Liên Bộ họp khẩn, tìm giải pháp gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu nông sản
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 29/5/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Liên Bộ họp khẩn, tìm giải pháp gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu nông sản; Xuất khẩu sang các thị trường có FTA tăng trưởng mạnh; Bộ Công Thương đảm bảo mục tiêu kép trong điều hành xuất khẩu gạo.
Liên Bộ họp khẩn, tìm giải pháp gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu nông sản
Liên Bộ họp khẩn, tìm giải pháp gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu nông sản |
Để đánh giá tình hình xuất khẩu gạo và rau quả trong 4 tháng đầu năm 2024 và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm, ngày 28/5/2024, Liên bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng nông sản.
Cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam diễn ra khá thuận lợi, đạt được nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu gạo và rau quả tăng cả về lượng và giá trị.
Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, các doanh nghiệp cũng đã khai mở thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng. Thương hiệu gạo và nhiều sản phẩm rau, quả của Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, người sản xuất đã tiếp cận và khai thác tốt hơn các lợi thế từ các FTA mà nước ta là thành viên. Các Hiệp hội ngành hàng đã, đang phát huy vai trò tích cực, giúp doanh nghiệp thành viên nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả của nước ta thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém, nổi bật trong đó là câu chuyện về chất lượng hàng hóa xuất khẩu còn chưa đồng đều; sự liên kết, phối hợp giữa các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc.
Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, hai Bộ trưởng cho rằng cần phải tăng cường sự liên kết, đoàn kết giữa các doanh nghiệp, cùng với đó là nâng cao vai trò của các Hiệp hội, ngành hàng. Chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế.
Kết luận tại buổi làm việc, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho hoạt động xuất khẩu gạo và rau quả, hai Bộ trưởng đề nghị các hiệp hội, ngành hàng tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do và những yêu cầu của từng thị trường, cũng như những yêu cầu của nước nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại nếu có.
Xuất khẩu sang các thị trường có FTA tăng trưởng mạnh
Trong 4 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 239 tỷ USD |
Trong 4 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 239 tỷ USD, tăng 15,1%, tương ứng tăng 31,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 239 tỷ USD, tăng 15,1%, tương ứng tăng 31,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 124 tỷ USD, tăng 15,1% và nhập khẩu đạt 115 tỷ USD, tăng 15,1%. Tính chung 4 tháng, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận thặng dư 9 tỷ USD. Các chỉ số có thể coi đã có tăng trưởng rất tích cực trong 4 tháng đầu năm, thể hiện rõ xu hướng phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam. Việt Nam trong năm vừa qua đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 2 đối tác lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó thương mại được coi là một trụ cột quan trọng. Xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 17 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%.
Bộ Công Thương đảm bảo mục tiêu kép trong điều hành xuất khẩu gạo
Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,18 triệu tấn |
Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,18 triệu tấn, tăng 17,8% về lượng; trị giá đạt 1,43 tỷ USD, tăng 45,6% về trị giá. Thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam trong 3 tháng đầu năm là Philippines, Indonesia và Malaysia.
Để công tác điều hành xuất khẩu gạo thuận lợi, đảm bảo các mục tiêu đặt ra, trong Quý I/2024, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành các Chỉ thị nhằm tăng cường công tác thông tin thị trường; cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông; cùng đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2024 và thảo luận các giải pháp, phương hướng điều hành xuất khẩu gạo.
Với sự nỗ lực của các Bộ ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp, quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,18 triệu tấn. Trong thời gian tới, để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.
Cùng đó, triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.