỉ tính riêng tại huyện Bắc Hà, đã có hàng chục người chết vì mưa lũ, sạt lở đất.
Phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái, hàng ngàn đoàn cứu trợ đã đến ủng hộ người dân bị ảnh hưởng nặng nề do bão và hoàn lưu bão số 3. Tại điểm trường THCS Bảo Nhai, đoàn công tác của Báo Công thương trao cho 18 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của bão trên địa bàn huyện trong đó nhiều em mất bố, mẹ với số tiền 180 triệu đồng. Hàng trăm phần quà của các nhà tài trợ cùng tiền mặt cũng được chuyển đến tận tay các hộ gia đình, các em học sinh tại đây.
Ngay sau khi xảy ra cơn bão, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo một cách rất quyết liệt, chu đáo các hoạt động của ngành Công Thương hướng về đồng bào để chung tay khắc phục hậu quả bão lụt. Với tinh thần đó, báo Công Thương đã huy động các nguồn lực bao gồm tiền và quà hơn 1 tỷ đồng để ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng do bão lũ.
Tinh hoa gốm Hà Nội trong triển lãm “Hồn của đất”
Mỗi tác phẩm gốm sứ là một đứa con tinh thần của các họa sĩ và các nghệ nhân. |
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bát Tràng (1959-2024), Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm Hồn của đất.
Đây là hoạt động trưng bày có tính cộng đồng giúp cho doanh nghiệp, làng nghề, nghệ nhân được tham gia và trực tiếp kể những câu chuyện của chính mình.
Với hơn 300 tư liệu hình ảnh, sưu tập tác phẩm tranh, bình sứ, cùng tác phẩm nghệ thuật gốm sứ đa dạng loại hình và màu sắc, triển lãm Hồn của đất giới thiệu đến công chúng các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu mang nội dung, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội của các họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng của Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng với những sản phẩm gốm, sứ tiêu biểu của Bát Tràng.
Mỗi tác phẩm gốm sứ là một đứa con tinh thần của các họa sĩ và các nghệ nhân. Từ những khối đất sét nguyên bản thô ráp qua bàn tay tài hoa của những người thợ, họa sĩ, nhà điêu khắc và nghệ nhân đã "mặc áo cho gốm sứ - thổi hồn vào đất" để trở thành các tác phẩm nghệ thuật cao cấp đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng.
Triển lãm gồm 3 phần. Phần 1 giới thiệu đến công chúng các tư liệu hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bát Tràng cách đây 65 năm; các tác phẩm sứ men lam và sứ men nhiều màu khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mỗi giai đoạn và ở các sự kiện lịch sử khác nhau;
Ở phần 2 là sưu tập tác phẩm sứ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, gồm các bình và tranh khắc họa lại hình ảnh các địa danh và con người Hà Nội: Cầu Long Biên, cầu Thê Húc, chùa Một cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tác phẩm Hà Nội tứ quý…
Phần 3 giới thiệu các tác phẩm gốm sứ mỹ nghệ cao cấp của các họa sĩ trong Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm được trưng bày tại không gian trưng bày của Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng từ ngày 8/10/2024 đến hết tháng 10/2024.