Ngành Công Thương nỗ lực vượt khó, tăng trưởng ấn tượng
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 18/9/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Ngành Công Thương nỗ lực vượt khó, tăng trưởng ấn tượng; Logistics xanh: Giải pháp giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng; Lực lượng Quản lý thị trường trao gửi hàng tỷ đồng đến bà con vùng bão lũ.
Ngành Công Thương nỗ lực vượt khó, tăng trưởng ấn tượng
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Công Thương đã báo cáo với Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao 8 tháng đầu năm 2024 |
Chiều ngày 17/9, tại trụ sở Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Công Thương đã báo cáo với Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao 8 tháng đầu năm 2024, các khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thúc đẩy thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công Thương đang phải đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức, về nhu cầu điện năng, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Cùng đó, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cao hơn nữa để đạt kết quả cả năm 2024.
Cho rằng phía trước còn nhiều vấn đề phức tạp, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, nội luật hóa luật pháp quốc tế cũng là thách thức, hàng loạt cam kết phải thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, ủng hộ, đồng hành để ngành Công Thương hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận định, trong bối cảnh khu vực, quốc tế và trong nước còn rất nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, toàn diện, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Bộ Công Thương và toàn ngành Công Thương đã đóng góp lớn cho thành tựu chung của đất nước trong thời gian qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tập trung thực hiện 3 vấn đề trọng tâm. Trong đó chú trọng việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, để vừa tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, vừa kiến tạo, mở đường cho phát triển.
Cùng với đó, tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Ngành công thương cần khẳng định và phát huy vai trò chủ lực.
Đặc biệt, đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong duy trì, thúc đẩy và phát triển tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu thời gian qua, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục tận dụng, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung phát huy những thành công của thương mại điện tử theo đúng theo xu hướng chung của thế giới; tăng cường chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai mạnh mẽ Đề án 06; tiếp tục thúc đẩy Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đối với các kiến nghị của Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp và tập trung giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, những dự án tồn đọng khơi thông để phát triển; xây dựng những chính sách mới, mở đường cho phát triển… dựa trên quan điểm luôn đồng hành cùng ngành Công Thương, cùng nhau đóng góp vào kết quả chung của đất nước. Phó Thủ tướng tin rằng, ngành Công Thương sẽ “tâm vững, chí bền, cùng nhau phối hợp hành động để hoàn thành tốt nhiệm vụ do Chính phủ, nhân dân giao phó.
Logistics xanh: Giải pháp giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng
Việt Nam hiện có khoảng 30 tập đoàn logistics lớn trên thế giới và hơn 34.000 doanh nghiệp logistics của Việt Nam |
Trước bối cảnh “xanh hóa” toàn cầu, logistics cũng là một ngành được đánh giá có phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng rất cao.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản về "chuyển đổi xanh", phát triển bền vững ở tất cả các loại hình vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa. Hành lang pháp lý thuận lợi với lộ trình thực hiện cụ thể đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý đối với phát triển bền vững, trong đó có phát triển logistics xanh, tạo động lực chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp trong ngành.
Dù đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng nhưng logistics cũng là ngành phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng cao.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 30 tập đoàn logistics lớn trên thế giới và hơn 34.000 doanh nghiệp logistics của Việt Nam. Tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp logistics của Việt Nam mới chỉ đóng vai trò là vệ tinh, cung cấp các dịch vụ logistics vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài.
Điều này sẽ tạo áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi khi các tập đoàn lớn, các công ty logistics đóng vai trò là người điều hành chuỗi logistics trên toàn cầu, họ chuyển đổi xanh mạnh mẽ và cũng yêu cầu các doanh nghiệp logistics Việt Nam khi tham gia vào chuỗi logistics cũng phải đáp ứng được yêu cầu xanh hóa.
Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Trong bối cảnh thúc đẩy phát triển bền vững như hiện nay, “xanh hoá” không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Chiến lược đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hiệp hội trong việc kết nối doanh nghiệp; phát triển logistics xanh, bền vững; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics; phát triển nguồn hàng; xây dựng trung tâm logistics tạo được sự liên kết.
Lực lượng Quản lý thị trường trao gửi hàng tỷ đồng đến bà con vùng bão lũ
Tổng cục Quản lý thị trường đã chuyển hơn 1,2 tỷ đồng đến Công đoàn Bộ Công Thương và thông qua Công đoàn Bộ số tiền sẽ được gửi đến hỗ trợ bà con các tỉnh, thành phía Bắc |
Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, những ngày qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ trưởng Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã phát động chương trình quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (bão Yagi) và sau bão.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ngày 12/9/2024, Tổng cục cũng đã có Công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ số 3 gây ra.
Nhiều hiện vật đã được quyên góp, ủng hộ đó là nước sạch, thuốc, sữa, mì tôm, rau xanh… những mặt hàng vô cùng thiết đối với đồng bào vùng lũ. Trị giá hàng hóa quyên góp ước tính gần 500 triệu đồng.
Ngay trong sáng 16/9, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức buổi trao gửi số tiền ủng hộ của toàn lực lượng đến Công đoàn Bộ Công Thương.
Ngay trong ngày 16/9, Tổng cục Quản lý thị trường đã chuyển hơn 1,2 tỷ đồng đến Công đoàn Bộ Công Thương và thông qua Công đoàn Bộ, số tiền sẽ được gửi đến hỗ trợ bà con các tỉnh, thành phía Bắc đã và đang chịu ảnh hưởng từ bão lũ. Số tiền còn lại, Tổng cục sẽ dùng để hỗ trợ một số Cục Quản lý thị trường, và gia đình các công chức, người lao động chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão. Bởi thời điểm bão số 3 Yagi đổ bộ trụ sở của Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng… bị ảnh hưởng. Đặc biệt, hoàn lưu sau bão, trụ sở Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên... và nhiều nhà cửa của công chức, người lao động tại hai đơn vị này bị ngập sâu trong lũ.
Ghi nhận và đánh giá về những việc làm ý nghĩa của toàn lực lượng Quản lý thị trường, đại diện các cấp Công đoàn cho biết, sau khi nhận được số tiền quyên góp, ủng hộ của toàn lực lượng, Công đoàn Bộ Công Thương sẽ gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như tổ chức các Đoàn thiện nguyện do lãnh đạo Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn để trực tiếp trao đến tay người dân bị thiệt hại sau mưa lũ. Số tiền từ các đơn vị ủng hộ quyên góp sẽ được thực hiện theo chỉ đạo chung, đảm bảo đúng mục đích, công khai, minh bạch.
Trước đó, Đoàn Thanh niên Cơ quan Tổng cục cũng như Cục Quản lý thị trường các tỉnh: Phú Yên, Cao Bằng, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Thái Nguyên… cũng đã kêu gọi, phối hợp với các nhà hảo tâm để chuyển những chuyến xe hàng cứu trợ lên các tỉnh, thành phía Bắc. Lào Cai – một trong những địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hoàn lưu sau bão - cũng đang chạy đua tìm kiếm người mất tích và khắc phục sự cố sau bão. Vì vậy, những chuyến hàng hóa gửi đến đồng bào vùng lũ bây giờ quý giá hơn tất cả, vừa là khỏa lấp nỗi đau thương, vừa là món quà tinh thần giúp bà con vực dậy sau cơn lũ.
Những ngày qua, hàng đoàn xe cứu trợ tự nguyện từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước cũng đang hướng về phía Bắc, trong khó khăn, chúng ta càng thấy được tinh thần tương trợ, tương thân tương ái của người dân đất Việt. Mỗi người tùy theo điều kiện của mình cùng chung tay giảm bớt khó khăn cho đồng bào vùng lũ.