Vinh danh 190 doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 6/11/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Vinh danh 190 doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Phổ biến toàn quốc Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; Xuất khẩu dệt may tăng tốc những tháng cuối năm cần vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh.
Vinh danh 190 doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là thông điệp về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã tổ chức Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9, với chủ đề “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh”.
Đây là những sản phẩm đáp ứng hệ thống các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và là những sản phẩm tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam.
Tối 4/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, quận Nam Từ Liêm Hà Nội, đã chính thức diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9, năm 2024.
Với chủ đề: “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh,” Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là thông điệp về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững, thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp không chỉ tiên phong trong lĩnh vực kinh tế mà còn là lực lượng dẫn dắt cho xu hướng phát triển xanh, góp phần tạo nên một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.
Theo đó, tại kỳ bình chọn lần 9 năm 2024, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đã thống nhất lựa chọn và công nhận 190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm có đủ điều kiện đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam (tăng 18 doanh nghiệp và 34 sản phẩm so với kỳ xét chọn trước), cao nhất từ trước đến nay.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chúc mừng 190 doanh nghiệp vinh dự đạt thương hiệu quốc gia. Kết quả này không chỉ khẳng định sự trưởng thành và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mà còn minh chứng cho sự nỗ lực, sức sáng tạo, đổi mới không ngừng và năng lực tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp Việt, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông qua chương trình, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia đã liên tục tăng qua các kỳ xét chọn và khẳng định được vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển, đồng thời, đi đầu trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội; đóng góp quan trọng vào việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh trong khu vực và thế giới.
Chúc mừng các doanh nghiệp được vinh danh tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua 20 năm, Chương trình Thương hiệu Quốc gia ngày càng khẳng định là một trong những chương trình uy tín và chất lượng. Số doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu quốc gia tiếp tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp năm 2024.
Theo đó, Chương trình vừa khẳng định chất lượng sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, vừa khẳng định năng lực trí tuệ, bản lĩnh tính linh hoạt sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo dựng vị thế vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm 2 chữ “Việt Nam” trên thị trường quốc tế, khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng thương hiệu quốc gia.
Việc xét chọn, công nhận và tổ chức Lễ công bố doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được thực hiện thường kỳ 2 năm một lần, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị trụ cột của Chương trình, đồng thời, ghi nhận, vinh danh những doanh nghiệp, sản phẩm có uy tín, chất lượng hàng đầu quốc gia.
Phổ biến toàn quốc Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì Hội nghị phổ biến toàn quốc về Nghị định 135/2024/NĐ-CP |
Vừa qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến triển khai Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 của Chính phủ về quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Hội nghị được tổ chức nhằm giúp các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nắm rõ nội dung, quy định mấu chốt của nghị định, sớm đưa nghị định vào cuộc sống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khi Nghị định 135 được thực hiện sẽ huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Chiều 4/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì Hội nghị phổ biến toàn quốc về Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam và truyền hình trực tiếp đến 789 điểm cầu tại các Tổng Công ty, Công ty điện lực, các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước, trong đó có cả huyện đảo Cô Tô.
Nghị định số 135 quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, quy định việc mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Như vậy, Nghị định có phạm vi áp dụng mở rộng cho tất cả các đối tượng là nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng trên phạm vi cả nước.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, đây là Nghị định nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương, trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần chủ trì buổi làm việc với các đơn vị, Tập đoàn, doanh nghiêp liên quan và có những chỉ đạo, điều hành sát sao “đêm ngày” để hướng tới mục tiêu cao nhất là sớm hoàn thiện Nghị định và được Chính phủ thông qua.
Cũng tại Hội nghị, đánh giá cao sự nỗ lực, đóng góp vô cùng quan trọng của Ban biên tập, Tổ soạn thảo, của tất cả đại diện các Bộ, ban ngành, đặc biệt là sự tham gia của EVN, các Tổng Công ty, Công ty Điện lực tại các tỉnh, thành phố… trong việc đồng hành cùng Bộ Công Thương trong việc biên soạn, xây dựng thành công Nghị định, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho rằng: “Đó là sự nỗ lực vô cùng lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng chúng ta đã xây dựng thành công Nghị định và được Chính phủ thông qua, ban hành”.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long mong muốn và kỳ vọng, Nghị định 135/2024/NĐ-CP sẽ sớm đi vào cuộc sống; để người dân, doanh nghiệp, địa phương, tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý có liên quan hiểu và nắm rõ về nội dung, về những điểm mấu chốt của Nghị định. Từ đó chủ động xây dựng các kế hoạch, đầu tư, phát triển về điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Nghị định 135/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành hôm 22/10/2024 bao gồm 4 Chương với 26 điều. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định là 9 chính sách khuyến khích và được xây dựng dựa trên các nguyên tắc: Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng với các đối tượng được quy định tại Nghị định này; hoạt động mua bán sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Hiện tại, cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp đang chờ văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 135/2024/NĐ-CP. Sau khi có văn bản hướng dẫn, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ trách nhiệm được giao sẽ ban hành văn bản thực hiện nghị định cũng như quản lý phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ tại địa phương.
Xuất khẩu dệt may tăng tốc những tháng cuối năm cần vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh
Xuất khẩu dệt may tăng tốc những tháng cuối năm |
Tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi, việc giảm tồn kho của các hãng thời trang và các chính sách tiền tệ nới lỏng đang tạo ra một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho đơn hàng dệt may trong những tháng cuối năm và mở ra triển vọng tích cực cho năm 2025.
Với những tín hiệu khả quan từ thị trường, ngành dệt may Việt Nam đang tăng tốc hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ đô la Mỹ.
Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh hoạt động sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu để hoàn thành kế hoạch xuất khẩu cả năm 44 tỷ USD.
Thời gian gần đây, biến động trong nước đã kéo năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh tạm thời giảm sút. Một số khách hàng đang xem xét chuyển dịch đơn hàng ra ngoài Bangladesh, có thể khoảng 10% đơn đặt hàng xuất khẩu của nước này sẽ thay đổi.
Hiện, ngành dệt may đang bước vào mùa cao điểm sản xuất hàng cho mùa đông. Một số doanh nghiệp cho rằng Việt Nam đang có một số lợi thế khi ngành dệt may Bangladesh gặp khó khăn do các cuộc đình công liên tục xảy ra.
Ngoài yếu tố trên, các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành dệt may đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đã phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm nay, với tổng kim ngạch đạt hơn 1,9 tỷ USD. Thị trường Hà Lan ghi nhận mức phục hồi 19,97%, xuất khẩu sang Cộng hòa Séc tăng mạnh 48,98%...
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu dệt may là tình hình lạm phát tại các nền kinh tế lớn đang được kiểm soát tốt, góp phần tăng cường sức mua của người tiêu dùng. Phần lớn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có đủ đơn hàng để sản xuất đến hết quý IV/2024, bao gồm cả mùa cao điểm cho mùa Giáng sinh và Tết dương lịch.
Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may đều đã đầy đơn hàng tới cuối năm nay, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng tới quý 1 năm 2025. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là thiếu lực lượng lao động để đáp ứng được đơn hàng.
Việc tuyển dụng lao động khó khăn ngay cả với công ty lớn, mặc dù nhiều doanh nghiệp trả lương cao và phúc lợi xã hội tốt. Dự báo, từ nay đến tháng 2/2025 sẽ xuất hiện tình trạng "thúc" đơn hàng từ các đối tác, công ty có thể sẽ phải tuyển thêm nhiều lao động thời vụ để đáp ứng nhịp sản xuất của các đơn hàng.