Ngành Công Thương chủ động truyền thông định hướng, tích cực trên đa nền tảng
I. SỨ MỆNH CỦA BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG
Trải qua hơn 2/3 thế kỷ xây dựng và phát triển, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự hợp tác, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng với sự nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, ngành Công Thương Việt Nam đã không ngừng phát triển, lớn mạnh cùng đất nước và đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội nghị tập huấn có nhiều nội dung quan trọng, diễn ra trong hai ngày 17-18/10. Ảnh: Cấn Dũng |
Góp phần vào kết quả chung của toàn ngành, công tác truyền thông luôn được thực hiện song hành với các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, của ngành Công Thương.
Trong buổi làm việc tại Báo Công Thương nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam hôm 19/6/2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã công bố và trao Quyết định số 1599/QĐ-BCT ngày 18/6/2024 về việc công nhận Ngày truyền thống của các cơ truyền thông trong Bộ. Qua thu thập dữ liệu, tài liệu lịch sử, ngày 2/10/1945, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà - thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà đã ký Nghị định số 08-BKT/VP về tổ chức bộ máy và hoạt động của Bộ Quốc dân Kinh tế, trong đó Phòng Kinh tế tập san có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san - đây là tiền thân của các cơ quan báo chí truyền thông ngành Công Thương hiện nay. Việc Nghị định số 08-BKT/VP ra đời thời điểm đó cho thấy Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đặc biệt coi trọng công tác vận động tuyên truyền cũng như xuất bản báo chí, coi đây là công việc hàng đầu của Chính phủ.
Mốc thời gian 2/10/1945 còn cho thấy sứ mệnh thiêng liêng của các cơ quan báo chí truyền thông Bộ Công Thương đó là: Muốn phát triển kinh tế trước hết phải tuyên truyền thật tốt đường lối kinh tế.
Tại lễ công bố quyết định ngày 2/10 hàng năm là Ngày truyền thống Báo Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có một chỉ đạo sâu sắc: “Tạp chí Công Thương, Truyền hình Công Thương, Nhà xuất bản Công Thương cũng bắt đầu từ sự kiện này. Cho nên về lâu dài chúng ta cần có quyết định lấy ngày 2/10 là ngày truyền thống các cơ quan truyền thông thuộc ngành Công Thương Việt Nam”.
Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, đội ngũ cán bộ làm truyền thông của Bộ, ngành Công Thương đã tiếp nối và phát huy những thành quả của các thế hệ đi trước. Hiện nay, các đơn vị thực hiện chức năng truyền thông trong Bộ Công Thương bao gồm: Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Nhà Xuất bản Công Thương, Trung tâm Truyền thông Truyền hình Công Thương, và Phòng Thông tin - Truyền thông thuộc Văn phòng Bộ Công Thương... với đội ngũ đông đảo, lên tới hơn 300 cán bộ, người lao động.
Không dừng lại ở đó, hiện nay, các Cục, Vụ, Viện, Trường... cùng nhiều đơn vị chức năng khác trong Bộ, ngành Công Thương cũng đã xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ truyền thông như: Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Chính sách thương mại và đa biên, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu...
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, người làm công tác truyền thông tại các cơ quan báo chí, truyền thông ngành Công Thương đã và đang thực hiện khá tốt chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của cơ quan ngôn luận ngành Công Thương, bám sát các yêu cầu chính trị, chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của nhà nước, tổ chức bộ máy và phương tiện, nhân lực làm báo để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong ngành báo chí.
Phát huy sứ mệnh cũng như để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo các Cục, Vụ, các cơ quan trực thuộc Bộ phải thường xuyên cung cấp thông tin hàng tuần, hàng tháng cho các cơ quan báo chí.
Trong các cuộc giao ban định kỳ, lãnh đạo Bộ đều yêu cầu phải báo cáo số lượng tin, bài cung cấp cho các cơ quan báo chí và có những chỉ đạo, định hướng kịp thời. Nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm như tình hình cung ứng điện, cung ứng xăng dầu, chi tiêu ngân sách, giải ngân vốn đầu công… cũng được lãnh đạo Bộ thường xuyên chỉ đạo cung cấp thông tin cho báo chí.
Năm 2024, công tác truyền thông tiếp tục được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm, chú trọng và yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ phải coi công tác truyền thông là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và quan trọng của đơn vị mình. Chính vì vậy, xuyên suốt các buổi họp, các cuộc làm việc, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần nhấn mạnh đến nhiệm vụ của công tác truyền thông báo chí, làm sao để công tác truyền thông thực sự trở thành cầu nối quan trọng, hỗ trợ hiệu quả việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ Công Thương, ngành Công Thương.
Có thể nói, năm 2024 công tác truyền thông của Bộ, của Ngành Công Thương đã có sự thay đổi đặc biệt, bởi nhiệm vụ này liên tiếp nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao mà trực tiếp là của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đó là từ 2024 trở đi Bộ Công Thương đã tổ chức một cuộc gặp gỡ tại trụ sở Bộ, nhằm tôn vinh những người làm báo trong ngành Công Thương.
Nhờ những chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương công tác truyền thông trong Bộ Công Thương ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, thông tin về hoạt động của Ngành Công Thương, về những chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực Công Thương luôn được các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đăng tải, cập nhật thường xuyên, liên tục, hàng ngày hàng giờ, theo những góc độ tiếp cận khác nhau, thông qua các phương tiện và công cụ truyền thông khác nhau...
Theo đánh giá của các Bộ, ngành chức năng, Bộ Công Thương luôn được xếp vào nhóm các Bộ ngành truyền thông đúng, trúng, trọng tâm và hiệu quả. Thông điệp truyền thông nhất quán, chậm mà chắc, nói đúng, nói đủ, nói có giá trị và chất lượng, góp phần định hướng dư luận cũng như tạo ra sự đồng thuận xã hội đối với những nội dung nhiệm vụ mà Ngành Công Thương đang thực hiện..
II. CHỦ ĐỘNG ĐỊNH HƯỚNG, TRUYỀN THÔNG TÍCH CỰC TRÊN ĐA NỀN TẢNG
Không dừng lại ở những kết quả đó, để làm tốt hơn công tác truyền thông, ngày 17/10/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu công tác truyền thông, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí cho lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động đến từ gần 60 đơn vị trong Bộ, ngành Công Thương với các nội dung tập huấn: Kỹ năng trong công tác truyên thông và xử lý khủng hoảng truyền thông; Hướng dẫn viêt bài về cách tiếp cận và nội dung bài viết về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trong ngành Công Thương; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong các tác phẩm báo chí đa phương tiện; Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của các đơn vị trong Bộ...
Tin rằng, thông qua Hội thảo tập huấn, mỗi cán bộ, công chức, người lao động làm công tác truyền thông sẽ tự hình thành được ý chí bản lĩnh của người làm truyền thông; làm tốt hơn bổn phận trách nhiệm của mình; đóng vai trò quan trọng trong cơ quan của mình và góp phần lan tỏa những kết quả của ngành, của Bộ rộng hơn nữa.
Bối cảnh mới đã và đang đặt ra những thời cơ thuận lợi và thách thức đan xen đối với hoạt động truyền thông của Bộ, ngành Công Thương. Để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, các cơ quan truyền thông trong Bộ cần chú trọng nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí truyền thông và công tác của ngành Công Thương để hoạch định đường lối, xây dựng định hướng phát triển và tổ chức thực thi nhiệm vụ thường xuyên đạt kết quả tốt, hiệu quả nhất.
Cùng đó, bám sát định hướng chiến lược quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương để làm tốt công tác truyền thông, góp phần làm giàu về nhận thức, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, đề xuất được phương hướng và giải pháp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng về kinh tế xã hội, nhất là mục tiêu phát triển của ngành Công Thương theo Chiến lược phát triển ngành đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Trong buổi làm việc tại Báo Công Thương nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam hôm 21/6/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phát biểu và kỳ vọng, Công Thương là ngành lớn, các cơ quan truyền thông cũng phải nâng tầm, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của ngành có vai trò vị trí rất quan trong nền kinh tế đất nước. Vì vậy, các đơn vị truyền thông trong Bộ cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật trong điều kiện cho phép; kiện toàn, có biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế lãnh đạo, như cấp uỷ, tổ chức Đảng, đoàn thanh niên, công đoàn … nâng cao vai trò gương mẫu của từng cán bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chính trị toàn ngành, cũng như mỗi đơn vị trong ngành Công Thương.