Việt Nam - Hoa Kỳ ký nhiều thỏa thuận về công nghệ, năng lượng
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 25/9/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Việt Nam - Hoa Kỳ ký nhiều thỏa thuận về công nghệ, năng lượng; Gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu từ việc tăng năng lực nội tại; Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh năm 2024: Tạo đột phá cho nền kinh tế xanh.
Việt Nam - Hoa Kỳ ký nhiều thỏa thuận về công nghệ, năng lượng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự cuộc Tọa đàm với các Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ |
Tại buổi tọa đàm doanh nghiệp diễn ra vào ngày 23/9 tại New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chứng kiến việc ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác quan trọng về năng lượng giữa các tập đoàn lớn của Việt Nam và Hoa Kỳ.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và chuyến làm việc tại Hoa Kỳ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh Hoa Kỳ là đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam, với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn, trong khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2023 đã đạt hơn 110 tỷ USD, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp vượt mức 100 tỷ USD. Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước vẫn còn nhiều dư địa để khai thác.
Tại tọa đàm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã ký kết các Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Tập đoàn Kellogg Brown & Root (KBR) và GE Digital International LLC. Thỏa thuận với KBR nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phát triển nhiên liệu bền vững, đặc biệt là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Đây là bước đi chiến lược giúp Petrovietnam tiếp cận công nghệ tiên tiến, đồng thời mở rộng đầu tư vào các dự án năng lượng mới như hydro xanh và amoniac xanh, góp phần vào lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Thỏa thuận hợp tác giữa Petrovietnam và GE Digital International LLC tập trung vào việc phát triển các giải pháp chuyển đổi số cho các hoạt động trong lĩnh vực điện và dầu khí. Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ mang lại đột phá trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ số tiên tiến, đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định cho nền kinh tế.
Ngoài ra, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với Excelerate Energy, một nhà cung cấp giải pháp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu tại Hoa Kỳ. Hai bên sẽ cùng thực hiện các nghiên cứu khả thi nhằm phát triển hạ tầng LNG tại Việt Nam, giúp đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng và thúc đẩy sự phát triển của thị trường khí đốt trong nước.
Sự kiện ký kết này là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ và lâu dài giữa các tập đoàn lớn của Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời thể hiện cam kết chung trong việc phát triển năng lượng bền vững và công nghệ số, góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu từ việc tăng năng lực nội tại
Chương trình Chính sách và đối thoại với chủ đề: “Doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn” do Báo Công Thương tổ chức |
Rất nhiều cơ hội mở ra trước mắt các doanh nghiệp doanh nghiệp Việt Nam khi bên ngoài, làn sóng đầu tư đang hướng vào Việt Nam, bên trong là “xây tổ đón đại bàng”. Song làm thế nào để các doanh nghiệp Việt “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại chương trình Chính sách và đối thoại với chủ đề: “Doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn” do Báo Công Thương tổ chức, sáng 24/9 tại Hà Nội.
Tại toạ đàm các diễn giả đều chung đánh giá, trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp Việt Nam, trong đó có công nghiệp mũi nhọn, có đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót cần khắc phục cả trước mắt và trong chiến lược dài hạn. Để tạo động lực cho doanh nghiệp, tạo ra được những doanh nghiệp dẫn dắt nền kinh tế hay các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” thì cần xây dựng cơ chế và hoàn thiện chính sách.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, nhưng cần hơn nữa những chính sách tạo ra các chuỗi công nghiệp của Việt Nam, do người Việt nam đứng đầu. Đồng thời, cần tạo cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI.
Bây giờ các chương trình lớn của quốc gia rất nhiều… chúng ta nuôi được doanh nghiệp trong nước phát triển hơn Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường niềm tin, giao cho những dự án mà doanh nghiệp nội địa có đủ năng lực thực thi, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài.
Để doanh nghiệp phát triển, trở thành trụ cột cần thời gian dài, nhiều năm, vì vậy, cần chính sách lâu dài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ngoài cơ chế, chính sách từ cơ quan quản lý, bản thân doanh nghiệp cần chủ động các kế hoạch để nắm bắt cơ hội, trở thành những trụ cột phát triển của đất nước, vươn tầm thế giới.
Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh năm 2024: Tạo đột phá cho nền kinh tế xanh
Bộ Công Thương và EuroCham phối hợp tổ chức họp báo công bố sự kiện Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2024 (GEFE 2024) |
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và EuroCham phối hợp tổ chức họp báo công bố sự kiện Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2024 (GEFE 2024). Sự kiện này nhằm thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững, kế hoạch quốc gia về chuyển đổi năng lượng, quản lý rủi ro khí hậu nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Với chủ đề "Kiến tạo tương lai Xanh", Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 tập trung vào nhu cầu cấp bách về hành động trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xây dựng một nền kinh tế xanh hơn cho Việt Nam.
Với gần 30 phiên hội thảo trải dài trên 10 chuyên đề xanh và một phiên khai mạc cấp cao, hơn 8.000 khách mời từ nhiều lĩnh vực, bao gồm các cuộc đối thoại B2B và B2G, người tham dự sẽ có cơ hội tương tác với các nhà lãnh đạo ngành và quan chức chính phủ. Và trọng tâm vào ngày thứ 3 - Ngày hội Sinh viên sẽ có sự tham gia của hơn 2000 sinh viên.
Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào các chủ đề quan trọng thúc đẩy các giải pháp hướng tới tương lai bền vững: khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, số hóa cho nền tài chính xanh và chuyển đổi năng lượng bền vững - những yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu Net-Zero vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.
Trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Khu gian hàng Việt Nam với sự tham gia của 24 doanh nghiệp đa ngành của Việt Nam nhằm giới thiệu, trưng bày các công nghệ tiên tiến, sản phẩm chất lượng cao, sáng kiến và mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giải pháp sản xuất bền vững của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận trực tiếp với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu châu Âu trong các lĩnh vực, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị giao thương (B2B) giữa doanh nghiệp Việt Nam và Châu Âu. Đây được coi là cơ hội rất tốt để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu và Việt Nam, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế Việt Nam xanh, bền vững thông qua việc chia sẻ sáng kiến, ý tưởng và chuyển giao công nghệ.