Ngành Công Thương thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 23/11/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Ngành Công Thương thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững; Đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Doanh nghiệp Việt tận dụng thương mại điện tử vươn ra thế giới.
Ngành Công Thương thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững
Chuyển đổi số được xem như một nhiệm vụ chiến lược trọng yếu và cấp bách để nâng cao năng lực sản xuất chất lượng, hiệu quả cạnh tranh trong toàn ngành Công Thương |
Chuyển đổi số được xem như một nhiệm vụ chiến lược trọng yếu và cấp bách để nâng cao năng lực sản xuất chất lượng, hiệu quả cạnh tranh trong toàn ngành Công Thương. Chuyển đổi số giúp giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cũng như đối với phát triển xanh và bền vững.
Ngày 21/11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững”.
Theo đánh giá, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế internet.
Năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đây cũng chính là thời điểm để chúng ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương, triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung vào các nội dung: Tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp-năng lượng và dịch vụ logistics.
Trong nỗ lực xây dựng và tổ chức thực thi các chính sách, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, Diễn đàn là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nơi hội tụ các đơn vị cung cấp giải pháp hạ tầng chuyển đổi số, các đơn vị ứng dụng công nghệ số điển hình. Tại đây, các doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực thương mại điện tử, sản xuất và năng lượng, để cùng nhau thảo luận, đánh giá về tiến trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực nói trên, cũng như bàn về các giải pháp chuyển đổi số hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững trong tương lai.
Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương được Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ phát huy vai trò kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các sở Công Thương địa phương, các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhằm đưa ra các đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương hiệu quả, bền vững.
Diễn đàn diễn ra với một phiên toàn thể và hai hội thảo chuyên đề tập trung thảo luận về chủ đề “Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh trong sản xuất và năng lượng” và “Xu hướng phát triển Thương mại điện tử bền vững trong kỷ nguyên số”.
Tại toạ đàm về thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương với sự điều phối của Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh, các diễn giả đã tập trung thảo luận về thực trạng chuyển đổi số ngành Công Thương, lộ trình kế hoạch cũng như các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương trong giai đoạn tiếp theo, trong đó chú trọng vào 3 lĩnh vực cốt lõi của kinh tế số bao gồm: Thương mại điện tử, Công nghiệp - sản xuất thông minh và Năng lượng thông minh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024 còn có triển lãm các công nghệ, giải pháp chuyển đổi số, sản xuất thông minh, ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực Công Thương.
Đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X, năm 2024 |
Bộ Công Thương vừa phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X, năm 2024.
Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 và 9 tháng năm 2024, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các tháng còn lại để tập trung hoàn thành kế hoạch của cả năm 2024.
Sáng nay ngày 22/11, tại TP. Đông Hà đã diễn ra Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X, năm 2024.
Hội nghị có sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Công Thương Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, đại diện các Cục, Vụ Viện Bộ Công Thương, đại diện Báo Công Thương; Đại diện lãnh đạo Sở, ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên và Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, khu vực miền Trung - Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm ở vị trí thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các tỉnh thuận lợi nhờ đường sắt và Quốc lộ 1A xuyên suốt chiều dài nhiều tỉnh.
Đồng thời khu vực còn có thể giao thương với các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và xa hơn là các nước Nam Á và vùng Tây Nam Trung Quốc thông qua trục Hành lang kinh tế Đông - Tây và hệ thống các Quốc lộ …
Đây là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú về rừng, núi, biển, đảo, vịnh nước sâu, đất đai, di sản văn hóa lịch sử… có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế với các ngành chủ lực như: Phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, công nghiệp đóng tàu; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…
Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X, năm 2024 được tổ chức nhằm mục đích đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 và 09 tháng năm 2024, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các tháng còn lại để tập trung hoàn thành kế hoạch của cả năm 2024.
Thảo luận, chia sẽ kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.
Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường các hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực.
Ngoài ra, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên tiếp xúc trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đưa ra các tham luận mang tính xây dựng và các câu hỏi, vướng mắc mong muốn sớm được giải quyết.
Trong đó, có các chủ đề đang được quan tâm như: Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo- Densavan- Điểm kết nối đặc biệt trên hành lang kinh tế Đông Tây của Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị Nguyễn Xuân Minh; Niêm yết giá tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình; Kim ngạch giá trị xuất khẩu các mặt hàng trong thời gian vừa qua của Sở Công thương tỉnh Bình Định,…
Đến nay tỉnh Bình Định đã có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 Châu lục. Kim ngạch xuất khẩu các năm đều tăng, năm sau tăng hơn so với năm trước. Quy mô sản xuất hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp được đầu tư mở rộng. Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực, chuyển dịch từ xuất khẩu thô sang sơ chế, gia công, tinh chế.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, thành công của Hội nghị sẽ là tiền đề cho sự gắn kết và phát triển ngành Công Thương các địa phương trong khu vực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và sự nghiệp phát triển ngành Công Thương của cả nước.
Doanh nghiệp Việt tận dụng thương mại điện tử vươn ra thế giới
Từ một ngành non trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn thương mại điện tử đã trở thành "trợ thủ" dẫn dắt nền kinh tế số theo đúng định hướng |
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Từ một ngành non trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn thương mại điện tử đã trở thành "trợ thủ" dẫn dắt nền kinh tế số theo đúng định hướng. Thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, thuộc top dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đã khẳng định vai trò, vị thế tiên phong của ngành trong nền kinh tế số.
Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều giải pháp, chính sách đã áp dụng chúng ta đã cơ bản giải quyết các khó khăn, thách thức, thúc đẩy đưa hàng Việt tiếp cận thị trường quốc tế. Tới nay chúng ta đã qua thời kỳ “lăn bánh” và có nhiều cơ hội “vươn mình, cất cánh”.
Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, nắm bắt thời cơ, nhiều doanh nghiệp đã bắt nhịp với xu hướng kinh doanh trên nền tảng công nghệ và chính nhờ sự quyết tâm "thoát xác" trong cuộc đua toàn cầu và gặt hái quả ngọt.
Tuy nhiên, để thương mại điện tử tiếp tục phát triển, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần hiểu rõ ngành hàng, xu hướng tiêu dùng, khả năng kinh doanh để lựa chọn những sản phẩm ngách có nhu cầu cao và phù hợp với lĩnh vực kinh doanh. Cùng với đó, luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và luật định đối với sản phẩm tại thị trường mục tiêu…