Hội nghị IPEF thông qua 3 thỏa thuận kinh tế quan trọng
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 8/6/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Hội nghị IPEF thông qua 3 thỏa thuận kinh tế quan trọng; Liên kết để tạo đột phá kinh tế cho vùng Đồng bằng sông Hồng; Gia tăng lợi thế xuất khẩu cho nông sản Việt.
Hội nghị IPEF thông qua 3 thỏa thuận kinh tế quan trọng
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận định hướng triển khai các nội dung đã được thống nhất trong Khuôn khổ IPEF |
Các thành viên thuộc Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) đã hoàn thành đàm phán và thực hiện ký kết các thỏa thuận kinh tế quan trọng như: Thỏa thuận Kinh tế sạch IPEF, Thỏa thuận Kinh tế công bằng và Thỏa thuận tổng thể IPEF.
Từ ngày 5-7/6/2024, Đoàn công tác Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến công tác tới Singapore tham dự Hội nghị IPEF, Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF và nhiều hoạt động bên lề…
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận định hướng triển khai các nội dung đã được thống nhất trong Khuôn khổ IPEF, đặc biệt chú ý đến việc sớm cụ thể hóa các lợi ích mà IPEF có thể mang lại cho các nước thành viên thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cũng như kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế vào các dự án mà các nước IPEF quan tâm, trước mắt tập trung vào lĩnh vực phát triển hạ tầng cho năng lượng xanh, sạch trong tương lai.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm và kết quả mà các nước IPEF đã đạt được, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng trao đổi với các nước thành viên IPEF để góp phần xây dựng các nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển của từng thành viên.
Song song với Hội nghị Bộ trưởng, Diễn đàn Kinh tế Đầu tư sạch cũng đã diễn ra, tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kêu gọi các hoạt động hợp tác với các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách có liên quan, để phù hợp với các cam kết trong Khuôn khổ IPEF cũng như các cam kết quốc tế liên quan khác.
Dấu ấn của Việt Nam tại IPEF 2024 là việc Việt Nam đã đề xuất tổ chức cuộc họp 3 bên Việt Nam - Hoa Kỳ - Singapore để thảo luận về các vấn đề quan trọng trong thương mại song phương cũng như các hoạt động hợp tác tiềm năng về năng lượng tái tạo. Đây được đánh giá là một sáng kiến quan trọng, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến các mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực năng lượng.
“Diễn đàn Đầu tư về Kinh tế sạch lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với Việt Nam mà còn với cả các nước Đông Nam Á. Với Việt Nam, Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm các dự án đầu tư về năng lượng, từ đó đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào 2050; cùng với đó là công tác hội nhập kinh tế quốc tế.”
IPEF được nhiều nước kỳ vọng sẽ kết nối kinh tế năng động, hiệu quả, tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Chính vì vậy, là một trong những nước tham gia đàm phán đầu tiên, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc thúc đẩy quá trình thảo luận khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương này.
Liên kết để tạo đột phá kinh tế cho vùng Đồng bằng sông Hồng
Đồng bằng sông Hồng hiện là vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam với nhiều tiềm năng cùng thách thức đan xen. Do đó, để kinh tế vùng tạo sự đột phá cần nhiều hơn tính liên kết, từ các vùng đến chuỗi sản xuất.
Đây cũng là nội dung chính của Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/6, tại Hà Nội.
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD; trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, Đồng bằng sông Hồng đang đối mặt với những thách thức như kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động.
Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.
Cũng tại hội nghị, với nội dung trọng tâm thúc đẩy xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu cho vùng Đồng bằng sông Hồng, đại diện các địa phương trong vùng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan đã tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng cũng như bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia.
Trong khuôn khổ hội nghị cũng đã diễn ra không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Gia tăng lợi thế xuất khẩu cho nông sản Việt
Tọa đàm tại hội thảo |
Ngày 7/6, tại hội thảo: Xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định, nông sản Việt đang chuyển từ xuất khẩu thô sang tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.
Mặc dù nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu, đóng góp tích cực vào thặng dư thương mại.
Theo đó, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2024 đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21,0% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó nhiều mặt hàng nông sản tăng cả về giá trị và lượng như gạo, rau quả, cà phê, hạt điều.
Hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng đứng thứ nhất thế giới về hạt điều, hạt tiêu; thứ 2 thế giới về cà phê và lớn thứ 3 về gạo. Thuỷ sản Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc khi vượt qua các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất để tham gia chuỗi cung ứng tại thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc; phát triển nhiều sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành hỗ trợ cho ngành nông nghiệp chuyển từ xuất khẩu thô sang gia tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh, tạo điều kiện doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, bắt nhịp xu hướng tiêu dùng của thị trường toàn cầu.
Riêng Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam.