Khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nền tảng, trọng điểm, mũi nhọn
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 22/5/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩuđáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nền tảng, trọng điểm, mũi nhọn; Đóng góp nhiều ý kiến đưa logistics phát triển đúng tầm vóc, vị thế; Nhiều tập đoàn phân phối, bán lẻ hàng đầu thế giới đến Việt Nam tìm nguồn cung ứng.
Khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nền tảng, trọng điểm, mũi nhọn
Ngành Công Thương đang bước vào giai đoạn phát triển mới; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu Ngành với định hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá. |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn từ những vướng mắc trong các quy định hiện hành và bối cảnh triển khai, đặc biệt đối với các nhiệm vụ có tính ứng dụng, gắn với doanh nghiệp, tuy nhiên, công tác khoa học và công nghệ trong ngành Công Thương vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Trong năm 2022-2023, đã có 130 đơn vị trong và ngoài Bộ tham gia triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN thuộc các Chương trình KH&N cấp quốc gia và cấp Bộ do Bộ Công Thương quản lý.
Tại Hội nghị: Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cùng với cả nước, ngành Công Thương đang bước vào giai đoạn phát triển mới; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu Ngành với định hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá.
Để thực hiện nhiệm vụ này Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, thời gian tới, Ngành Công Thương cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương đến năm 2030 gắn với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp nền tảng, trọng điểm, mũi nhọn và công nghiệp công nghệ mới, công nghệ cao. Đặc biệt phải tiên phong trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn những tồn tại và yêu cầu mới đặt ra cho công tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Ngành, do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo cần sớm có giải pháp khai thông nhằm tạo điều kiện cho các Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và khuyến khích đội ngũ làm công tác khoa học, công nghệ tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn cho sự phát triển của Ngành và đất nước trong giai đoạn tới.
Đóng góp nhiều ý kiến đưa logistics phát triển đúng tầm vóc, vị thế
Logistics Việt Nam sẽ đem lại giá trị gia tăng cao |
Tại Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, cũng như đưa ra nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics, cũng như thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong nước.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin, phát triển logistics Việt Nam theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn cùng với những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị cùng với những nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai tương ứng liên quan.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý dưới nhiều hình thức để Chiến lược thể hiện đúng tầm vóc của một ngành kinh tế quan trọng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ quý II/2024 tới. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng, khi được ban hành, chiến lược sẽ mang lại sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Nhiều tập đoàn phân phối, bán lẻ hàng đầu thế giới đến Việt Nam tìm nguồn cung ứng
Nhiều tập đoàn phân phối, bán lẻ hàng đầu thế giới đến Việt Nam tìm nguồn cung ứng |
Trước thềm diễn ra sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" rất nhiều hệ thống phân phối, các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đã và đang gửi yêu cầu về những mặt hàng họ cần kết nối, giao thương, trong số đó có nhiều nhà phân phối, bán lẻ hàng đầu thế giới lần đầu tiên xác nhận tham gia sự kiện.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - Ban tổ chức chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" cho biết, lần đầu tiên thương hiệu chuỗi bán lẻ hàng đầu Trung Quốc - MINISO xác nhận sẽ tham gia sự kiện và có mong muốn tìm kiếm, kết nối với các nhà sản xuất, cung ứng trong lĩnh vực, ngành hàng như: đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ chơi, đồ nội thất, đồ thủ công…
Thương hiệu sẽ cử đại diện cấp cao để tìm kiếm đối tác bền vững thông qua chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024". Từ đó ký kết hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam, nhằm đạt mục tiêu thu mua số lượng lớn các nhóm sản phẩm tiêu dùng.
Trong khi đó, AEON tại 5 nước: Campuchia, Malaysia, HongKong (Trung Quốc), Thái Lan, Việt Nam... cũng gửi thông tin về mặt hàng có nhu cầu tìm kiếm, kết nối. Chẳng hạn, AEON tại Malaysia tìm kiếm các nhà sản xuất có thể hỗ trợ Halal; hải sản đông lạnh (tôm, cua, cá tra...); trái cây; thực phẩm chế biến sẵn; các loại rau củ (khoai lang...).
AEON Thái Lan tìm kiếm nhà cung cấp về hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn, trái cây... Còn AEON Việt Nam thì cần tìm kiếm các nhà cung cấp chuối tươi xuất khẩu...
Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ nhấn mạnh, các nhà phân phối từ khắp các châu lục đặt kỳ vọng lớn vào sự kết nối với các doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam tại chuỗi sự kiện, với mong muốn tìm kiếm thêm được nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam để đưa vào hệ thống phân phối và xuất nhập khẩu.