Chống hàng giả bắt đầu từ sự chủ động của doanh nghiệp
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 15/6/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Chống hàng giả bắt đầu từ sự chủ động của doanh nghiệp; Phiên chợ kết nối đặc sản vùng miền tới người tiêu dùng Thủ đô; Thống nhất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp Bộ Công Thương sang Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước và SCIC.
Chống hàng giả bắt đầu từ sự chủ động của doanh nghiệp
Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần |
Ngày 14/6/2024, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tổ chức Hội thảo “Chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống, thực trạng và giải pháp”.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần, việc mua bán công khai, lộ liễu, đang tạo ra những thách thức lớn cho các cơ quan chức năng.
Khác với trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao, thì giờ đây, tất cả các sản phẩm hàng hoá đều có nguy cơ bị làm giả do các đối tượng nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng.
Hiện nay, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ được bày bán, kinh doanh trên môi trường truyền thống mà trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội, hàng giả, hàng vi phạm được quảng báo, bày bán công khai. Đáng lưu ý, trong hoạt động thương mại truyền thống, một số đối tượng vì lợi nhuận đã trực tiếp tổ chức sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT sau đó đưa ra thị trường thông qua cả 2 phương thức kinh doanh trực tiếp và trực tuyến, tạo thêm nhiều thách thức đối với cơ chức năng thực thi.
Cũng theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT thường có tổ chức rất chặt chẽ, bí mật, khép kín, nhiều mắt xích, nhiều đối tượng tham gia với vị trí, vai trò khác nhau, thường là một vòng tròn khép kín từ đối tượng cung ứng đến người tiêu dùng. Do đó, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả môi trường truyền thống và thương mại điện tử, các cơ quan chức năng cho rằng, yếu tố tiên quyết vẫn chính là sự chủ động của doanh nghiệp, bởi hơn ai hết, doanh nghiệp là người sản xuất ra sản phẩm và hiểu rõ sản phẩm của mình nhất. Doanh nghiệp cần chủ động phổ biến đến người tiêu dùng phương pháp nhận biết hàng giả. Đồng thời, loại bỏ tâm lý e ngại với việc đối diện hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp.
Phiên chợ kết nối đặc sản vùng miền tới người tiêu dùng Thủ đô
Từ ngày 13-16/6, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội) diễn ra Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền với chủ đề Tuần lễ quảng bá các sản phẩm nông sản, trái cây chất lượng cao năm 2024 nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng Hà Nội và vùng lân cận những mặt hàng nông sản, trái cây chất lượng cao là đặc sản, sản phẩm chủ lực của các địa phương trong cả nước.
Với sự tham gia của gần 50 đơn vị, doanh nghiệp với trên 70 gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản, đặc sản nổi tiếng gắn với các địa danh như: Trà Thái Nguyên, hành, tỏi Lý Sơn; tương ớt Mường Khương, gạo Séng Cù Lào Cai; cà phê, macca Đắk Nông, gạo ST25 Sóc Trăng; Yến sào đất mũi, cua Năm Căn, nem chua Thanh Hóa, rau, củ quả, sấy, các sản phẩm thủy sản và nhiều sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín trên thị trường cũng được trưng bày, giới thiệu và bán tại phiên chợ.
Tại phiên chợ, Ban tổ chức hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm với hoạt động livestream bán nông đặc sản qua TikTok tại kênh Chợ phiên OCOP và các nền tảng mạng xã hội, nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương.
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến, phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền 2024 không chỉ là nơi mua sắm trực tiếp mà còn kết hợp với việc livestream qua mạng xã hội, còn là một trải nghiệm tương tác và hòa mình vào văn hóa địa phương.
Việc kết hợp với livestream qua mạng xã hội mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất và nhà bán hàng tiếp cận một lượng khách hàng đa dạng, kể cả những người không thể tham gia phiên chợ một cách trực tiếp.
Trong khuôn khổ phiên chợ còn có các hoạt động giới thiệu, trải nghiệm các món ăn truyền thống, ẩm thực vùng miền; trình diễn các quy trình chế biến nông sản, thực phẩm.
Thống nhất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp Bộ Công Thương sang UBQLVNN và SCIC
Lãnh đạo các bên đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong thời gian qua |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và nhiệm vụ được giao, ngày 12/6, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu của các doanh nghiệp từ Bộ Công Thương về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và SCIC.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các đơn vị, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thống nhất chủ trương chuyển giao toàn bộ các doanh nghiệp do Bộ Công Thương đang làm đại diện chủ sở hữu sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC. Việc chuyển giao sẽ được thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước cũng thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước;
Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo toàn và phát huy vốn nhà nước;
Phối hợp chỉ đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực Công Thương tháo gỡ các khó khăn, xử lý vướng mắc nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, trước mắt, tập trung triển khai các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng.
Tại buổi họp lãnh đạo các bên đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong thời gian qua và tin tưởng rằng việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp sẽ diễn ra suôn sẻ, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.