Khoá họp lần thứ 11 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 18/5/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Khóa họp 11 UBLCP Việt Nam-Kazakhstan: Bước ra khỏi “vùng an toàn” để tìm kiếm các đột phá hợp tác; Gắn kết phát triển ngành Công Thương khu vực phía Bắc; 270 gian hàng "tinh hoa" công nghiệp nông thôn hội tụ.
Khóa họp 11 UBLCP Việt Nam-Kazakhstan: Bước ra khỏi “vùng an toàn” để tìm kiếm các đột phá hợp tác
Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước là cơ chế hết sức quan trọng góp phần vào sự phát triển hợp tác song phương |
Ngày 17/5, tại thủ đô Astana, Kazakhstan Khoá họp lần thứ 11 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật đã được tổ chức. Đây là cơ chế quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, là kênh thảo luận thiết thực nhằm nêu ra và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mục tiêu và lĩnh vực hợp tác mới tại nhiều vấn đề mà hai Bên cùng quan tâm.
Trong Khóa họp, hai Bộ trưởng cùng nhất trí cho rằng, Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước là cơ chế hết sức quan trọng góp phần vào sự phát triển hợp tác song phương. Hai Bên đã cùng nhau xây dựng được mối quan hệ tin cậy để đảm bảo hiệu quả các hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đồng thời thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư song phương.
Cùng đó, hai Bộ trưởng cho rằng, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước có những điều kiện hết sức thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác. Kazakhstan là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập khu vực Trung Á và châu Âu; ở chiều ngược lại, hàng hóa của Kazakhstan, thông qua Việt Nam, có thể thâm nhập ASEAN và xa hơn nữa đến khu vực thị trường rộng lớn mà Việt Nam có quan hệ FTA.
Do vậy tại Khóa họp, trao đổi các giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục mở cửa thị trường cho nhau đối với các sản phẩm theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Về hợp tác đầu tư, hiện Kazkhstan có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tiến hành nghiên cứu, xem xét khả năng đầu tư tại Kazakhstan trong lĩnh vực vận tải, thiết bị điện gia dụng, du lịch... Do đó, hai Bên cho rằng cần đưa hợp tác đầu tư trở thành động lực để phát triển quan hệ kinh tế - thương mại song phương.
Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, hai Bên đã trao đổi tích cực đưa ra những định hướng mới trong các lĩnh vực hợp tác mà cả hai cùng quan tâm như: công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, giao thông, khoa học, giáo dục, công nghệ thông tin, truyền thông, y tế, văn hóa, thể thao... Hai bên nhất trí sự cần thiết mở rộng hợp tác trong lĩnh vực logistics, cùng xây dựng các biện pháp để khai thác và đảm bảo các tuyến vận tải đường sắt, đường biển, hàng không giữa Việt Nam và Kazakhstan được thông suốt.
Cũng tại Khóa họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số định hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới:
Bộ trưởng cho rằng, sau Khoá họp, hai Bên sẽ đẩy mạnh tăng cường chia sẻ thông tin và tham vấn chính sách ở tất cả các cấp độ, từ cấp kỹ thuật, cấp lãnh đạo Bộ, tới cấp lãnh đạo Chính phủ; cùng tìm kiếm các giải pháp để góp phần cân bằng cán cân thương mại, nâng được quy mô kim ngạch song phương, tương xứng với quan hệ chính trị ngoại giao đang hết sức tốt đẹp giữa hai nước.
Song song đó, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước được giao lưu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do. Mặt khác, hình thành các thiết chế mới như Hội đồng Kinh doanh Kazakhstan tại Việt Nam cũng như Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Kazakhstan để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa các khuôn khổ hợp tác hiện có.
Kết thúc Khóa họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập CH Kazakhstan Arman Shakkaliyev đã ký Biên bản Khóa họp lần thứ 11 của UBLCP.
Gắn kết phát triển ngành Công Thương khu vực phía Bắc
Sáng 17/5, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động địa chính trị, biến động kinh tế khó dự báo, nhưng ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương; kiến nghị đề xuất những chế độ chính sách liên quan và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong các lĩnh vực: Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương; công tác kế hoạch và quy hoạch; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết vùng.
Đồng thời phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp ưu tiên có tiềm năng lợi thế của các địa phương; công tác quản lý và phát triển các cụm công nghiệp; kết nối thị trường, cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; phát triển các loại hình kinh tế ban đêm…
Nhân dịp này, để tiếp tục phát triển mối quan hệ gắn bó trong ngành Công Thương từ Trung ương với các địa phương nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, phối hợp và thúc đẩy mọi hoạt động của Ngành đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ 11, năm 2025 cho Sở Công Thương Hà Giang.
270 gian hàng "tinh hoa" công nghiệp nông thôn hội tụ
Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc - Hà Nội năm 2024 là sự kiện quan trọng của Chương trình khuyến công quốc gia năm 2024 |
Ngày 16/5, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc - Hà Nội, năm 2024.
Hội chợ có quy mô 270 gian hàng, đến từ hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, quy tụ các sản phẩm tinh hoa về công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh trong khu vực phía Bắc như: Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong và ngoài khu vực; hàng tiêu dùng và thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề; nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, thiết bị máy móc, điện tử và công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, ngân hàng... Các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho các doanh nghiệp/cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất và kết nối tiêu thụ.
Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực cho 126 sản phẩm, bộ sản phẩm trong tổng số 218 sản phẩm, bộ sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn.
Đây là các sản phẩm được lựa chọn kỹ lưỡng từ các sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh, đáp ứng được các tiêu chí của chương trình; có chất lượng tốt, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc - Hà Nội năm 2024 là sự kiện quan trọng của Chương trình khuyến công quốc gia năm 2024 và nằm trong chuỗi hoạt động ngành Công Thương cấp khu vực năm 2024.
Hội chợ diễn ra từ ngày 16 - 19/5, tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng quốc gia.