Xây dựng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thành cơ quan năng động - chuyên nghiệp - hiệu quả
Chào mừng quý vị và các bạn đã đến với bản tin Chuyển động Công Thương của Báo Công Thương.
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 20/7/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Xây dựng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thành cơ quan năng động - chuyên nghiệp - hiệu quả; An toàn thực phẩm - "vé thông hành" vào kênh phân phối hiện đại; “Xanh hóa” sản xuất để phát triển bền vững.
Xây dựng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thành cơ quan năng động - chuyên nghiệp - hiệu quả
Các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã tập trung báo cáo về tiềm năng, nhu cầu của các thị trường |
Ngày 18/7, tại Italia, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì và phát biểu chỉ đạo.
Tại buổi làm việc, các Tham tán Thương mại, các Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu và đến từ lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đã trao đổi các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác Thương vụ, phát triển và đa dạng hóa thị trường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã tập trung báo cáo về tiềm năng, nhu cầu của các thị trường; đòi hỏi của các thị trường này; các biện pháp để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường.
Tại Phiên làm việc chính thức diễn ra chiều 18/7 (theo giờ Italia), Hội nghị đã thu hút gần 30 ý kiến phát biểu đến từ các Tham tán Thương mại, các Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu và đến từ lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương.
Các ý kiến tập trung đánh giá hiện trạng, xu hướng chính sách kinh tế, thương mại tại khu vực châu Âu - những tác động đến Việt Nam cùng những vấn đề đặt ra trong thời gian tới và trao đổi để đưa ra các khuyến nghị về chiến lược, các biện pháp phát triển thị trường khu vực châu u cho giai đoạn 2024 - 2025 và các năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc Phiên làm việc chính thức, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà các Tham tán Thương mại đã đạt được trong thời gian qua. Nhờ sự chủ động từ trong nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các quy định, cơ chế chính sách mới của các nước sở tại các Thương vụ đã tham mưu, tư vấn cho các Cơ quan Quản lý nhà nước và các Hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, từ đó có phản ứng chính sách kịp thời và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả.
Những nỗ lực của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài (trong đó có Tham tán Thương mại tại khu vực châu Âu) đã góp phần đưa Việt Nam từ một nước chậm phát triển trở thành 1 trong 40 quốc gia có quy mô GDP lớn nhất thế giới; thuộc top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, top 15 về thu hút đầu tư nước ngoài và top 46 về Chỉ số đổi mới sáng tạo.
Nhận định tình hình kinh tế thế giới và khu vực đang có dấu hiệu khởi sắc, song thương mại toàn cầu được dự báo tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới; đặc biệt là tại thị trường châu u - nơi đang là tâm điểm của cạnh tranh địa chính trị và kinh tế đang trong giai đoạn trì trệ.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các Trưởng Thương vụ, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Công Thương tập trung thảo luận, đánh giá những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường.
Cùng đó, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị đề xuất, khuyến nghị các giải pháp, sáng kiến để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các đối tác tại khu vực châu Âu nhằm khai thác có hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các hiệp định thương mại tự do để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như xây dựng, hoàn thiện hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trở thành các cơ quan năng động - chuyên nghiệp - hiệu quả, phục vụ tốt nhất sự phát triển kinh tế của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp.
An toàn thực phẩm - "vé thông hành" vào kênh phân phối hiện đại
Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm... tại các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài rất lớn |
Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm... tại các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài rất lớn, song để đưa được vào hệ thống này, hàng hóa sẽ phải trải qua quy trình kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đây cũng là nội dung chính của hội thảo: “Đẩy mạnh kết nối sản phẩm an toàn vào hệ thống siêu thị và kênh phân phối hiện đại,” do Báo Công Thương tổ chức sáng 17/7, tại Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ với tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm.
Hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ hiện đại đa số được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả. Hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống nên hàng hóa được đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để trở thành nhà cung ứng cho hệ thống phân phối hiện đại không dễ, cần phải đáp ứng những đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến sẵn một cách dễ dàng và thuận tiện thông qua các kênh trực tuyến. Vì vậy, vấn đề đặt ra là việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử cũng là vấn đề trọng tâm trong hoạt động của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp lớn.
Việc kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa được kỳ vọng tạo thêm thị trường cho những nhà sản xuất làm ăn bài bản, minh bạch tham gia, từ đó gia tăng sản phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường.
“Xanh hóa” sản xuất để phát triển bền vững
Sản xuất xanh đang ngày càng phổ biến với nhiều doanh nghiệp trong nước |
Sau thời gian dài gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, cùng với các giải pháp định vị lại sản phẩm, thị trường, nhiều doanh nghiệp, ngành nghề đã chú trọng đầu tư phát triển theo hướng “xanh hóa” nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tiết giảm chi phí và gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.
Sản xuất xanh đang ngày càng phổ biến với nhiều doanh nghiệp trong nước. Dù có nhiều khó khăn song đến nay, những doanh nghiệp sản xuất xanh đang chứng tỏ hiệu quả và giá trị của sản phẩm làm ra.
Thông qua việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng nước hay sử dụng năng lượng tái tạo, doanh nghiệp sản xuất xanh đang cho thấy nỗ lực không ngừng trên con đường phát triển bền vững và đến gần với người tiêu dùng.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác đã và đang thực hiện chuyển đổi nhanh mô hình sản xuất, tăng giá trị xanh cho sản phẩm để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.
Đây là hai minh chứng cho hiệu quả của việc đầu tư cho sản xuất xanh, sạch của doanh nghiệp đã giúp sản phẩm dễ dàng vào được các kênh phân phối, đặc biệt là các siêu thị lớn.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện các doanh nghiệp đều nhận thức được trách nhiệm của mình cũng như đồng thời thấy được thuận lợi khi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm an toàn.
Khi kinh doanh an toàn thực phẩm, kinh doanh những mặt hàng thân thiện với môi trường thì chúng ta đã có được "tệp" khách hàng rất ưu ái. Người tiêu dùng cũng nhận thức được vấn đề tiêu dùng xanh và ngày càng dành ưu tiên cho các sản phẩm này.
Xu hướng tiêu dùng xanh, sống xanh được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất xanh đúng lúc để bắt kịp nhu cầu thị trường chính là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Bên cạnh đó, xanh hóa sản xuất cũng đồng thời thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng - xã hội, nhằm chung tay bảo vệ môi trường và hệ sinh thái chung.