Huy động tổng lực đưa Dự án đường dây 500kV mạch 3 về đích
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 25/5/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Huy động tổng lực đưa Dự án đường dây 500kV mạch 3 về đích; Khẩn trương gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí; Việt Nam – Lào đẩy mạnh hợp tác giám sát thị trường.
Huy động tổng lực đưa Dự án đường dây 500kV mạch 3 về đích
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp triển khai Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối |
Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo phải khai thác chậm nhất vào 30/6.
Ngày 23/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp triển khai Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối và các phương án bảo đảm cung ứng điện trong thời kỳ cao điểm.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay cả 4 dự án thành phần của dự án đường dây 500kV mạch 3 cơ bản đã hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng vị trí móng cột và 93% khoảng néo.
Trên cơ sở đánh giá sát, đúng tình hình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phân công để thực hiện các nhiệm vụ, nhằm mục tiêu đóng điện của dự án 500kV mạch 3 vào ngày 30/6 tới đây. Trọng tâm là chỉ đạo dựng cột, kéo dây; rà soát lại việc nhập khẩu trang thiết bị; đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực; công tác thông quan hoàng hóa, thiết bị.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu EVN rà soát lại đường găng tiến độ dự án, đến ngày 20/6 phải kéo dây xong. Các Bộ, ngành, nhà thầu phải nỗ lực, quyết tâm cao vượt qua mọi khó khăn, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; Đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn lao động, nhất là an toàn lao động trên công trường; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cùng tham gia thực hiện để triển khai nhanh nhất đảm bảo tiến độ, đúng yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật; Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án đường dây 500kV mạch 3.
Khẩn trương gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm đủ tổng nguồn trong Quy hoạch, mà còn là nguồn điện nền để huy động, khai thác nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.
Chính vì vậy, trong thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ sẽ nỗ lực giải quyết vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét tháo gỡ khó khăn, với quyết tâm cao nhất là đảm bảo tiến độ các dự án.
Chiều 24/5/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các địa phương, chủ đầu tư và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước và khí tự nhiên hóa lỏng LNG nằm trong danh mục các dự án trọng điểm đầu tư của Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến ngày 22/5/2024, hầu hết các dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển, đặc biệt là 3 dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.
Riêng dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đã có tiến triển trong công tác thi công, đã hoàn thành công tác nhận điện ngược từ đường dây 220 kV. Cùng đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai đã tích cực chỉ đạo để giải quyết các tồn tại còn lại trong công tác thuê đất.
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương có dự án điện khí, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị liên quan đã báo cáo về tiến độ triển khai dự án, cùng đó trao đổi các khó khăn đang gặp phải trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Liên quan đến các khó khăn từ phía địa phương, các chủ đầu tư khẳng định, sẽ đồng hành cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ của các dự án điện khí.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận của các tỉnh, thành phố có dự án điện khí cũng như các chủ đầu tư và của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh, các dự án điện khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng LNG có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tổng sơ đồ điện VIII đến năm 2030 và đặc biệt quan trọng đối với vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, nhất là với phía Bắc. Do vậy, nếu để chậm tiến độ của các dự ánsẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.
Cũng trong buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm đủ tổng nguồn trong Quy hoạch, mà còn là nguồn điện nền để huy động, khai thác nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.Chính vì vậy, trong thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ sẽ nỗ lực giải quyết vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét tháo gỡ khó khăn cho các dự án và tạo thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư trong quá trình triển khai các dự án.
Việt Nam – Lào đẩy mạnh hợp tác giám sát thị trường
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào mong muốn, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng |
Chiều 23/5/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công Thương Lào do Thứ trưởng Bun-thởng Đuông-sa-vẳn làm Trưởng đoàn.
Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa các nội dung trong biên bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực Quản lý thị trường mà Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào đã ký kết vào tháng 4/2024 tại Viêng - chăn, Lào.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương Việt Nam) tích cực phối hợp với Vụ Cạnh tranh kinh doanh và Kiểm tra thương mại (Bộ Công Thương Lào) để triển khai nội dung của biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác trong công tác quản lý Nhà nước và phòng, chống vi phạm pháp luật trong kinh doanh, thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hai bên tiếp tục tổ chức các đoàn công tác để học tập, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp trong công tác quản lý thị trường.
Về phía Lào, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào Bun-thởng Đuông-sa-vẳn đánh giá cao tầm quan trọng của nội dung biên bản ghi nhớ được ký kết giữa hai đơn vị, nhất là trong bối cảnh hội nhập và thương mại điện tử phát triển mạnh như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào mong muốn, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng với Vụ Cạnh tranh kinh doanh và Kiểm tra thương mại Lào.
Trong đó có các phương pháp quản lý trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; chia sẻ cơ cấu, mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường Việt Nam; chia sẻ về giải pháp chống kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường truyền thống và thương mại điện tử…