Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Kết thúc mô hình Tổng cục QLTT là việc khó nhưng không thể chậm trễ
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 18/12/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường là việc khó nhưng không thể chậm trễ; Trao giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường là việc khó nhưng không thể chậm trễ
Kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường là việc khó nhưng không thể chậm trễ |
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trước đó, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý, kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Tổng cục Quản lý thị trường, liên quan đến vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Bộ trưởng đề nghị cấp uỷ, Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường địa phương quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đáng chú ý, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, toàn lực lượng xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (chứ không phải là sự sắp xếp cơ học) nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị (tổ, đội).
Trong bối cảnh cả nước đang tích cực và khẩn trương thực hiện Nghị quyết 18, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhắc lại tinh thần, dù ở ở đâu, trực thuộc đơn vị quản lý nào, toàn lực lượng tuyệt đối không được để trống địa bàn quản lý, tuyệt đối không để bị đứt đoạn trong công tác triển khai, thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường của lực lượng Quản lý thị trường.
Liên quan đến kiến nghị, đề xuất của Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, về phía Bộ Công Thương, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ chủ động kiến nghị với cấp có thẩm quyền, cũng như trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành liên quan và cấp uỷ, chính quyền địa phương để có chính sách cán bộ hợp lý, tạo thuận lợi cho cán bộ công chức trong lực lượng Quản lý thị trường khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình mới.
Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ, phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm. Thu nộp ngân sách trên 541 tỷ đồng. Trong năm, lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trao giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Trong mùa giải lần này, Báo Công Thương vinh dự đoạt giải B |
Chiều 17/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024.
Đây là một trong những hoạt động truyền thông thuộc khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.
Chiều 17/12/2024, tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao “Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024”.
Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh đội ngũ phóng viên, nhà báo, thông tin viên trên cả nước thúc đẩy nâng cao hiệu quả và sự lan tỏa kết quả triển khai Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu (COP26).
Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024 được phát động vào tháng 4/2024. Sau hơn 6 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được sự tham gia tích cực của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương với gần 500 tác phẩm dự thi.
Hội đồng sơ khảo lựa chọn 47 tác phẩm trong tổng số 492 tác phẩm gửi tham dự đủ điều kiện vào chấm chung khảo. Hội đồng chung khảo lựa chọn 35 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải với tổng giá trị giải thưởng 273 triệu đồng.
Cũng tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương khẳng định, các tác phẩm được lựa chọn trao giải là những tác phẩm tiêu biểu, phản ánh trung thực, sáng tạo các kết quả, thành tựu của công tác tiết kiệm năng lượng.
Trong mùa giải lần này, Báo Công Thương vinh dự đoạt giải B với loạt 3 bài "Tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp ở Bắc Giang: Từ chính sách đến hành động" của nhóm tác giả: Trần Thu Hường, Nguyễn Lan Anh.
Giải thưởng báo chí về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nằm trong Chương trình quốc gia VNEEP3 (2019-2030), do Bộ Công Thương và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, thu hút đông đảo phóng viên từ các loại hình báo chí tham gia hàng năm.
Ban Tổ chức hy vọng những giải thưởng này sẽ cổ vũ, động viên các nhà báo phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực của mình để tiếp tục đóng góp tích cực cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội hướng tới đưa Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Thời điểm này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng, tăng sản lượng hàng Tết lên đến 30% |
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, thời điểm này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng, tăng sản lượng hàng Tết lên đến 30% so với năm 2024. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu dịp cuối năm.
Gần đến dịp cuối năm nhu cầu hàng hóa của người dân tăng cao. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã sớm chủ động ban hành kế hoạch đảm bảo bình ổn thị trường với hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Dự kiến, sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 1.575 tấn bánh mứt kẹo, và hàng trăm nghìn tấn rau củ, thủy sản…
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng đã nỗ lực làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên các mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mãi, kết nối cung cầu, chú ý liên kết vùng - phối hợp các tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhu cầu lớn của thành phố dịp Tết Ất Tỵ.
Về phía các doanh nghiệp, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm, lượng hàng dự trữ dự tính tăng từ 10 - 25% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo hệ thống siêu thị Winmart cho biết, để chuẩn bị cho mùa cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới và đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng đa dạng của khách hàng, chuỗi bán lẻ đã làm việc từ rất sớm với các nhà cung cấp để tăng cường dự trữ hàng hóa 20% so với cùng kỳ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc tăng giá đột biến.
Saigon Co.op chia sẻ, Co.op đã chuẩn bị khoảng 10.000 tỷ đồng hàng Tết, tăng 20 - 50% tùy nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Ngay từ giữa năm nay, Saigon Co.op đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu nhằm phục vụ người dân 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025 cũng như thực hiện bình ổn giá thị trường giai đoạn cao điểm cuối năm.