Sầu riêng đóng góp lớn nhất cho kỳ tích xuất khẩu ngành rau quả Việt Nam
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 25/10/2023 gồm các thông tin thị trường hàng hoá, xuất nhập khẩu đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Sầu riêng đóng góp lớn nhất cho kỳ tích xuất khẩu ngành rau quả Việt Nam; Xuất khẩu tôm năm 2023 dự kiến thu về 3,6 tỷ USD; Việt Nam nhập khẩu hơn 471.000 tấn phân bón trong tháng 9; Mở ra cơ hội thông thương qua cặp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng; Hơn 1.000 xe hàng hóa qua cửa khẩu Lạng Sơn - Trung Quốc mỗi ngày.
Sầu riêng đóng góp lớn nhất cho kỳ tích xuất khẩu ngành rau quả Việt Nam
Thưa quý vị, theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 9/2023 đạt trị giá cao nhất từ trước tới nay, với 667,5 triệu USD. Trong đó, sầu riêng ước tính đã mang về khoảng 2 tỉ USD cho Việt Nam.
Xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 9/2023 đã tăng tới 43,7% so với tháng trước. Kỳ tích này có thể bị phá vỡ khi trong tháng 10, giá trị xuất khẩu là 699 triệu USD, theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,913 tỉ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chủ yếu do tăng mạnh xuất khẩu quả sầu riêng, đạt tới 1,63 tỉ USD (tính đến hết tháng 9), gấp hơn 14 lần so với con số 113 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 10, ngành sầu riêng ước tính đã mang về khoảng 2 tỉ USD cho Việt Nam.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất trong 9 tháng năm 2023, đạt trị giá 2,75 tỉ USD, chiếm 65% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước.; sau đó là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan chiếm thị phần từ 2,8% - 4,5%.
Xuất khẩu tôm năm 2023 dự kiến thu về 3,6 tỷ USD
Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu tôm sú, tận dụng lợi thế từ FTA, tăng cường xuất khẩu vào Trung Quốc, xuất khẩu tôm năm 2023 dự kiến sẽ thu về 3,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 9 năm 2023 cũng đang nhìn thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan với mức tăng trưởng dương từ 1 - 54%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 322 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng.
Bên cạnh những thị trường ghi nhận mức tăng trưởng dương từ 1 - 54%, các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng âm từ 10 - 26% tuy nhiên mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó. Riêng thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), sau khi tăng trưởng dương trong 3 tháng 6, 7 và 8, xuất khẩu tôm sang thị trường này đang tiếp tục xu hướng giảm.
Do đó, để xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,6 tỉ USD trong năm 2023, trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm lợi thế là tôm sú. Đồng thời tăng cường xuất khẩu vào Trung Quốc, tăng cường xuất các sản phẩm tôm có giá trị gia tăng vào thị trường EU, tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA để tăng sức cạnh tranh…
Việt Nam nhập khẩu hơn 471.000 tấn phân bón trong tháng 9
Trong số các thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất, đồng thời ghi nhận sản lượng nhập khẩu tăng vọt trong những tháng gần đây. Cụ thể, trong tháng 9, lượng nhập khẩu phân bón từ thị trường tỷ dân đạt 211.835 tấn với trị giá hơn 71,3 triệu USD.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 9/2023, Việt Nam nhập khẩu 471.177 tấn phân bón tương đương với trị giá hơn 156 triệu USD, giảm 0,2% về lượng và giảm 2% về trị giá so với tháng 8/2023. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chi hơn 995 triệu USD để nhập khẩu hơn 2,9 triệu tấn phân bón các loại, tăng 20,4% về lượng nhưng giảm 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc đạt hơn 1,4 triệu tấn với trị giá hơn 445 triệu USD, tăng 18,1% về sản lượng nhưng giảm 11% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh Trung Quốc, Nga cũng đang tăng cường xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam với giá rẻ hơn đến 31% so với cùng kỳ. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ Nga 194.265 tấn phân bón với trị giá hơn 91 triệu USD, tăng 9,2% về lượng nhưng giảm mạnh 25% về trị giá.
Mở ra cơ hội thông thương qua cặp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng
Việc thông quan cặp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng sẽ đóng góp vào kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cục Hải quan Hà Giang trong thời gian tới. Được biết, hết 9 tháng 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu qua Hải quan Hà Giang đạt hơn 608 triệu USD, giảm 14,94% so với cùng kỳ.
Cửa khẩu Săm Pun (Việt Nam) được xây dựng tại khu vực mốc 456, biên giới Việt Nam – Trung Quốc; thuộc địa phận thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc). Vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam và Chính quyền nhân dân huyện Phú Ninh, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã đã công bố chính thức thông quan cửa khẩu song phương Săm Pun (Việt Nam) - Điền Bồng (Trung Quốc).
Trong những năm qua, thực hiện chính sách mở cửa, tăng cường hội nhập quốc tế của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc, hai bên đã tích cực thúc đẩy triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực và đã thu được nhiều thành quả tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của hai bên.
Do đó, việc Cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng chính thức đi vào hoạt động sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa huyện Mèo Vạc với huyện Phú Ninh, cũng như giữa tỉnh Hà Giang với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam.
Hơn 1.000 xe hàng hóa qua cửa khẩu Lạng Sơn - Trung Quốc mỗi ngày
Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, hiện tại 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là Chi Ma, Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam và ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đang duy trì ổn định hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, với trên 1.000 phương tiện xuất nhập khẩu thông quan mỗi ngày.
Qua thống kê của lực lượng chức năng, mỗi ngày có hơn 1.000 phương tiện xuất nhập khẩu thông quan, trong đó trung bình có khoảng 350-400 phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên khu vực cửa khẩu của Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, theo UBND tỉnh Lạng Sơn, Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma được Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực trong 2 năm, bắt đầu từ ngày 1/10/2021 đến 1/10/2023.
Từ khi triển khai Đề án đến nay, mới chỉ có 1 lô hàng dược liệu của Công ty CP dược liệu Việt Nam, trị giá trên 430.000 USD, trọng lượng hơn 23 tấn, tiền thuế thu được gần 510 triệu đồng, được thông quan qua cửa khẩu này.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép dừng triển khai thực hiện Đề án theo Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 23/9/2021. Đồng thời, trên cơ sở nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, tỉnh Lạng Sơn sẽ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung quốc) vào thời điểm thích hợp.
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 25/10/2023 của Báo Công Thương xin được tạm dừng tại đây.
Xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi!