Online Friday 2024 lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 28/11/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Online Friday 2024 lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số; FTA Index: Thúc đẩy các địa phương tối ưu hóa lợi ích từ các FTA; phát triển logistics, khơi thông dòng chảy thương mại.
Online Friday 2024 lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số
Điểm nhấn của Online Friday 2024 là không gian trải nghiệm hàng Việt Nam nổi bật bên cạnh sự tham gia của các thương hiệu nhập khẩu, chính hãng |
Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 sẽ khởi động với 60 giờ mua sắm trực tuyến từ 0h ngày 29/11 đến 12h ngày 1/12/2024 trên các hệ thống website, ứng dụng thuộc chương trình.
Sự kiện năm nay đặc biệt chú trọng tôn vinh hàng Việt và ứng dụng công nghệ số. Bộ Công Thương dự kiến tổ chức không gian trải nghiệm, triển lãm sản phẩm chính hãng và giải pháp chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt tại TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điểm nhấn của Online Friday 2024 là không gian trải nghiệm hàng Việt Nam nổi bật bên cạnh sự tham gia của các thương hiệu nhập khẩu, chính hãng. Tại đây, cùng với những sản phẩm cam kết chính hãng từ các nhà bán hàng, chương trình còn giới thiệu nhiều sản phẩm Việt Nam chất lượng cao với ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn từ nhãn hàng cũng như từ các sàn thương mại điện tử.
Online Friday 2024 không chỉ là sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất năm mà còn là minh chứng cho bước tiến mạnh mẽ của hàng Việt trong kỷ nguyên thương mại điện tử.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm và tương tác sáng tạo, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới chinh phục mọi thị trường, khẳng định chất lượng và vị thế của sản phẩm Việt trên trường quốc tế.
Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm và mua sắm, chương trình cũng tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến, kết nối các chuyên gia và doanh nghiệp nhằm cập nhật các xu hướng và chính sách mới. Đây là một phần trong chiến lược của Bộ Công Thương nhằm không ngừng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc nâng cao kỹ năng và năng lực ứng dụng công nghệ số.
Thông qua việc cung cấp mã mua sắm ưu đãi, khung giờ vàng và không gian trải nghiệm trực tiếp, Online Friday 2024 mang tới không gian mua sắm và là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Đây là dịp để người tiêu dùng trải nghiệm những tiện ích công nghệ tiên tiến nhất, đồng thời góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số.
FTA Index: Thúc đẩy các địa phương tối ưu hóa lợi ích từ các FTA
Các chỉ số đo lường của FTA Index còn hỗ trợ doanh nghiệp tối đa từ khâu sản xuất đến khi bán hàng, xuất khẩu |
Từ năm 2022, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Đề án Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index).
Các chỉ số đo lường của FTA Index không chỉ là cơ sở để doanh nghiệp, địa phương tự “soi mình”, đánh giá về kết quả của quá trình thực hiện, tận dụng FTA mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tối đa từ khâu sản xuất đến khi bán hàng, xuất khẩu, góp phần duy trì được chuỗi giá trị đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Để khai thác hiệu quả các FTA, trong năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các thành viên Tổ công tác ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) và các đơn vị có liên quan triển khai việc lựa chọn đơn vị thực hiện Đề án FTA Index dựa trên Bộ tiêu chí và điều kiện đã được Tổ công tác FTA Index thông qua năm 2023 theo đúng quy trình, thủ tục hiện hành.
Để xây dựng Bộ chỉ số FTA Index năm 2024, các chuyên gia cũng thảo luận nhiều về các vấn đề về đối tượng, nội dung khảo sát, phương pháp thu thập, quy trình xử lý thông tin, tổng hợp kết quả điều tra,…
Theo các chuyên gia, nếu tất cả 63 tỉnh, thành phố đều quan tâm đến việc thực hiện FTA, đều quan tâm và trăn trở làm thế nào để giúp cho các doanh nghiệp tận dụng FTA hơn nữa chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, giống như những kết quả chúng ta đã đạt được từ khi có chỉ số PCI.
Đối với Hải Phòng, rất quan tâm với việc triển khai đề án…, sẵn sàng hỗ trợ nhà trước, điều tra viên tiếp cận doanh nghiệp để thực hiện các khảo sát cụ thể tại địa phương.
Đến nay, cơ quan chuyên ngành của Bộ Công Thương đã phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương xây dựng bảng câu hỏi điều tra cho doanh nghiệp tại các địa phương, phương pháp điều tra và phương pháp tính toán Bộ chỉ số FTA Index năm 2024.
Trong đó, dự kiến đối tượng điều tra gồm 4.000 doanh nghiệp thuộc 63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu hàng hóa hoặc nhập khẩu hàng hóa, thuộc một số ngành kinh tế trực tiếp liên quan đến tận dụng các FTA.
Phát triển logistics, khơi thông dòng chảy thương mại
Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa |
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin...
Là ngành dịch vụ thiết yếu đóng góp vào quá trình lưu thông hàng hoá từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hằng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tính đến giữa tháng 10/2024 đã vượt 610 tỷ USD và đang tiến gần mốc 800 tỷ USD.
Với đánh giá gần đây nhất của tổ chức… chủ thể là hàng hoá, là nhân tố quan trọng của hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển. Từ đó lan tỏa và hỗ trợ các ngành kinh tế khác, đặc biệt là lĩnh vực thương mại.
Tác động dễ nhìn thấy nhất là hoạt động logistics cho hoạt động thương mại điện tử… lưu thông và phân phối hàng hoá cho kênh thương mại điện tử.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Chiến lược đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hiệp hội trong việc kết nối doanh nghiệp; phát triển logistics xanh, bền vững; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics; phát triển nguồn hàng; xây dựng trung tâm logistics tạo được sự liên kết.
Theo các chuyên gia, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực quyết tâm của các doanh nghiệp và các hiệp hội… sự phát triển của ngành dịch vụ logistics trong thời gian tới sẽ là góp phần khơi thông hàng hóa thương mại, xuất nhập khẩu; đồng thời, góp phần hiện thực hóa được tất cả các mục tiêu về tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra trong thời gian qua trong một tương lai rất gần.