Nhóm hàng nào vừa phá kỷ lục sau nhiều năm trên bức tranh xuất nhập khẩu?
Chào mừng quý vị đến với Bản tin Chuyển động Công Thương của Báo Công Thương, Bản tin ngày 21/10/2023 gồm các thông tin thị trường trong nước đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vượt mốc 80 tỷ USD; Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; Việt Nam có 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; Nhóm hàng nào vừa phá kỷ lục sau nhiều năm trên bức tranh xuất nhập khẩu?; Buôn lậu thuốc lá và đường cát vẫn diễn biến phức tạp.
Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vượt mốc 80 tỷ USD
Với kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 80 tỷ USD sau 9 tháng, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục khởi sắc. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hoá Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hoá sang Hoa Kỳ gặp khó khăn do nhu cầu thị trường suy giảm. Dù giảm khoảng 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong các nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với kim ngạch đạt 12,5 tỷ USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,82 tỷ USD; dệt may đạt hơn 11 tỷ USD...
Chiều ngược lại, hết tháng 9, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 10,26 tỷ USD, giảm khoảng 900 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 80,5 tỷ USD trong 9 tháng qua, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam.
Dự báo từ nay đến cuối năm và đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ có sự khởi sắc hơn khi nhu cầu thị trường tăng lên, tồn kho giảm.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam
Tính đến hết tháng 9/2023, Trung Quốc tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tháng 9/2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 6,25 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng trước và tăng gần 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, rau quả tiếp tục là một trong những nhóm hàng xuất khẩu ấn tượng sang thị trường này với kim ngạch đạt 491,2 triệu USD, tăng 84,5% so với tháng trước và tới 441% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung hết tháng 9, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 42,86 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Hết tháng 9/2023, Việt Nam có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, dẫn đầu là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,9 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 10 tỷ USD; rau quả đạt 2,75 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong 9 tháng qua đạt 79,2 tỷ USD, giảm 12,38 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 122,06 tỷ USD, trong đó nước ta nhập siêu 36,34 tỷ USD.
Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính hết tháng 9.
Việt Nam có 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương vừa công bố danh sách thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến 18/10/2023. Theo danh sách, hiện cả nước có 170 thương nhân đủ điều kiện và TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều thương nhân nhất.
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương vừa công bố danh sách thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến 18/10/2023.
Theo danh sách, hiện cả nước có 170 thương nhân đủ điều kiện và TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nhất với 37 thương nhân. Tiếp theo là TP. Cần Thơ với 36 thương nhân; Long An với 22 thương nhân; An Giang với 16 thương nhân.
Trong khoảng 1 tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại, ngược chiều với giá thế giới. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 633 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm dao động ổn định quanh mức 618 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, lũy kế 9 tháng năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo, kim ngạch thu về đạt 3,66 tỉ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong lịch sử xuất khẩu ngành lúa gạo 34 năm, đây lần đầu tiên ghi nhận con số này.
Dự báo trong Quý IV/2023, mỗi tháng Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 500 nghìn tấn gạo. Như vậy, khả năng cả năm sẽ xuất khẩu kỷ lục 8 triệu tấn gạo, lập kỷ lục kim ngạch 4,5 tỉ USD.
Nhóm hàng nào vừa phá kỷ lục sau nhiều năm trên bức tranh xuất nhập khẩu?
Sau nhiều năm đứng thứ 2, 9 tháng năm 2023, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vươn lên, trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta.
Trong 9 tháng, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu nhóm hàng này đã vượt 100 tỷ USD, đạt 104,23 tỷ USD. Đây cũng là nhóm hàng xuất nhập khẩu đầu tiên của cả nước đạt được quy mô kim ngạch ba con số.
Đáng chú ý, sau nhiều năm đứng thứ 2, 9 tháng năm 2023, nhóm hàng này đã vươn lên, trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta.
Cụ thể, hết tháng 9 xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 41,41 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu đạt 62,82 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ.
Như vậy, hết tháng 9 nhóm hàng này nhập siêu 21,41 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhóm hàng này là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hồng Kông (Trung Quốc)... Trong khi thị trường nhập khẩu lớn có thể kể đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Đồng thời là thước đo trình độ phát triển kinh tế- kỹ thuật của mọi quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Buôn lậu thuốc lá và đường cát vẫn diễn biến phức tạp
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 8 tháng năm 2023, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 3.460 vụ vi phạm về thuốc lá, đường cát.
Tại Hội nghị công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá và đường cát do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp tổ chức, ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, trong những năm qua công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và đối với thuốc lá, đường cát nói riêng luôn được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, các lực lượng chức năng quan tâm, chú trọng, góp phần tăng thu ngân sách, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, quyền lợi, sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thuốc lá, đường cát vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại với thủ đoạn tinh vi, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
8 tháng năm 2023, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 3.460 vụ vi phạm về thuốc lá, đường cát.
Mời quý vị cùng theo dõi!