Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sản phẩm của nghệ nhân là quảng bá thương hiệu, đất nước, con người Việt
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 7/12/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hỗ trợ sản phẩm của nghệ nhân là quảng bá thương hiệu, đất nước con người Việt Nam; Hiệp định CPTPP - mở 'cánh cửa' cho hàng hóa Việt Nam xuất sang Peru; Doanh nghiệp ‘vượt rào’ đáp ứng tiêu chuẩn xanh, tăng tốc xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sản phẩm của nghệ nhân là quảng bá thương hiệu, đất nước, con người Việt Nam
Cùng với việc tôn vinh, cần làm tốt công tác truyền thông để lan toả giá trị và ảnh hưởng của danh hiệu với các nghệ nhân |
Sáng 6/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ 5. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần tiếp tục nghiên cứu và có cơ chế hỗ trợ xây dựng quảng bá sản phẩm của nghệ nhân nhằm lan toả ra xã hội, biến danh hiệu trở thành giá trị vật chất đủ lớn. Điều này sẽ đóng góp lớn cho kinh tế đất nước, đồng thời cũng là cách quảng bá thương hiệu và đất nước con người Việt Nam rất tốt.
Tại cuộc họp, đại diện cơ quan thường trực, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đã báo cáo về việc thụ lý hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ 5.
Theo đó, tổng số hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân", xét tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ 5 được Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xét, trình Hội đồng cấp Nhà nước tại Tờ trình số 763/TTr-BCT là 70 hồ sơ. Trong đó, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân" 10 người; hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" 59 người; hồ sơ đề nghị xét truy tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" 1 người.
Tại cuộc họp, sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ đề nghị xét tặng, các thành viên Hội đồng đã đánh giá cao công tác tổ chức của cơ quan thường trực, bám sát và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật hiện hành. Các trường hợp đề nghị xét tặng danh hiệu cụ thể rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc đổi mới cách tuyển chọn, phát hiện, điều này không chỉ rất quan trọng với các cá nhân trong cuộc mà còn giá trị xã hội lớn. Từ đổi mới cách phát hiện, tuyển chọn, chúng ta cũng mạnh dạn đề xuất với Nhà nước điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện là cần thiết mới có thể phát hiện và tôn vinh kịp thời các cá nhân điển hình tiên tiến; Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu và có cơ chế hỗ trợ xây dựng quảng bá sản phẩm của nghệ nhân nhằm lan toả ra xã hội, biến danh hiệu trở thành giá trị vật chất đủ lớn; Cùng với việc tôn vinh, cần làm tốt công tác truyền thông để lan toả giá trị và ảnh hưởng của danh hiệu với các nghệ nhân.
Giải đáp những ý kiến băn khoăn của thành viên Hội đồng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích rõ, quá trình xét để đề xuất danh hiệu nghệ nhân diễn ra từ đầu năm, Nghị định số 43 có hiệu lực vào tháng 6/2024 không thể xem xét áp dụng. Quá trình xét tặng diễn ra ở thời điểm giao thoa, do đó, quy định cho phép với các cá nhân được xem xét theo Nghị định số 123, Hội đồng lập theo Nghị định số 43.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng lưu ý, trích yếu trong hồ sơ, bộ phận giúp việc chỉnh sửa lại từ ngữ cho đúng, làm sao để không phải chỉnh sửa sau công bố.
Hiệp định CPTPP - mở 'cánh cửa' cho hàng hóa Việt Nam xuất sang Peru
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Peru từ cuối năm 2021 |
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Peru từ cuối năm 2021, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam và Peru có quan hệ FTA, đồng thời đã và đang tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước.
Với việc thị phần hàng hóa của hai nước tại thị trường của nhau còn ở mức khiêm tốn, có thể khẳng định dư địa cho tăng trưởng thương mại song phương là rất lớn thông qua việc tận dụng tốt những ưu đãi của CPTPP.
Quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam - Peru đã và đang ngày càng được củng cố nhờ việc hai nước cùng tham gia vào nhiều cơ chế hội nhập đa phương, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định CPTPP được coi là cơ sở để thúc đẩy kim ngạch song phương Việt Nam - Peru, mang lại cơ hội mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Peru trong thời gian tới.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trao đổi thương mại hai chiều năm 2023 đạt 486 triệu USD, giảm 19% so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru 439 triệu USD, giảm 17,3%, nhập khẩu từ Peru đạt 47 triệu USD, giảm 32,3%.
9 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 386,95 triệu USD, tăng 0,7%. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Peru đạt 336,99 triệu USD, giảm 3,7%, trong khi nhập khẩu từ Peru đạt 52,69 triệu USD, tăng 42,4%.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), quan hệ thương mại Việt Nam - Peru đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Chỉ trong vòng 8 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi từ khoảng 300 triệu USD (năm 2014) lên mức 600 triệu USD (năm 2022). Về đầu tư, tại Peru có sự hiện diện của các dự án đầu tư lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực viễn thông và khai khoáng.
Hiện nay, Peru được đánh giá là nền kinh tế năng động với chính sách kinh tế đối ngoại tương đối cởi mở tại khu vực Mỹ Latinh. Hơn nữa, Peru là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt Nam bởi phần lớn doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Peru là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hàng hóa sản phẩm Việt Nam tương đối dễ thâm nhập và có tính cạnh tranh cao. Peru cũng có thể là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam đi vào thị trường các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia hay Brazil.
Dù vậy, hiện nay thương hiệu hàng hóa Việt Nam hiện diện tại thị trường Peru hay thị trường CPTPP vẫn chưa nhiều, chiếm tỷ trỏng rất ít. Họ chỉ biết đến với một cái tên chung chung như gạo Việt Nam, thủy sản Việt Nam mà chưa biết đến một thương hiệu, ngành hàng cụ thể nào cả.
Đi cùng với sự hiện diện thương hiệu còn hạn chế, khoảng cách địa lý cùng rào cản ngôn ngữ là những lực cản chính trong việc kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước. Trao đổi thương mại giữa hai nước tuy có xu hướng gia tăng nhưng còn ở mức thấp và chủ yếu qua trung gian. Hơn nữa, Peru là thị trường mở, ký kết nhiều FTA với các nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan... nên tính cạnh tranh tại thị trường Peru tương đối cao.
Trong thời gian tới, để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Peru, doanh nghiệp cần tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trực tiếp tại hội chợ, trung tâm triển lãm; kết hợp quảng bá sản phẩm hàng hóa và đất nước con người Việt trên kênh truyền thông của quốc gia này. Bên cạnh đó, hai bên đẩy mạnh phát triển mảng logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam giúp doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu.
Nhằm tăng trưởng xuất khẩu sang Peru, Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng để định hướng sản phẩm phù hợp và đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, chủ động tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm tại Peru để nâng cao sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, việc sử dụng kênh truyền thông trực tuyến để quảng bá thương hiệu nhằm tiếp cận người tiêu dùng Peru.
Lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý, doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP, nắm vững cam kết trong hiệp định, nhất là quy định ưu đãi thuế quan và tiêu chuẩn xuất xứ sản phẩm. Tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu về nhãn mác, bao bì của thị trường Peru, tránh rủi ro cũngnhư hạn chế việc hàng hóa bị từ chối hoặc xử lý chậm trễ tại cảng nhập khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xuất khẩu dài hạn, linh hoạt để thích ứng với biến động của thị trường gồm cả giá cả hàng hóa và tình hình chính trị của nước sở tại. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với cơ quan nhà nước Peru thông qua kênh ngoại giao và thương mại để giải quyết phát sinh trong quá trình xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động phản ánh khó khăn và yêu cầu hỗ trợ từ Bộ Công Thương để được trợ giúp kịp thời.
Doanh nghiệp ‘vượt rào’ đáp ứng tiêu chuẩn xanh, tăng tốc xuất khẩu
Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi sang sản xuất xanh để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế |
Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi sang sản xuất xanh để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thích ứng với xu hướng này, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Các cơ quan quản lý đang có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới và nâng cao năng lực để tận dụng cơ hội này.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hoá xanh và bền vững đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt hướng tới, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Tuy nhiên, điều quan trọng đặt ra hiện nay là các doanh nghiệp cần vượt qua hàng rào những chính sách quan trọng như thỏa thuận xanh châu Âu; cơ chế điều chỉnh biên giới carbon; kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030. Bởi, hiện những chính sách này đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.
Nhấn mạnh về sản xuất xanh và phát triển bền vững là quá trình dài hơi và thị trường châu Âu đang rất quan tâm, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, để thâm nhập tốt hơn vào thị trường 'khó tính' này doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ các yêu cầu để thích ứng và hội nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nắm bắt được xu thế sản xuất xanh, chuyển đổi xanh trở thành con đường tất yếu, nhiều doanh nghiệp đã vận động hiệu quả, năng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe và thích ứng với nhu cầu tìm kiếm của các thị trường. Đơn cử từ câu chuyện về chuyển đổi xanh tại Công ty Cổ phần Lâm Việt - một đơn vị chuyên sản xuất đồ gỗ nội và ngoại thất xuất khẩu đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Anh và Châu Âu nhờ thay đổi tư duy sản xuất xanh.
Bên cạnh lợi thế từ việc doanh nghiệp chủ động thích ứng trong ‘sân chơi’ thương mại, trước bối cảnh địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, cùng với xu hướng giảm tốc của tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu đặt ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu xanh, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp.
Cũng theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, chuyển đổi xanh sẽ là bước đi chiến lược để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế. Từ đó không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bị loại khỏi các thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn tạo cơ hội xây dựng thương hiệu bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận các phân khúc khách hàng cao cấp trên toàn cầu.