Thứ trưởng Bộ Công Thương làm việc với các đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng
Chào mừng quý vị và các bạn đã đến với bản tin Chuyển động Công Thương của Báo Công Thương.
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 14/8/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ Công Thương chính thức tiếp nhận Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia; Thứ trưởng Bộ Công thương làm việc với các đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng; Bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương chính thức tiếp nhận Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia
Việc chuyển giao đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình tái cấu trúc và phát triển A0 |
Mới đây, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ chuyển giao Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) - nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương.
Việc chuyển giao đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình tái cấu trúc và phát triển A0, đồng thời là bước ngoặt đối với hoạt động của EVN cũng như tiến trình cải cách và phát triển của ngành điện.
Trước đó, để hoàn tất quá trình chuyển giao này, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia đã được tách ra khỏi EVN, thành lập doanh nghiệp mới có tên là Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), trực thuộc CMSC, từ đó tiến hành chuyển giao đại diện quyền chủ sở hữu sang Bộ Công Thương.
Mô hình Công ty NSMO sẽ là doanh nghiệp Nhà nước, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (khoảng 776 tỷ đồng).
Sau chuyển giao, NSMO sẽ tiếp tục giữ vai trò là cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực, theo quy định tại Luật Điện lực và pháp luật liên quan.
Tại Lễ bàn giao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã công bố Quyết định thành lập Công ty NSMO; Quyết định về việc điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Cường (thành viên HĐTV của EVN) làm chủ tịch NSMO; Quyết định về việc giao quyền Tổng Giám đốc NSMO cho ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc trung tâm A0.
Phát biểu tại lễ chuyển giao, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch CMSC khẳng định, việc tách A0 khỏi EVN, CMSC và thành lập công ty mới để chuyển giao về Bộ Công Thương không chỉ là sự thay đổi cơ cấu tổ chức, mà còn là một bước tiến lớn, chứng tỏ sự trưởng thành của ngành điện Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh tin tưởng: Dưới sự quản lý và chỉ đạo của Bộ Công Thương, sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể lãnh đạo cán bộ công nhân viên, công ty NSMO tiếp tục phát huy không ngừng, nâng cao đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, phương hướng nhiệm vụ để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từ đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia có vai trò quan trọng, đảm bảo công tâm, công bằng trong vận hành hệ thống điện, thị trường điện. Do đó việc thành lập NSMO và chuyển giao về Bộ Công Thương là đòi hỏi khách quan, tất yếu để vận hành thị trường điện cạnh tranh, tái cơ cấu EVN.
Được biết, trong giai đoạn đầu của quá trình hoàn thiện và chuyển giao, các đơn vị liên quan đã tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện tình hình hoạt động của A0. Đồng thời đánh giá các tác động của việc tách và chuyển giao, từ đó đưa ra các biện pháp, nhằm đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn hệ thống điện.
Việc chuyển giao NSMO được kỳ vọng sẽ giúp tối ưu hóa công tác quản lý, điều hành hệ thống điện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện các chính sách năng lượng quốc gia.
Sau khi hoàn tất quá trình chuyển giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận nguyên trạng số lao động từ NSMO, đồng thời tiếp tục chỉ đạo, giám sát trực tiếp và toàn diện NSMO trong việc thực hiện các yêu cầu và nhiệm vụ mới.
Thứ trưởng Bộ Công thương làm việc với các đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng
Đại diện UNDP khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch huy động nguồn lực của thỏa thuận JETP |
Ngày 12/8, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì buổi làm việc với bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam về việc triển khai Nhóm Công nghệ và Năng lượng trong khuôn khổ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JEPT).
Tại buổi làm việc, đại diện UNDP khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch huy động nguồn lực của thỏa thuận JETP.
Sáng 12/8, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì buổi làm việc với bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam về việc triển khai Nhóm Công nghệ và Năng lượng trong khuôn khổ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JEPT). Cùng tham dự buổi làm việc, có đại diện các Cục, Vụ chức năng trực thuộc Bộ Công Thương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) sẽ hỗ trợ không chỉ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia đang phát triển khác hướng đến thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình JEPT trong lĩnh vực năng lượng, do vậy, tại buổi làm việc hôm nay, Thứ trưởng đề nghị, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi 6 vấn đề trọng tâm, ưu tiên.
Thứ nhất là ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, bởi đây là mục tiêu quan trọng để hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050;
Thứ hai là hướng tới phát triển Trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo
Thứ ba là phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) hỗ trợ cho năng lượng tái tạo;
Thứ tư là phát triển lưới điện thông minh;
Thứ năm là trao đổi về chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho chuyển dịch năng lượng;
Thứ sáu là hỗ trợ chuyển dịch nhà mát nhiệt điện than.
Để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị, JETP cần nhanh chóng thực thi bằng những hành động cụ thể với cơ chế hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân.
Cùng phát biểu tại buổi làm việc, bà Ramla Al Khalidi khẳng định, UNDP sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch huy động nguồn lực của thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Ngân hàng thế giới cho biết, sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam và hỗ trợ về mặt tài chính để tái cơ cấu và thực hiện các dự án thí điểm. Cùng đó, đại diện đến từ Canada và các đối tác khác của JEPT cũng mong muốn tham gia vào các tổ công tác, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng, lưới điện thông minh, ...
Lắng nghe và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, thông qua 6 Tổ công tác chuyên biệt, Bộ Công Thương mong muốn các đối tác sẽ tích cực tham gia và đóng góp những sáng kiến hợp tác, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Liên quan đến việc phát triển trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết thời gian tới EVN và PVN cùng các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương sẽ phụ trách 2 chương trình thí điểm tại phía Bắc và Nam, được xác định trong tổng sơ đồ điện 8, do vậy, Bộ Công Thương rất mong sẽ nhận được hỗ trợ và học hỏi kinh nghiệm từ JETP và các đối tác để hiện thực hóa các dự án.
Đại diện các nước Anh, Đức và Đan Mạch cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về mặt kỹ thuật trong việc thành lập các Trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo và sẽ cố gắng linh hoạt trong hỗ trợ kỹ thuật để phù hợp với ưu tiên của Bộ Công Thương cũng như của Việt Nam.
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước
7 tháng đầu năm 2024, thị trường xăng dầu tương đối ổn định, bảo đảm nguồn cung phục vụ cho nền kinh tế.
Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đang tập trung các giải pháp, bảo đảm không để xảy ra thiếu xăng dầu trong mọi tình huống.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 7 tháng năm 2024, thị trường trong nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao, có xu hướng tăng dần từ đầu năm đến nay; mặt bằng giá cả cơ bản ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo.
Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.801,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,1%; may mặc tăng 9,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 3,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,2%. Đáng chú ý, trong 7 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 10,2%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hà Nội tăng 6,6%; TP. Hồ Chí Minh tăng 6,3%.
Công tác điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu luôn được Bộ Công Thương quan tâm, chỉ đạo thực hiện, luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Trong công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) theo các Nghị định, Thông tư của Chính Phủ về kinh doanh, điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Mặc dù các kết quả trong 7 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn. Để ổn định và phát triển thị trường trong nước cũng như hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025;....
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.