Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho nông sản mùa vụ
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 1/6/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho nông sản mùa vụ; Bộ Công Thương yêu cầu xác minh việc doanh nghiệp gạo “bỏ thầu giá thấp”; EU ban hành quy định mới về mật ong, nước và mứt hoa quả, sữa khô.
Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho nông sản mùa vụ
Nhiều nhóm hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang và sắp vào mùa vụ thu hoạch chính |
Hiện nay, nhiều nhóm hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang và sắp vào mùa vụ thu hoạch chính, do vậy, để hỗ trợ các nhà cung ứng trong việc tìm kiếm, khai thác thị trường, chiều 31/5 Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ”.
Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt nông sản có tính mùa vụ luôn là ưu tiên của Bộ Công Thương. Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương, hiệp hội ngành hàng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản nhiều tháng trước mùa vụ.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong những năm trở lại đây, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng, xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam không ngừng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, xuất khẩu bền vững, giảm tỷ trọng các mặt hàng chưa qua chế biến, đẩy mạnh chế biến chuyên sâu và nâng cao giá trị cũng như chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, ngày càng nhiều mặt hàng, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hoặc sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện diện tại các chuỗi siêu thị, các hệ thống bán lẻ, cung ứng, phân phối quốc tế tại các thị trường lớn trên thế giới…
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh cao, khả năng thâm nhập các thị trường xuất khẩu đang và sắp vào mùa như vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ… và sẽ gặp phải trở ngại nhất định về thị trường tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch ồ ạt.
Do vậy, tại Hội nghị đại diện các địa phương cũng đã nêu ra loạt khó khăn hiện nay đối với sản xuất và phân phối nông sản khi đến vụ. Đặc biệt là tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Cũng tại Hội nghị, để hỗ trợ các nhà cung ứng trong việc phát triển và khai thác thị trường cho mùa vụ năm nay cũng như xây dựng kế hoạch cho sản phẩm mùa vụ sau, Bộ Công Thương đề nghị, các địa phương thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu hỗ trợ xuất khẩu; Về phía doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các địa phương, hiệp hội, các đơn vị Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp xúc tiến thương mại cho nông sản mùa vụ.
Đối với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục tăng cường theo dõi và chủ động nắm bắt về các quy định, rào cản thương mại tại các thị trường sở tại, định hướng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản vào vụ, tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng chiến lược thị trường phù hợp, hiệu quả.
Bộ Công Thương yêu cầu xác minh việc doanh nghiệp gạo 'bỏ thầu giá thấp'
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh |
Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo 'bỏ thầu giá thấp' trong phiên đấu thầu ngày 21/5 vừa qua của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo thông tin từ một số cơ quan truyền thông, trong đợt thầu ngày 21/5 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Namtổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của các doanh nghiệp. Báo cáo gửi về cho Cục Xuất Nhập khẩu trước ngày 31/5.
Trước đó, sau khi Indonesia công bố kết quả mở thầu tháng 5/2024, hai doanh nghiệp từ Việt Nam đã trúng thấu với giá thấp. Riêng Lộc Trời trúng lô 60.000 tấn với giá 563 USD/tấn, giảm 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn.
EU ban hành quy định mới về mật ong, nước và mứt hoa quả, sữa khô
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, Nghị viện và Hội đồng châu Âu ban hành Chỉ thị số2024/1438 sửa đổi các quy định liên quan đến một số loại nông sản thực phẩm tại các Chỉ thị của Hội đồng châu Âu ban hành trước đây nhằm thực hiện mục tiêu Thỏa thuận xanh, Chiến lược từ trang trại tới bàn ăn để tạo ra hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh, thân thiện với môi trường, bền vững hơn.
Theo đó, Nghị viện và Hội đồng châu Âu điều chỉnh Chỉ thị số 2001/110/EC liên quan đến mặt hàng mật ong. Các quy định điều chỉnh mới liên quan đến việc bổ sung ghi nhãn, xuất xứ nhằm tăng khả năng nhận diện, ghi nhãn trong trường hợp phối trộn nhiều loại có xuất xứ, nuôi và thu hoạch từ các vùng có các loài thực vật khác nhau.
Ngoài ra, điều chỉnh các Chỉ thị liên quan đến nước ép trái cây, mứt trái cây, thạch, mứt cam và một số loại sữa… về các quy định chứa đường để đảm bảo tính tự nhiên sau các công đoạn xử lý chế biến; các quy định liên quan đến thay đổi hàm lượng dinh dưỡng ghi nhãn sữa khô trên bao bì khi xử lý …
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho hay, các nước thành viên EU sẽ thông qua và công bố các nội dung điều chỉnh đối với các chỉ thị trên vào ngày 14/12/2025 và quy định này sẽ áp dụng từ 14/6/2026.