Cơ hội mở rộng thị trường khi Vương quốc Anh gia nhập CPTPP
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 26/6/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Cơ hội mở rộng thị trường khi Vương quốc Anh gia nhập CPTPP; Ngành Điện miền Bắc nỗ lực xung kích hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3; Đơn hàng tăng, xuất khẩu dệt may khởi sắc.
Cơ hội mở rộng thị trường khi Vương quốc Anh gia nhập CPTPP
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá 15 ngày 25/6 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) |
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá 15 ngày 25/6 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Theo các chuyên gia, việc Anh tham gia hiệp định CPTPP không chỉ giúp các doanh nghiệp có thêm các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đối với Việt Nam, cùng với hiệp định thương mại tự do sẵn có giữa 2 nước, việc sớm phê chuẩn và thực thi các cam kết trong văn kiện này được đánh giá sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tận dụng tốt hơn cơ hội tiếp cận thị trường Anh.
Thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 nhờ tăng trưởng thương mại dịch vụ - lĩnh vực chiếm tới 70% nền kinh tế Anh.
Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng cho biết: Ngoài những cam kết chung, rộng hơn mà Vương quốc Anh dành cho các nước CPTPP thì có một số cam kết riêng cho Việt Nam. Đó là tăng hạn ngạch thuế quan với gạo thêm 17.500 tấn; bỏ hạn ngạch thuế quan đối với cá ngừ và một số loại hải sản.
Đối với nhiều mặt hàng khác, Việt Nam cũng có lợi thế là có thể sử dụng đầu vào từ các nước CPTPP để xuất khẩu sang Anh mà vẫn được hưởng quy tắc xuất xứ và được hưởng những ưu đãi của Anh dành cho Việt Nam.
Tôi hy vọng hiệp định này sẽ mở ra cho các doanh nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, da giầy có thêm một thị trường xuất khẩu mới, từ đó có điều kiện hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, cũng như tạo thêm việc làm cho người lao động đang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ngoài các tiêu chí về chất lượng, tiêu chí về phát triển xanh đối với hàng hóa xuất khẩu có vị trí rất quan trọng, đòi hỏi sản phẩm phải thân thiện với môi trường để giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới giảm phát thải ròng bằng "0". Do đó, cần phải tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng quan trọng hơn phải xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào công nghệ, môi trường để đạt được tiêu chí phát triển xanh, hàng hóa xanh. Như vậy mới có cơ hội để Việt Nam tận dụng được lợi thế của CPTPP, cũng như tận dụng vào thị trường Anh trong thời gian tới.
Ngành Điện miền Bắc nỗ lực xung kích hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3
Trong cái nắng gay gắt của những ngày tháng 6, trên công trường 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên), những “người lính áo cam” của EVNNPC |
Trong cái nắng gay gắt của những ngày tháng 6, trên công trường 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên), những “người lính áo cam” của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đang vượt qua thời tiết vô cùng khắc nghiệt, cùng đồng lòng dốc toàn tâm, toàn lực với quyết tâm cao độ cố gắng vượt qua khó khăn phối hợp cùng với các đơn vị bạn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ với thời gian sớm nhất...
Xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, cấp bách, có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc.
Trước đó, Đảng ủy EVNNPC huy động gần 500 công nhân, kỹ sư ngành điện để hỗ trợ thi công trên công trường 500kV mạch 3.
Đây là những người thợ điện tiêu biểu, đại diện cho cán bộ công nhân nhân viên EVNNPC tham gia vào dự án này, họ được lựa chọn đủ năng lực, tự nguyện, sẵn sàng “vượt nắng, thắng mưa”, làm việc theo tinh thần “3 ca, 4 kíp” để góp sức đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Hiện đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đang vào giai đoạn nước rút, trên công trường 500 kV mạch 3 hàng nghìn cán bộ công nhân viên ngành Điện và đơn vị nhà thầu đang nỗ lực từng ngày để đảm bảo tiến độ vào ngày 30/6/2024.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 519 km, đi qua 211 xã, phường, của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh. Tổng mức đầu tư của dự án lên tới 22.000 tỷ đồng.
Dự án này không chỉ tăng cường năng lực truyền tải điện giữa miền Trung và miền Bắc từ 2.200 MW lên 5.000 MW, mà còn đảm bảo cung cấp điện ổn định cho miền Bắc, nhất là trong mùa nắng nóng.
Đơn hàng tăng, xuất khẩu dệt may khởi sắc
Đơn hàng tăng, xuất khẩu dệt may khởi sắc |
Từ đầu năm đến nay, những tín hiệu tích cực cho ngành dệt may đã xuất hiện khi các doanh nghiệp đang đón nhận được nhiều đơn hàng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với đà này, mục tiêu xuất khẩu dệt may cả năm khoảng 44 tỷ USD hoàn toàn khả thi.
Tính chung xuất khẩu toàn ngành dệt may 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước.
Trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, các doanh nghiệp đã có nhiều cải thiện trong sản xuất kinh doanh. Hầu hết doanh nghiệp ngành may có có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý 3 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý cuối năm 2024 - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.
Tuy nhiên, dự báo 6 tháng cuối năm, nhu cầu dệt may tại các thị trường chính vẫn chưa cải thiện, trong khi các nước cạnh tranh có thể phá giá tiền tệ 15 - 20%.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng. Cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ứng phó với những khó khăn, diễn biến bất định của thị trường duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, các doanh nghiệp đã linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh;
Cùng với đó, các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hàng hoá. Bởi khi sản xuất thay đổi, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu, dệt may vẫn là nhóm hàng có lợi thế của Việt Nam để đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra.