Nhận diện thật - giả hơn 500 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam
Chào mừng quý vị đến với Bản tin Chuyển động Công Thương của Báo Công Thương!
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 14/10/2023 gồm các thông tin thị trường trong nước đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây: Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vươn tầm thế giới, phát triển bền vững; Nhận diện thật - giả hơn 500 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam; Quản lý thị trường Bắc Ninh xử phạt hành chính 10 tỷ đồng trong Quý III/2023; Hà Giang: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm; Lại “nóng” tình trạng thực phẩm bẩn dịp cuối năm.
Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vươn tầm thế giới, phát triển bền vững
Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh hoạt động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất đóng góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hiện các doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Nhận diện thật - giả hơn 500 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam
Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương vừa mở cửa Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả với chủ đề “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” tại Việt Nam, giúp người tiêu dùng nâng cao kiến thức trong mua sắm, tránh mua phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Tại Phòng trưng bày, trên 500 sản phẩm thuộc các lĩnh vực hàng hóa như: hóa - mỹ phẩm; thực phẩm chức năng; thời trang; giày dép, trang sức; phụ tùng ô tô, xe máy; hàng tiêu dùng, sữa, nông sản... của các nhãn hiệu như Honda, Yamaha, Piaggio, Huyndai, Abbott, Unilever, Johnson’s Baby, Top to Toe, Sunsilk, Clear, Pantene đã được trưng bày. Đây là những nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam.
Quản lý thị trường Bắc Ninh xử phạt hành chính 10 tỷ đồng trong Quý III/2023
Quý III/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh xử lý 75 vụ vi phạm hành chính, tổng số tiền thu, phạt trên 10 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng lậu; các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm...
Trong Quý III, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã ký cam kết đối với 488 cơ sở sản xuất, kinh doanh, với nội dung không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ... Đồng thời, kiểm tra 148 vụ, xử lý 75 vụ vi phạm hành chính. Tổng số tiền thu phạt trên 10,5 tỷ đồng.
Dự báo, trong Quý IV, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, dịp cuối năm hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm trên thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... sẽ phát triển theo chiều hướng tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa.
Hà Giang: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm
Trong những tháng cuối năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hà Giang yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
9 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Giang đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 1.078 vụ việc vi phạm, tăng 21,23% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, phát hiện, bắt giữ 242 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 814 vụ gian lận thương mại; 22 vụ hàng giả, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ... Thu nộp nhân sách nhà nước trên 11 tỷ đồng, khởi tố hình sự 13 vụ/21 đối tượng.
Trong những tháng cuối năm, dự báo tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ tiếp diễn phức tạp, và gia tăng các hành vi vi phạm, do vậy, Ban Chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Hà Giang đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không để hình thành các đường dây, tụ điểm buôn bán, vận chuyển, chứa chấp hàng lậu quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.
Lại “nóng” tình trạng thực phẩm bẩn dịp cuối năm
“Đến hẹn lại lên”, những tháng cuối năm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao, khiến vi phạm an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn cũng gia tăng.
Thời điểm cuối năm, mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt ngăn chặn triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn”... nhưng vì lợi nhuận, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm “tuồn” thực phẩm “bẩn” len lỏi ra thị trường và đi vào bữa ăn của nhiều gia đình, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh,... Đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn.
Mời quý vị cùng theo dõi!