Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở nhiều giải pháp để Bình Định phát triển công nghiệp, thương mại
Chào mừng quý vị và các bạn đã đến với bản tin Chuyển động Công Thương của Báo Công Thương.
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 10/8/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở nhiều giải pháp để Bình Định phát triển công nghiệp, thương mại; Thu tối đa các ý kiến đóng góp trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi); Bộ Công Thương kiểm tra 24 doanh nghiệp xăng dầu có dấu hiệu vi phạm.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Bình Định, gợi mở nhiều giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Công Thương tỉnh Bình Định trong thời gian qua |
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại miền Trung – Tây Nguyên, chiều 9/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Công Thương tỉnh Bình Định trong thời gian qua và 7 tháng đầu năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ ra, những tồn tại, hạn chế.
Để ngành Công Thương tăng tỷ trọng đóng góp trong kinh tế tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chính sách mới có hiệu lực thi hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi đầu tư.
Bên cạnh đó, rà soát Quy hoạch tỉnh Bình Định nếu có điểm chưa phù hợp với Quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia cần khẩn trương trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp.
Khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn (đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 175 MW điện gió trong bờ và gần bờ; 73MW thủy điện nhỏ; 15MW điện rác; 38 MW điện mặt trời mái nhà; 13 dự án lưới điện; 03 dự án Kho dự trữ xăng dầu; 02 điểm mỏ khoáng sản).
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý tỉnh Bình Định phải đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững nhằm xây dựng Bình Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị khoá XIII về phát triển vùng.
Chú trọng rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi. Huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có tính nền tảng (như công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, hóa chất...). Chú trọng thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và hydrogen/amoniac xanh…), công nghiệp hỗ trợ liên quan nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Chủ động triển khai Luật Đất đai (sửa đổi) để phát triển quỹ đất sạch để thu hút các dự án lớn có tính động lực cho kinh tế tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ (ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh) theo hướng bền vững, hiệu quả, phát triển theo chuỗi giá trị (từ nguồn nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ trong và ngoài nước), bảo đảm thực hiện nghiêm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Chú trọng phát triển dịch vụ logistics phát huy lợi thế kinh tế biển, khai thác vị trí thuận lợi cũng như thế mạnh hạ tầng giao thông vận tải đa phương thức, phục vụ kết nối liên vùng và quốc tế.
Đối với các kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Bình Định đã nêu tại buổi làm việc, sau buổi làm việc, Bộ Công Thương sẽ có văn bản kết luận chính thức, trong đó có trả lời cụ thể những kiến nghị, đề xuất của địa phương thuộc thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của Bộ; đối với các kiến nghị nằm ngoài thẩm quyền của Bộ, sẽ tổng hợp, chuyển đến các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Bộ Công Thương đồng hành cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc, thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.
Thu tối đa các ý kiến đóng góp trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Điện lực hiện hành là vấn đề cấp thiết |
Luật Điện lực đã trải qua gần 20 năm triển khai thi hành và qua 3 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (vào các năm 2012, 2018 và 2022), đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung trước yêu cầu phát triển của ngành điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế - xã hội và nhân dân.
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Điện lực hiện hành là vấn đề cấp thiết. Do đó, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường điện, năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với các loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hóa việc điều hành giá điện…
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã kế thừa các quy định của Luật Điện lực hiện hành và có sửa đổi 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện; bỏ 4 điều về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực, thanh tra điện lực.
Mục đích cao nhất khi sửa đổi Luật Điện lực là bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới. Theo đó, việc sửa đổi cần lưu ý tới một số yếu tố như trước đây, các nguồn điện giữ vai trò bảo đảm an ninh cung cấp điện (thủy điện, nhiệt điện) thường do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, nhưng trong giai đoạn tới sẽ thay thế vai trò các nguồn điện này bằng điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng... Do vậy, các nguồn điện này cần được quy định, thể chế hóa trong dự thảo Luật để bảo đảm tiến độ, chất lượng, an ninh cung cấp điện.
Hiện nay, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phân tích đang nỗ lực đánh giá kỹ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Điện lực hiện hành, những vấn đề mới, đặc biệt phải kế thừa kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… bảo đảm khi trình Quốc hội ban hành được một đạo luật tốt, chất lượng, khả thi.
Bộ Công Thương kiểm tra 24 doanh nghiệp xăng dầu có dấu hiệu vi phạm
Bên cạnh các thương nhân đã chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu thì vẫn còn một số đối tượng có dấu hiệu vi phạm |
Bên cạnh các thương nhân đã chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu thì vẫn còn một số đối tượng có dấu hiệu vi phạm, Bộ Công Thương sẽ lên kế hoạch kiểm tra tất cả thương nhân kinh doanh xăng dầu lớn nhỏ…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thực hiện quy định quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 thương nhân đầu mối và 8 thương nhân phân phối, hiện nay đang trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, qua rà soát báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương cũng đã giao Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối; 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.
Theo bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tất cả các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu dù lớn hay nhỏ Bộ đều sẽ có kế hoạch kiểm tra. Việc kiểm tra này không liên quan và không ảnh hưởng đến tổng nguồn xăng dầu trong nước. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm 2024, về cơ bản, các thương nhân đã chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, báo cáo duy trì, thay đổi hệ thống phân phối, báo cáo tình hình sản xuất, xuất, nhập, tồn kho, báo cáo quỹ bình ổn giá, kê khai giá bán... định kỳ theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, vẫn còn một số thương nhân chưa chủ động báo cáo để Bộ phải nhắc nhở.
Năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao cho 36 thương nhân đầu mối là hơn 28,4 triệu m3, tấn xăng dầu các loại.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu năm lượng nhiên liệu sản xuất, nhập khẩu đạt khoảng 15,2 triệu m3, tấn. Trong đó, nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước là 55,5%.
Còn theo báo cáo từ các đầu mối xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước 6 tháng là 13,8 triệu m3, tấn. Số này giảm 0,28% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo nguồn cung 6 tháng cuối năm là khoảng 15,3 triệu m3, tấn các loại. Tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn.
Bộ Công Thương đánh giá nguồn cung xăng dầu sẽ đảm bảo đủ cho nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp.