Thương mại điện tử Việt dự báo vượt mốc 25 tỷ USD
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 11/12/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Thương mại điện tử Việt dự báo vượt mốc 25 tỷ USD; Đổi mới cách tiếp cận thị trường để gia tăng xuất khẩu, khai thác tối đa lợi thế từ CPTPP; Ngân hàng sẵn sàng 'vào cuộc' hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng và thực thi tốt hơn các FTA.
Thương mại điện tử Việt dự báo vượt mốc 25 tỷ USD
Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số |
Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Theo thống kê, 10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C đã đạt 18 - 20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Báo cáo của Bộ Công Thương, 10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C đã đạt 18-20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Để thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại; tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại điện tử, tạo động lực phát triển kinh tế số và thương mại điện tử, góp phần tạo ra không gian phát triển mới.
Bộ Công Thương đã xây dựng, vận hành Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong kiểm tra, xử lý, tập trung thông tin hợp đồng điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong hoạt động thương mại; xây dựng và vận hành nền tảng hỗ trợ thanh toán trực tuyến KeyPay nhằm phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, hạ tầng thanh toán đảm bảo hỗ trợ dịch vụ hành chính công.
Để phát triển mạnh kinh tế số, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, yêu cầu và hướng dẫn các thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu wesite/ứng dụng thương mại điện tử cập nhật thông tin. Phối hợp với các Sở Công Thương rà soát những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.
Triển khai sự kiện ngày mua sắm trực tuyến 2024; xây dựng, triển khai sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh/thành (sanviet.vn), nhằm kết nối, tạo nền tảng hỗ trợ cả người bán, người mua và các nền tảng số trong việc cung cấp hàng hóa.
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử - Go Export; xây dựng, triển khai sáng kiến về hệ sinh thái xuất nhập khẩu trực tuyến (EcomEx) hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu tại địa chỉ Vietnamexport.com; website hỗ trợ doanh nghiệp khai báo xuất xứ điện tử với Bộ Công Thương (Vsign.vn)...
Đổi mới cách tiếp cận thị trường để gia tăng xuất khẩu, khai thác tối đa lợi thế từ CPTPP
9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu khẩu sang các thị trường châu Á thuộc khối CPTPP hầu hết đều ghi nhận tốc độ gia tăng |
Sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực Châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm: Canada, Mexico, Chile, và Peru…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tận dụng các lợi thế mà hiệp định mang lại, các doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường, tìm kiếm các giải pháp logistics mới, hiệu quả và gia tăng khả năng tận dụng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP...
Theo Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu khẩu sang các thị trường châu Á thuộc khối CPTPP hầu hết đều ghi nhận tốc độ gia tăng. Đơn cử, xuất khẩu hàng hoá sang Brunei đã tăng 402,3%; Australia tăng 28,4%; Nhật Bản tăng 4,7%; New Zealand tăng 3,1%...
CPTPP cũng là đòn bẩy đẩy hàng hoá Việt Nam ra các thị trường, trong đó một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Australia, New Zealand... Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, một số nước đã ngay lập tức cắt giảm thuế quan nhập khẩu với nhiều mặt hàng quan trọng như đồ gỗ, nông thuỷ sản. Điều này làm tăng quy mô thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP cũng như góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Thêm nữa, nhờ CPTPP, Việt Nam có cơ hội tận dụng nguồn đầu vào với giá cạnh tranh để từ đó gia tăng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang các nước thành viên khác mà ta chưa có FTA như: Canada, Mexico, Peru cũng như các nước đang có ý định trở thành thành thành viên của CPTPP như Trung Quốc...
Hiệu quả cuối cùng là CPTPP tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và động lực tăng hàm lượng công nghệ của hàng Việt Nam, góp phần xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường khó tính.
Bên cạnh thuận lợi, giống như nhiều khu vực thị trường khác, Hiệp định CPTPP cũng có những quy định, tiêu chuẩn về phát triển bền vững song song với lộ trình cắt giảm thuế quan. Trong số các nước thành viên CPTPP thì tất cả các nước đều chung xu thế là hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và hình thành những “luật chơi” mới về thương mại.
Đơn cử như tại châu Á, Nhật Bản, Australia, New Zealand là những thị trường đang đặt ra tiêu chuẩn mới và đều là nước đi đầu về bảo vệ môi trường. Ví dụ như Nhật Bản gần đây đã ban hành luật thúc đẩy mua sắm xanh, ưu tiên chính sách mua sắm công cho các mặt hàng bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên trên thực tế, mức độ tận dụng các FTA và tỷ trọng hàng hóa Việt Nam tại thị trường CPTPP còn tương đối hạn chế. Dư địa và cơ hội để doanh nghiệp tận dụng tại các thị trường FTA này còn rất lớn, nhất là những thị trường chưa có FTA trước đó. Thực tế, doanh nghiệp đã phần nào đã tận dụng được các FTA; trong đó, có CPTPP nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc tận dụng đó còn tương đối hạn chế. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm hiện nay thường xuất thô, rất ít chế biến sâu. Ngoài ra, doanh nghiệp chưa chú trọng vào những vấn đề xây dựng thương hiệu hay bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài.
Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xuất khẩu hàng hóa, thì để tiếp cận và khai thác tối đa dư địa từ thị trường các nước CPTPP cũng như tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan từ thị trường các nước nhập khẩu, các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng khuyến cáo, để gia tăng sự hiện diện và giá trị xuất khẩu tại thị trường CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận mới theo hướng xây dựng và định vị thương hiệu riêng. Các doanh nghiệp cần tạo sự khác biệt và xây dựng giá trị bền vững cho thương hiệu, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam cũng như tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA thế hệ mới.
Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ nhấn mạnh, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tận dụng được uy tín của thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam khi thâm nhập các thị trường mới.
Ngoài việc đầu tư về chiến lược thương hiệu bài bản, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến kế hoạch truyền thông định kỳ; đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp ở thị trường nước ngoài.
Không những vậy, để xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường cũng như xây dựng thương hiệu riêng tiến tới xuất khẩu bền vững, trước tiên doanh nghiệp cần vượt lên tâm lý “an phận” làm gia công thuần túy chuyển sang tư duy dám làm, dám chấp nhận những rủi ro và có chiến lược tiếp cận thị trường để sản xuất sản phẩm phù hợp.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các hiệp hội xây dựng chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đã có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp có tiềm lực, tiềm năng xây dựng thương hiệu, từ đó góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.
Ngân hàng sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng và thực thi tốt hơn các FTA
Vốn đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu |
Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Chính phủ và các bộ, ngành, đã ban hành các chính sách tài khóa, giúp đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm các cơ chế cho vay với lãi suất thấp và chương trình hỗ trợ khác.
Tham gia các Hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi mang tính chiến lược, nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, tháo dỡ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia với nhau.
Mặc dù, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có những kết quả nhất định, song các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường này. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, một trong những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay trong quá trình thực thi và tận dụng ưu đãi từ các FTA đó chính là rào cản về vốn.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, vốn đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm các cơ chế cho vay với lãi suất thấp và chương trình hỗ trợ khác. Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất chỉ khoảng 3, 7%m, đây là một mức rất hấp dẫn. Tuy nhiên, mặc dù có những chính sách ưu đãi như vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.
Bên cạnh vấn đề vốn, các chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn phân tích, nguồn nhân lực để thực thi các FTA trong lĩnh vực ngân hàng cũng là một thách thức. Đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết để tuyên truyền cho cán bộ ngân hàng thực thi FTA hiểu biết, hiểu rõ về cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại. Từ sự thiếu hiểu biết về các FTA, do vậy, các doanh nghiệp chưa đủ hiểu về yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, cũng như chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh và các quy định về thuế, khiến họ không thể đáp ứng các yêu cầu từ ngân hàng để vay vốn. Ngoài ra, sự thiếu hụt thông tin về các thị trường mục tiêu cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất chậm, gần như không tăng trưởng, thậm chí giảm nhẹ so với năm trước. Điều này cho thấy, mặc dù ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp, nhưng việc tiếp cận vốn vẫn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, không chỉ ngành ngân hàng mà các bộ, ngành liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ hội từ các FTA. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền và đào tạo để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các cơ chế, chính sách, từ đó tận dụng cơ hội xuất khẩu hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mang lại, các FTA cũng đặt ra không ít thách thức cần có giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến trình hội nhập, nhất là với lĩnh vực tài chính của Việt Nam như tăng cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế, gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các tổ chức tài chính Việt Nam, áp lực nâng cao chất lượng và dịch chuyển nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng sang các tổ chức nước ngoài và khu vực.
Vì vậy, nhằm thúc đẩy tiến hành hội nhập tài chính khi tham gia các FTA thế hệ mới của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế, các tổ chức tài chính, các ngân hàng Việt Nam cần phải có đội ngũ nhân lực hiểu về FTA cũng như cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp phải liên kết đào tạo nhân lực, chuyên gia FTA trong lĩnh vực tài chính; đồng thời phải có các chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc để tăng khả năng cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế trong bối cảnh hội nhập.