Chiến lược tiếp cận của ngành thủy sản khi thực thi Hiệp định UKVFTA
Là một trong những ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam vào Vương quốc Anh, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) có hiệu lực, với chiến lược tiếp cận thông tin chi tiết đã tạo động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam sang thị trường này.
Hiệp định UKVFTA là một điều kiện cần, điều kiện đủ chính là các quá trình nội luật và cải cách thủ tục hành chính và quy định hành chính sẽ làm cho doanh nghiệp Việt có thêm năng lực cạnh tranh. |
Thông tin về lợi thế của hàng thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, lợi thế mà UKVFTA mang lại đó là những mặt hàng chính của ngành hàng thủy sản được hưởng thuế nhập khẩu vào Anh về 0%. Đặc biệt là mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra. Hiện nay mặt hàng tôm đang chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh và tiếp theo là mặt hàng cá tra, chiếm 20%.
Những kết quả trên là một con số rất ấn tượng khi xuất khẩu sang Anh. Bởi vì nếu như nhìn vào thị trường đơn lẻ thì Anh đang là thị trường đứng thứ sáu của thủy sản Việt Nam. Mặc dù chưa vào câu lạc bộ tỷ USD nhưng sau 9 tháng năm 2024, tăng trưởng thủy sản vào Anh ở mức khoảng 8% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân các thị trường khác. Đây là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng nhờ tác động tích cực từ Hiệp định UKVFTA, mà chủ yếu là nhờ thuế.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với những thị trường khác, bởi các thị trường như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... đều chưa có FTA với Vương quốc Anh, song, để tận dụng được tốt hơn những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này, doanh nghiệp cần sẵn sàng và chủ động nguồn nguyên liệu, cũng như chú trọng hơn đến câu chuyện xây dựng thương hiệu để gia tăng thêm thị phần.
Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng cần chú trọng đến cách tiếp cận và tìm kiếm thông tin thị trường. Những quy định của thị trường Anh không khác biệt nhiều so với thị trường EU. Đó là những quy định cơ bản về an toàn thực phẩm, về truy xuất nguồn gốc, thực hiện các trách nhiệm liên quan đến xã hội hoặc trách nhiệm về nguồn lợi....
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của chiến lược cũng như là cách tìm kiếm thông tin thị trường, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng cần sự đồng hành, hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, các bộ ngành.
Hiệp định UKVFTA là một điều kiện cần, điều kiện đủ chính là các quá trình nội luật và cải cách thủ tục hành chính và quy định hành chính sẽ làm cho doanh nghiệp Việt có thêm năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh được tạo nên từ vốn, từ các quy định giúp cho doanh nghiệp có nhiều dư địa sức mạnh hơn để thực hiện các đơn hàng hoặc cung cấp các đơn hàng khó hơn hoặc đơn hàng lớn hơn.
Để giúp ngành thủy sản khai thác tốt hơn nữa thị trường Vương quốc Anh, các doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, phát triển các hệ thống sản xuất và chế biến hiện đại, từ đó tối ưu hóa quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm, giúp thủy sản Việt tiến dần tới các tiêu chuẩn quốc tế và tạo lợi thế cạnh tranh. Gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách; tiếp cận thêm các thị trường mới thông qua các chuỗi siêu thị và các cửa hàng bán lẻ.
Đầu tư phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ, theo Bộ Công Thương, cũng là một hướng đi triển vọng do ngày càng nhiều người tiêu dùng Vương quốc Anh có xu hướng chuộng sử dụng hàng hóa có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, chú trọng đóng gói, nhãn mác phù hợp với thẩm mỹ và tập quán tiêu dùng tại Vương quốc Anh; đồng thời tăng tính tiện lợi của sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, tận dụng các công cụ trực tuyến nhưng cũng không nên bỏ qua các hình thức truyền thống như các hội chợ khu vực.