Bộ Công Thương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy với quyết tâm chính trị cao nhất
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 14/12/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ Công Thương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy với quyết tâm chính trị cao nhất; Vietnam Grand Sale 2024: Rộn ràng các chương trình ưu đãi cuối năm; xây dựng hệ sinh thái ngành dệt may để tận dụng EVFTA.
Bộ Công Thương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy với quyết tâm chính trị cao nhất
Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; trong suốt thời gian vừa qua |
Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; trong suốt thời gian vừa qua, Bộ liên tục rà soát, sắp xếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành.
Lãnh đạo Bộ Công Thương xác định, tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất, hành động quyết liệt để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Sáng 12/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã trao đổi về thực tiễn công tác ở các cơ quan, đơn vị và quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo, mục đích, yêu cầu và định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Trung ương, của Ban Chỉ đạo Chính phủ và tập trung thảo luận, đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương. Làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, bất cập và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết 18. Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công Thương cũng như tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Trung ương và Chính phủ đã chỉ đạo là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm tinh gọn, mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời xác định đây là cuộc cách mạng, là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng công tác cán bộ, nhất là việc bố trí, sắp xếp và thực hiện chính sách đối với cán bộ.
Tại Hội nghị, đại diện các Cục, Vụ chức năng cho biết thống nhất rất cao về chủ trương của Trung ương, Chính phủ và đều đã tuân thủ sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, cũng như ngay lập tức bắt tay vào sắp xếp, xây dựng phương án, đề án chức năng, nhiệm vụ mới và phổ biến chủ trương trên đến cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Cùng với đó, đề xuất một số nội dung cần triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn, kiện toàn tổ chức bộ máy, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương yêu cầu các tổ chức Đảng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra trong báo cáo, các gợi ý của đại diện các cơ quan của Trung ương tại hội nghị và tiếp tục quán triệt sâu sắc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư, chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy để thống nhất cao về tư tưởng và hành động. Xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay để mọi người thông về nhận thức, thông về hành động không có lấn cấn, không có phát sinh những tư tưởng rồi ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác. Đồng thời bám sát chỉ đạo của Trung ương, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo Bộ để khẩn trương sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của đơn vị mình, bảo đảm yêu cầu chất lượng, tiến độ triển khai và chỉ tiêu sắp xếp tối thiểu mà Chính phủ cũng như Bộ tinh giảm.
Vietnam Grand Sale 2024: Rộn ràng các chương trình ưu đãi cuối năm
Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia 2024 là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ Công Thương đã đề ra |
Chương trình "Khuyến mại tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024" do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát động kéo dài đến ngày 31/12 và mức khuyến mại có thể lên đến 100% nhằm kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
Hưởng ứng chương trình, hàng nghìn doanh nghiệp đã áp dụng chính sách ưu đãi và quà tặng hấp dẫn hướng đến khách hàng, người tiêu dùng, chủ động quyết định áp dụng hạn mức khuyến mại tối đa lên đến 100%.
Theo Bộ Công Thương nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đa dạng các hình thức mua hàng, khuyến mại, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông. Qua đó, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 5/01/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2245/QĐ-BCT ngày 21/8/2024 về việc tổ chức Chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024”. Chương trình được diễn ra từ ngày mùng 2 đến ngày 31/12/2024 trên phạm vi toàn quốc kết hợp cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Hưởng ứng Chương trình, nhiều tỉnh thành đã chủ động thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng thông qua hoạt động khuyến mại, giảm giá, tặng quà nhằm khai thác tối đa thị trường nội địa và nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa dịp cuối năm. Không chỉ các siêu thị lớn, mà các cửa hàng, đơn vị bán lẻ tại nhiều tỉnh thành cũng đang thực hiện các chương trình khuyến mại rầm rộ ở tất cả các mặt hàng, từ đồ điện tử, điện lạnh, viễn thông cho đến các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng và các nhu yếu phẩm thiết yếu. Các hoạt động chủ yếu được các đơn vị áp dụng như: giảm giá trực tiếp trên từng sản phẩm, trên hóa đơn mua hàng, tặng quà, hay các hoạt động hậu mãi, chăm sóc khách hàng… Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%. Ngoài bán hàng trực tiếp, các siêu thị, của hàng còn tung ra nhiều chương trình khuyến mại trên các nền tảng trực tuyến.
Không chỉ tưng bừng hoạt động khuyến mại tại cac trung tâm thương mại, các siêu thị bán lẻ, nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn cũng chung tay chương trình. Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cũng đã áp dụng nhiều khuyến mại lên tới 12 tỷ đồng thông qua ứng dụng các nền tảng số của ngân hàng.
Theo nhiều thương hiệu đánh giá, với hàng loạt chương trình ưu đãi, khuyến mại, giảm giá sâu, hấp dẫn, Chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2024” - Vietnam Grand Sale 2024 trở thành “cú hích” quan trọng thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng tổng mức bán lẻ vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2025. Đồng thời, đây cũng là cơ hội vàng để doanh nghiệp tăng doanh số kinh doanh thông qua các biện pháp kích cầu và xúc tiến thương mại.
Với sự hưởng ứng của các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, đặc biệt là từ hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam, Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia 2024 là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ Công Thương đã đề ra. Qua đó, giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt, nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế.
Xây dựng hệ sinh thái ngành dệt may để tận dụng EVFTA
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nói riêng đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành dệt may |
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nói riêng đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các hiệp định này mang lại.
Do vậy, để có thể tìm được lời giải cho bài toán này, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA đã và đang tăng cường kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan để tạo hệ sinh thái liên kết nhằm giúp ngành dệt may tận dụng FTA nói chung và EVFTA nói riêng một cách hiệu quả.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đã mở ra nhiều cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó dệt may là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất.
Theo cam kết trong EVFTA, 100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tạo động lực lớn cho việc mở rộng thị phần tại thị trường EU.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, từ khi EVFTA có hiệu lực, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu dệt may của EU từ ngoài khối đã tăng từ 3,3% (năm 2020) lên 4,3% (năm 2023). Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 6 trong danh sách các nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất vào EU (năm 2023), sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Pakistan.
Mặc dù đã có những bước tiến khả quan, nhưng thị phần của dệt may Việt Nam tại EU vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Với quy mô nhập khẩu dệt may từ các nước thứ 3 lên tới 115 tỷ EUR (năm 2023), trong đó Việt Nam chỉ chiếm 4,1% thị phần, rõ ràng dư địa để tăng trưởng và mở rộng xuất khẩu dệt may vào thị trường này còn rất lớn.
Theo nhận định đánh giá từ các chuyên gia, nguyên nhân là do doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa từ EVFTA mang lại. Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa lợi thế từ các FTA, trong đó có EVFTA và khắc phục khó khăn, Bộ Công Thương đã đề ra hàng loạt giải pháp. Đó là, tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối khách hàng cho doanh nghiệp, bằng mọi biện pháp để có thể mang lại đơn hàng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, xây dựng hệ sinh thái cho ngành, kết nối tất cả chủ thể có tham gia vào quá trình tận dụng FTA, từ người nông dân cho đến người sản xuất, nhà xuất khẩu, hiệp hội, cơ quan quản lý, công ty tư vấn, logistics, nhà nhập khẩu,...
Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu dệt may, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, cùng với những nỗ lực của các Bộ, ngành địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm dệt may, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc xây dựng hệ sinh thái các ngành hàng, trong đó ngành dệt may để giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích của FTA; cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác.
Việc xây dựng hệ sinh thái phải dựa trên tư duy thực tế, cung cấp thông tin, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích dù to hay nhỏ cho người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trung ương, địa phương... Hệ sinh thái phải là mô hình mà tất cả chủ thể tham gia đều có lợi; người dân, doanh nghiệp chỉ tham gia khi thấy lợi ích rõ ràng. Khi thấy lợi ích, giá trị từ hệ sinh thái, tự thân người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động tham gia từ đó xây dựng thị trường bền vững, kết nối chặt chẽ giữa chủ thể ở khối công (quan hệ cơ quan quản lý, nhà nước) và tư (doanh nghiệp và người dân).
Ngoài ra, khi tham gia vào hệ sinh thái, người dân, doanh nghiệp sẽ sản xuất ra những sản phẩm thị trường xuất khẩu cần, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Khi xây dựng mô hình này, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần thực hiện các thử nghiệm và có cơ chế chính sách khuyến khích để thu hút doanh nghiệp, người dân tham gia. Vì vậy, cần có những doanh nghiệp đi đầu làm gương lan tỏa mô hình đến nhiều doanh nghiệp khác góp phần vào thành công của chính sách và hệ sinh thái mà Bộ Công Thương đang xây dựng.
Theo Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng hệ sinh thái phải có đầy đủ các cơ quan, ban ngành, và tất cả các chủ thể liên quan. Bởi, nếu chỉ có Bộ Công Thương sẽ không thể làm được. Do đó, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình, tọa đàm để lắng nghe, tham khảo và tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành, tỉnh thành, hiệp hội doanh nghiệp và người nông dân để từ đó tổng hợp được một bức tranh toàn cảnh, đa chiều. Đặc biệt, tập hợp đầy đủ nhất những thách thức và thuận lợi để từ đó có giải pháp giải quyết dứt điểm rào cản và xây dựng mô hình hệ sinh thái tận dụng các FTA thành công.