Thúc đẩy các biện pháp để xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 13/7/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Thúc đẩy các biện pháp để xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch; Sớm ký kết hiệp Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE; Nỗ lực hoàn thiện đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.
Thúc đẩy các biện pháp để xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch
Thúc đẩy các biện pháp để xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch |
Sáng 12/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai các nhiệm vụ về chính sách giá điện.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng từ nay cho đến năm 2025, còn rất nhiều công việc phải làm. Đặc biệt, ban hành các văn bản để cụ thể hóa những cơ chế chính sách và điều kiện để có thể thực hiện được Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra còn cần rà soát, xem xét điều chuyển Quy hoạch điện VIII vào năm 2025.
Mục tiêu của những nhiệm vụ này là sẽ xây dựng, hoàn thiện thị trường điện Việt Nam một cách hoàn thiện và đầy đủ cả thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh, bán lẻ cạnh tranh.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, để triển khai thành công một số nhiệm vụ cấp bách của Bộ Công Thương trong các năm 2024-2025, cần thiết xác định, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trong khuôn khổ nhiệm vụ trước mắt, theo nguyên tắc tránh đan xen công việc giữa các đơn vị đối với các nhóm nhiệm vụ cụ thể như: Chính sách bao trùm phát triển ngành điện về xây dựng Luật Điện lực sửa đổi và Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sửa đổi; phát triển các loại hình nguồn điện; cơ chế nhập khẩu điện, chuyển đổi chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí sang nhiên liệu sinh khối, amoniac, hydrogen... cơ chế, chính sách về thị trường điện, giá điện, than, khí, bao gồm xây dựng khung giá cho các loại hình phát điện; thực hiện cơ chế DPPA; hoàn thiện cơ chế giá truyền tải và cơ cấu biểu giá điện hiện hành; xây dựng giá điện hai thành phần và nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường cạnh tranh đối với than, khí.
Đánh giá cao báo cáo đã chỉ ra đúng tinh thần, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị để thực hiện Quy hoạch điện VIII, tuy nhiên, Bộ trưởng gợi ý, báo cáo cần nêu rõ công việc cụ thể; bổ sung thêm nhóm nhiệm vụ và gắn trách nhiệm từng đơn vị chức năng; giao nhiệm vụ không bị cắt khúc, theo chuỗi; làm rõ đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng cũng gợi ý thảo luận những cơ chế chính sách cụ thể nào cần thực hiện trong quý III, quý IV. Cụ thể, để triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII và phát triển nguồn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần thực hiện sớm 5 cơ chế chính sách phát triển nguồn như: Cơ chế chính sách lựa chọn nhà đầu tư; ban hành khung giá của các loại hình điện năng; cơ chế khuyến khích phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi; cơ chế chính sách cho nguồn năng lượng mới như pin lưu trữ; cơ chế chính sách phát triển khí hydrogen và amoniac.
Về cơ chế chính sách để chuyển đổi nguồn: Một là là cơ chế chính sách để chuyển đổi nhiên liệu từ nhà máy than sang amoniac; hai là cơ chế xử lý đối với các dự án điện than mà các dự án chậm tiến độ.
Cơ chế phát triển hệ thống truyền tải: Thứ nhất, cần tách bạch giá và phí truyền tải trong giá thành điện năng. Thứ hai, cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào hệ thống truyền tải. Thứ ba, bổ sung trong Luật Điện lực và đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Quy hoạch để có Quy hoạch phát triển điện tỉnh, thành phố.
Về thị trường điện: Có 5 cơ chế giá phải ban hành: Một là rà soát sửa đổi bổ sung hoàn thiện khung giá mua bán điện theo khung giờ; 2 là xây dựng ban hành giá điện 2 thành phần; 3 là giá và phí truyền tải; 4 là giá điện mặt trời áp mái vượt cung cầu sử dụng của các hộ gia đình, cơ quan doanh nghiệp; 5 là cơ chế giá điện nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc.
Những nội dung chính sách cụ thể trên phải thực hiện trong quý III, chậm nhất là quý IV.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thứ nhất thống nhất cao ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cấp bách trong năm 2024 và 2025 để thực hiện được Quy hoạch điện VIII được duyệt và phát triển nguồn năng lượng mới đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, Kế hoạch sẽ có 8 nhóm nhiệm vụ, 3 quan điểm khi giao việc: Làm có tính hệ thống, đồng bộ; mỗi việc chỉ giao cho một đơn vị chủ trì, các đơn vị khác có trách nhiệm phối hợp; thực hiện nghiêm khi được giao việc chứ không chuyển chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của đơn vị mình sang đơn vị khác.
Thứ ba, giao từng đơn vị chủ trì phải đề xuất được chính sách cụ thể trong quý III, quý IV năm nay và số còn lại phải ban hành trong năm 2025. Đề nghị đơn vị đề xuất chính sách cụ thể phải đề xuất được trước ngày 15/7 mang tính hệ thống, xuyên suốt. Trước mắt, triển khai 16 cơ chế chính sách đã được Bộ trưởng đưa ra tại cuộc họp này (hoàn thành muộn nhất trong quý IV năm nay).
Thứ tư, yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập của Luật Điện lực tiếp thu tinh thần của Hội nghị này để rà soát bổ sung vào Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi. Với tinh thần chung là thực hiện theo cơ chế thị trường đầy đủ.
Thứ năm, đề nghị trong quá trình thực hiện, chú ý đơn vị chủ trì phải làm đúng, làm hết trách nhiệm. Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Với các nhiệm vụ và quan điểm thực hiện được chỉ đạo rõ từ Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp cần thiết để xây dựng một thị trường điện cạnh tranh, minh bạch và bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững và an sinh xã hội.
Sớm ký kết hiệp Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc trực tuyến với Ngài Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế các Tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE) |
Chiều ngày 12/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc trực tuyến với Ngài Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế các Tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE), nhằm thảo luận các vấn đề để tiến tới ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE.
Tham dự buổi làm việc có đại diện các Cục, Vụ của Bộ Công Thương bao gồm: Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ dầu khí và than…
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra các định hướng để kết thúc đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA), trước hết hai Bên sẽ đưa ra định hướng để kết thúc đàm phán với các nội dung về thuế nhập khẩu, các sản phẩm xăng dầu như đã trao đổi về năng lượng.
Thứ hai, giao đoàn đàm phán của hai Bên hoàn thiện nốt về mặt kỹ thuật để thống nhất toàn bộ các nội dung để kết thúc đàm phán.
Thứ ba, giao luật sư của hai Bên khởi động ngay các quá trình rà soát pháp lý đối với các nội dung đã kết thúc đàm phán. Cuối cùng là giao cấp kỹ thuật trong cơ chế Ủy ban hỗn hợp xây dựng sớm danh mục các lĩnh vực, và dự án hợp tác mà hai Bên có thể đề xuất lên lãnh đạo, để sớm đem lại lợi ích cho hai nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ngài Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đã thảo luận với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về những nội dung trên và cho biết rất mong muốn hai bên sẽ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE vào tháng 9 tới, cũng như một số dự án hợp tác cụ thể.
Tại buổi làm việc, hai Bên nhất trí trong thời gian tới sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong quá trình đàm phán để sớm tiến tới ký kết Hiệp định CEPA, cùng với đó là nâng cao quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương lên một tầm cao mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.
Nỗ lực hoàn thiện đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu
Trên công trường Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - một trong 4 dự án thành phần thuộc Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), lực lượng thi công đã và đang nỗ lực tối đa thi công 3 ca, 4 kíp, vượt nắng, thắng mưa… triển khai dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ê-kíp phóng viên Báo Công Thương ghi lại hình ảnh thi công trên công trình này thời gian qua.
Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu có quy mô 2 mạch, chiều dài 225,5 km đi qua 3 tỉnh là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. với 463 vị trí móng cột; 197 khoảng néo.
Đây là dự án có chiều dài nhất và khó khăn nhất trong 4 dự án thành phần của đường dây 500kV mạch 3 vì địa hình hiểm trở trên núi cao, đường xá đi lại, vận chuyển vật tư thiết bị gặp khó khăn, nhiều vị trí xe vận tải, xe cẩu không thể di chuyển nên phải thi công bằng sức người là chủ yếu.
Thêm vào đó, khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình khi trời nắng, nhiệt độ lên tới trên 40 độ C, bên cạnh đó còn bị tác động bởi gió Lào; Nếu trời mưa thường có giông gió, sét.. ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.
Tại khoảng néo, 134-137 tại huyện Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh, các công nhân nhà thầu Tập đoàn PC1 đang khẩn trương lắp ráp các cấu kiện sứ để lắp đặt trên cột phục vụ cho việc kéo dây. Đồng thời triển khai kéo các dây mồi còn lại phấn đấu hoàn thành kéo dây khoảng néo trong nay mai. PV: Ông Trần Văn Trường – Cán bộ kỹ thuật nhà thầu Tập đoàn PC 1
Mặc dù gặp nhiều khó khăn song chủ đầu tư và các lực lượng thi công đã nỗ lực tối đa để hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với sự hỗ trợ của các kỹ sư, công nhân của các Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, đến thời điểm này, toàn tuyến đã hoàn thành hơn 317 cột, đang thi công đồng loạt các vị trí cột còn lại; đã hoàn thành kéo dây khoảng 18, đang kéo gần 20 khoảng néo.
Tin rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, sự hỗ trợ của chủ đầu tư và các cấp chính quyền điạ phương, cũng như sự đồng lòng của tập thể, tuyến đường dây Quảng Trạch - Quỳnh Lưu sẽ về đích đúng hẹn, góp phần tăng cường năng lực lưới điện truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc, đảm bảo cấp điện cho miền Bắc thời gian tới.