Chuyên trang Thương hiệu Quốc gia là kênh quảng bá uy tín cho thương hiệu Việt
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 23/10/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Ra mắt Chuyên trang Thương hiệu Quốc gia: Kênh quảng bá uy tín cho thương hiệu Việt; Hướng tới ký kết Hiệp định mua bán than giữa Việt Nam - Lào; siết chặt quản lý để kiểm soát vi phạm qua thương mại điện tử.
Ra mắt Chuyên trang Thương hiệu Quốc gia: Kênh quảng bá uy tín cho thương hiệu Việt
Bộ Công Thương phối hợp với Báo Nhân Dân chính thức ra mắt chuyên trang Thương hiệu Quốc gia tại địa chỉ thuonghieuquocgia.nhandan.vn |
Chiều 22/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Báo Nhân Dân chính thức ra mắt chuyên trang Thương hiệu Quốc gia tại địa chỉ thuonghieuquocgia.nhandan.vn, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc quảng bá và phát triển thương hiệu Việt Nam.
Chuyên trang sẽ là một kênh thông tin uy tín, cung cấp những thông tin minh bạch và chi tiết về các doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, qua đó, góp phần nâng cao vị thế các thương hiệu Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại lễ, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam - cho biết, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện từ năm 2003. Sau 21 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành bệ phóng vững chắc cho các doanh nghiệp Việt vươn lên, kiến tạo những giá trị mới.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền đối với công tác quảng bá, phát triển và bảo vệ các thương hiệu Việt, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Báo Nhân dân triển khai xây dựng Chuyên trang Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên Báo Nhân dân điện tử nhằm cung cấp một hệ thống thông tin, dữ liệu, bảo đảm toàn diện, chính thống về Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 1 năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của các bên, đến nay, chuyên trang Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã hoàn thành, chính thức đi vào hoạt động.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết: chuyên trang Thương hiệu quốc gia của Báo Nhân Dân sẽ cung cấp hệ thống dữ liệu toàn diện, chính thống, được trình bày hiện đại, trực quan về các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp hàng đầu quốc gia.
Chuyên trang nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhằm mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, góp phần phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và nâng tầm vị thế thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Chuyên trang Thương hiệu quốc gia gồm 4 chuyên mục chính: Thương hiệu, Doanh nghiệp, Tin tức, Multimedia. Điểm nhấn của trang Thương hiệu quốc gia là mỗi doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia sẽ có một trang riêng, được thiết kế hiện đại, có tính tương tác cao.
Sự kiện ra mắt chuyên trang Thương hiệu quốc gia đánh dấu lần đầu tiên, Việt Nam có một chuyên trang cung cấp hệ thống dữ liệu toàn diện, chính thống, được trình bày hiện đại, trực quan về các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp hàng đầu quốc gia.
Hướng tới ký kết Hiệp định mua bán than giữa Việt Nam - Lào
Hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào là vấn đề rất quan trọng, vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, thương mại; vừa là nhiệm vụ chính trị giữa hai nước |
Hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào là vấn đề hết sức quan trọng, vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, thương mại; vừa là nhiệm vụ chính trị giữa hai nước.
Để giải quyết các vướng mắc về cơ chế và hạ tầng liên quan đến nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam, tại buổi hội đàm với Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ, xây dựng và đàm phán hiệp định than để hướng tới ký kết.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone đã thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 19 tới ngày 21/10/2024. Chuyến thăm nhằm triển khai kết quả của cuộc gặp thường niên giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào (tháng 9/2024) và của các Hội đàm cấp cao nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào (tháng 10/2024).
Trong khuôn khổ chuyến thăm, chiều ngày 20/10/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone và trao đổi nhiều nội dung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và mỏ giữa hai nước.
Tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao những kết quả thực chất đã đạt được trong hợp tác năng lượng và mỏ giữa Việt Nam và Lào trong thời gian qua. Hai Bộ trưởng nhấn mạnh và khẳng định tầm quan trọng của hợp tác lĩnh vực năng lượng và mỏ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện và than, coi đây là trụ cột trong định hướng phát triển hợp tác năng lượng giữa hai nước trong giai đoạn tới.
Sau 8 năm triển khai bản ghi nhớ hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, kết nối hệ thống điện và mua bán điện giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, đến nay, tổng công suất đã ký hợp đồng mua bán điện đã là 2.239 MW, chiếm 74,3% công suất cam kết đến 2025. Việt Nam đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án/cụm dự án nhập khẩu điện từ Lào với tổng công suất 2.939 MW.
Tiếp tục trao đổi về phương hướng hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện trong thời gian tới, hai Bộ trưởng đã thống nhất thành lập Tổ công tác mua bán điện giữa Việt Nam và Lào. Phía Việt Nam đã hoàn thành việc thành lập Tổ công tác; đề nghị phía Lào sớm hoàn thiện thành lập Tổ công tác để hai Bên cùng lên xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc cụ thể, giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp tác mua bán điện giữa Việt Nam và Lào.
Bên cạnh hợp tác mua bán điện, hai Bộ trưởng cũng đã có những thảo luận hết sức cụ thể về phương hướng hợp tác trong lĩnh vực mua bán than. Để giải quyết các vướng mắc về cơ chế và hạ tầng liên quan đến nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ, xây dựng và đàm phán Hiệp định than để hướng tới ký kết.
Cũng tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ cùng nhau hợp tác chặt chẽ, khuyến khích các doanh nghiệp của Việt Nam và Lào có năng lực cùng tham gia đầu tư vào các dự án tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng và mỏ của hai nước; mang lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và Lào.
Sau buổi hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Phosay Sayasone đã chứng kiến Lễ ký kết Hợp đồng xây dựng tuyến băng tải giữa Liên danh Viện Nghiên cứu Cơ khí - Tập đoàn GP Holdings và Tập đoàn Phonesack (Lào).
Siết chặt quản lý để kiểm soát vi phạm qua thương mại điện tử
Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đã đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị chức năng khác của Bộ Công Thương đã phát hiện nhiều hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến livestream bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái.
Trong năm 2024, các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam dự kiến đạt doanh thu và doanh số bán hàng vượt 12,5 tỷ USD, đánh dấu mức tăng 35% so với năm 2023. Sự phát triển mạnh mẽ này càng khiến phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm, tình trạng gian lận thương mại điện tử ngày càng tinh vi.
Thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế phối hợp trong tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra để nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của các sàn thương mại điện tử. Thông qua cơ chế phối hợp và sự chủ động, Bộ đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc có quy mô lớn về hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc chào bán trên không gian mạng; kịp thời yêu cầu các sàn thương mại điện tử điều chỉnh, xóa bỏ các thông tin có nội dung sai lệch, có khả năng tác động tiêu cực tới người tiêu dùng.
Kết quả, đã yêu cầu gỡ bỏ 23.239 sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, đồng thời yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử chấm dứt hoạt động 6.254 gian hàng. Ngoài ra, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự 346 website, sàn thương mại điện tử vi phạm.
Đặc biệt, các sản phẩm là thực phẩm đang được kinh doanh chủ yếu trên các nền tảng số như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Hiện, đã có quy định rõ với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa được kỳ vọng tạo thêm thị trường cho những nhà sản xuất làm ăn bài bản, minh bạch tham gia, từ đó, gia tăng sản phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường.