Nỗ lực không ngừng để có Luật Điện lực tốt nhất
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 14/9/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Nỗ lực không ngừng để có Luật Điện lực tốt nhất; Bộ Công Thương trao tiền và hiện vật hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại bão số 3; Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc Dự án nhà máy nhiệt điện.
Nỗ lực không ngừng để có Luật Điện lực tốt nhất
Ban soạn thảo và Tổ biên tập cũng đã bổ sung, rà soát và hoàn thiện những vấn đề liên quan đến nguồn điện năng lượng tái tạo; nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ... |
Có thể nói, hiện nay việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng là yêu cầu tiên quyết của việc xây dựng dự án Luật; đặc biệt với dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã nỗ lực xây dựng dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, gửi xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Sáng 13/9, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nghe báo cáo về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Tại buổi làm việc, ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực thông tin cơ bản về nội dung sửa đổi của dự thảo Luật Điện lực. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật; áp dụng pháp luật; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực; quy hoạch phát triển điện lực.
Ban soạn thảo và Tổ biên tập cũng đã bổ sung, rà soát và hoàn thiện những vấn đề liên quan đến nguồn điện năng lượng tái tạo; nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ; sửa chữa, cải tạo, thay thế thiết bị; vấn đề về điện gió ngoài khơi…
Ngài ra, dự thảo Luật Điện lực cũng có điều chỉnh về thị trường điện; mua bán điện, giá điện và giá các dịch vụ về điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện…
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm và có hiệu quả của Ban soạn thảo, Tổ biên tập để hoàn thiện dự thảo trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.
Để hoàn thiện dự thảo, Bộ trưởng yêu cầu:
Thứ nhất, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cùng 2 Tập đoàn EVN, PVN rà soát lần cuối để loại bỏ những quy định chi tiết hoặc những quy định không thuộc thẩm quyền của Quốc hội để đưa sang dự thảo Nghị định (kèm theo dự thảo Luật này), để dự thảo Luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền, thuận lợi trong khi thực hiện và linh hoạt khi điều chỉnh.
Bản thảo lần cuối của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần tiếp thu những ý kiến kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng tại cuộc họp ngày 13/9 để trình Chính phủ vào ngày 14/9.
Thứ hai, đối với 11 vấn đề đã tiếp thu, Bộ trưởng đề nghị cần rà soát về câu từ trong dự thảo Luật, nhất là các bên có liên quan như PVN, EVN.
Bộ Công Thương trao tiền và hiện vật hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại bão số 3
Bộ Công Thương đã chủ động vận động được nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các mạnh thường quân tham gia đóng góp tiền, cùng hàng chục tấn hàng hóa |
Phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân, tương ái", “Thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, ngoài việc ủng hộ theo sự kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các doanh nghiệp, cán bộ, công chức, lao động ngành Công Thương đã có những phần quà đóng góp, chia sẻ khó khăn chung với các địa phương bị thiệt hại do bão, lụt gây ra; góp phần cùng Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống của nhân dân.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, với tinh thần hỗ trợ “cao nhất, nhanh nhất” cho các gia đình bị thiệt hại do bão, lụt và lời kêu gọi với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, theo lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ phát động, quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão, lụt gây ra trong thời vừa qua.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã chủ động vận động được nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các mạnh thường quân tham gia đóng góp tiền, cùng hàng chục tấn hàng hóa đến cứu trợ, giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại nhiều tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái.
Trong ngày 12/9, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng dẫn đầu,cùng Công đoàn ngành Công Thương, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Công Thươngđã đến tỉnh Tuyên Quang trao 500 triệu đồng và 1.000 suất quà đến Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang.
Trong buổi sáng 13/9, Thứ trưởng Phan Thị Thắng tiếp tục cùng Đoàn công tác của Bộ Công Thương đến tỉnh Phú Thọ trao hỗ trợ 500 triệu đồng cùng các nhu yếu phẩm như nước uống, mì gói cùng các vật dụng khác gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ để Hội Chữ thập đỏ tỉnh này điều tiết, phân phối đến người dân vùng lũ.
Đầu buổi chiều 13/9, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng Đoàn công tác của Bộ Công Thương tiếp tục đến tỉnh Lào Cai trao 1 tỷ đồng cùng 3.500 phần quà gồm các nhu yếu phẩm như nước uống, mì gói,… cùng các vật dụng khác tới đồng bào bị ảnh hưởng cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão.
Đến cuối buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến tỉnh Yên Bái ủng hộ 1,5 tỷ đồng cùng 1.500 phần quà gồm các nhu yếu phẩm như nước uống, mì gói, nhằm góp phần hỗ trợ tỉnh này sớm khắc phục hậu quả bão lũ gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
Những món hàng hóa, suất quà, hiện kim này được sự đồng hành của Tập đoàn Thế giới Di động, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh, AEON Việt Nam và Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam hỗ trợ.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong ngày 14/9, Đoàn Công tác của Bộ Công Thương Tiếp tục đến đến các địa phương khác để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do cơn bão số 3.
Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc Dự án nhà máy nhiệt điện
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu và đề nghị Đại sứ các nước Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản tại Việt Nam thẳng thắn trao đổi những vướng mắc |
Chiều 13/9, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Đại sứ các nước: Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản tại Việt Nam để trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các Dự án nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam phải tăng gấp đôi công suất điện của toàn hệ thống so với hiện nay và chuyển dịch mạnh cơ cấu ngành năng lượng để bảo đảm năm 2050 Việt Nam đạt trung hòa carbon.
Cũng theo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng gần 25% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện, trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II.
Dự kiến, hai Dự án nhà máy Nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và II sẽ vận hành thương mại vào năm 2027 và 2029. Tuy nhiên hiện nay các Dự án này đang tồn tại một số vướng mắc liên quan đến chi phí chuyển đổi nhiên liệu, vướng mắc về đầu tư…
Do vậy, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu và đề nghị Đại sứ các nước Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản tại Việt Nam thẳng thắn trao đổi những vướng mắc, khó khăn và đề xuất các giải pháp để đảm bảo phát triển các dự án nhiệt điện khí trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ Việt Nam cũng như những người dân Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 và hoàn lưu của nó, Đại sứ các nước Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản tại Việt Nam cùng tin tưởng, Chính phủ và người dân Việt Nam sẽ sớm khắc phục được hậu quả và ổn định cuộc sống cho mọi người.
Liên quan đến các Dự án nhà máy Sơn Mỹ I và II, các Đại sứ cho rằng, đây là các dự án quan trọng để Việt Nam đảm bảo nguồn cung năng lượng và đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các Đại sứ cũng nhấn mạnh, Pháp, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng nằm trong nhóm các nước cam kết Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng và hiện nay các cơ quan năng lượng của 3 nước đang hoạt động tích cực tại Việt Nam góp phần giúp Việt Nam đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng.
Chúng tôi cam kết ủng hộ Việt Nam thực hiện mục tiêu mà các bạn đề ra, trong đó có mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hai Dự án Nhà máy Sơn Mỹ I và Nhà máy Sơn Mỹ II là các dự án quan trọng, vì vậy, Pháp cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình xây dựng và đi đến vận hành các dự án.
Hoa Kỳ tin tưởng quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, trong đó, điện khí đóng vai trò vô cùng quan trọng, vì vậy cần đẩy nhanh quá trình tháo gỡ khó khăn, tận dụng được lợi thế từ các dự án nhà máy Sơn Mỹ I và II.
“Chúng tôi kiến nghị Việt Nam sớm hoàn thành việc sửa đổi Luật Điện lực và Luật Đầu tư công để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư cũng như đảm bảo những cơ chế trong việc xây dựng, vận hành các dự án nhà máy điện.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời cảm ơn chân thành trước những lời chia buồn sâu sắc của Đại sứ 3 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp tại Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu của cơn bão gây ra cho Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm của các Đại sứ về việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để triển khai các dự án điện khí, đặc biệt là đối với hai dự án Sơn Mỹ I, II để vừa đảm bảo thực hiện Quy hoạch Điện VIII, vừa đảm bảo nhu cầu điện năng cho cả nước, đồng thời từng bước thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào 2050, Bộ trưởng cho biết, đó cũng là những mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới.
Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam đều là những đối tác chiến lược của nhau, cùng là đối tác JEPT để thực hiện mục tiêu trung hòa các bon, do vậy trên tinh thần vừa là đối tác chiến lược của nhau, vừa là đối tác JEPT Bộ trưởng cho rằng, các bên sẽ cùng bắt tay để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các dự án này để tiến về phía trước.
Trên tinh thần của Chính phủ Việt Nam “đã nói là làm, đã đi là đến, đã làm là xong” các bên cần được hài hòa về lợi ích, chia sẻ về rủi ro. Vì vậy, việc triển khai thực hiện các dự án phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.