Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 21/9/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện; Cải thiện môi trường đầu tư, tăng niềm tin của doanh nghiệp; Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng chuyển đổi kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững.
Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đồng chủ trì cuộc họp về việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện |
Phát triển xe điện là xu hướng chủ đạo trên thế giới và Việt Nam không đứng ngoài xu hướng này. Một trong những điều kiện quan trọng nhất để xe điện có thể hoạt động hiệu quả là phải có một hệ thống trạm sạc đồng bộ với mật độ dày đặc. Và muốn hình thành được hạ tầng trạm sạc như vậy, việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trở thành vấn đề tiên quyết.
Dự kiến cuối tháng 9/2024, Bộ Công Thương sẽ có dự thảo về quy chuẩn, tiêu chuẩn trạm sạc xe điện sau khi tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp sản xuất ô tô.
Sáng 20/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đồng chủ trì cuộc họp về việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cơ sở hạ tầng trạm sạc điện đầy đủ với công nghệ sạc nhanh, đáng tin cậy và tiện lợi sẽ hỗ trợ việc sử dụng xe điện trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy giao thông vận tải thân thiện với môi trường và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đây cũng là một trong nhiều giải pháp giúp Việt Nam đạt mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050.
Song trên thực tế, hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho trạm sạc điện, đặc biệt là quy hoạch, xác định vị trí địa điểm để xây dựng những trụ sạc điện. Cùng với đó, chưa có quy chuẩn về an toàn điện, loại hình năng lượng cung cấp cho các trạm sạc. Trong khi đó, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho xe điện và trạm xe điện không chỉ phục hoạt động quản lý nhà nước mà còn góp phần định hướng cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm xe điện.
Nếu không kịp thời có chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc, chưa xây dựng hoàn thiện được quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc thì sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong triển khai hệ thống các trạm sạc cả nước.
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về trụ/thiết bị sạc điện, trước đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện, đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, phát triển xe điện là xu hướng chủ đạo trên thế giới và Việt Nam không đứng ngoài xu hướng này. Để đạt mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050, Việt Nam cần tiếp cận trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi xe sử dụng điện thay thế ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong thời gian tới, liên quan đến việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của trạm sạc xe điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau ngày 20/9, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ cùng hoàn thiện biên bản cuộc họp, thống nhất trách nhiệm của Bộ Công Thương, của Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề này.
Không chỉ vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị, cần làm rõ thêm trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng cùng chính quyền các địa phương trong việc xây dựng quy chuẩn về trạm sạc xe điện. Đây là yếu tố để trình Thủ tướng Chính phủ phân nhiệm vụ cho các đơn vị rõ người, rõ việc. Việc trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về xây dựng quy chuẩn trạm sạc xe điện sẽ cố gắng thực hiện ngay trong tuần này.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương, nghiên cứu và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hệ thống điện và phương án cung cấp điện cho trạm sạc trong thời gian sớm nhất. Việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho trạm sạc điện để các hãng xe trên thế giới có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam. Đồng thời, việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, các Bộ có liên quan sẽ phối hợp.
Dự kiến, sẽ có dự thảo vào cuối tháng 9 về quy chuẩn, tiêu chuẩn trạm sạc xe điện sau khi tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy hoạch xây dựng ở tất cả tòa nhà, khu dân cư, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc. Chính quyền địa phương cũng cần rà soát, bổ sung các địa điểm có thể xây dựng được trạm sạc xe điện, quy hoạch.
Cải thiện môi trường đầu tư, tăng niềm tin của doanh nghiệp
Để cải thiện môi trường đầu tư, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và rà soát toàn diện hệ thống luật pháp |
Thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cũng đã có những cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những vướng mắc khiến hoạt động và sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân chưa được như kỳ vọng. Vì vậy, việc tiếp sức cũng như tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt cần những giải pháp cụ thể hơn, căn cơ hơn cả trong ngắn hạn và lâu dài.
Đây cũng là nội dung được đề cập trong chương trình Chính sách và đối thoại với chủ đề: “Cải thiện môi trường đầu tư: Tiếp sức cho doanh nghiệp Việt” do Báo Công Thương tổ chức ngày 19/9.
Thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tạo điều kiện về pháp lý, chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản giúp các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới. Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp; sẵn sàng các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, năng lượng, lao động,… Môi trường đầu tư đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên theo phản ánh các doanh nghiệp, thực tiễn khi triển khai các dự án tại các địa phương vẫn gặp một số khó khăn.
Để cải thiện môi trường đầu tư, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và rà soát toàn diện hệ thống luật pháp. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ là rất quan trọng để tạo ra môi trường đầu tư linh hoạt và thuận lợi.
Niềm tin về kết quả kinh doanh đã trở lại, nhưng cũng cần tiếp tục được trợ lực từ môi trường thông thoáng tạo đà để phát triển. Trong đó, cơ chế, thủ tục hành chính, thị trường, khơi thông vốn… là các vấn đề được doanh nghiệp mong cơ quan quản lý quan tâm, tháo gỡ.
Việc các bộ, ngành, địa phương nỗ lực gỡ mọi rào cản, gỡ khó cho doanh nghiệp sẽ là cú hích để kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc trong tương lai.
Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng chuyển đổi kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 |
Bộ Công Thương đã và đang triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức tại TP. Đà Nẵng ngày 19/9.
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; định hướng và đẩy mạnh các hoạt động trong thời gian tới.
Sáng 19/9, tại TP. Đà Nẵng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã tổ chức chương trình Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến năm 2024, định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình năm 2025 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Hội nghị còn diễn ra Lễ phát động “Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng”. Đây là chương trình tăng tốc khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam dành riêng cho lĩnh vực hiệu quả năng lượng.
Chương trình hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư vào các giải pháp đổi mới sáng tạo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng tại Việt Nam.
Thông qua thúc đẩy đầu tư, chương trình tăng tốc khởi nghiệp sẽ đóng góp vào mục tiêu chung của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các giải pháp sáng tạo về hiệu quả năng lượng cũng sẽ góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, hướng tới đạt được các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cam kết.