Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 5 nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí ngành Công Thương
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 22/6/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 5 nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí ngành Công Thương; Xuất khẩu rau quả ước thu về 3,4 tỷ USD nửa đầu năm 2024; Triển lãm hơn 400 sản phẩm ngành sơn mài khảm trai - đồ gỗ điêu khắc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 5 nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí ngành Công Thương
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 5 nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí ngành Công Thương |
Ngày 21/6/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi gặp mặt các cơ quan báo chí, truyền thông thuộc Bộ Công Thương nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024).
Cùng tham dự buổi gặp còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ và đặc biệt là sự có mặt của gần 300 cán bộ, phóng viên, nhà báo, người lao động đang hoạt động trong các cơ quan báo chí, truyền thông thuộc ngành Công Thương.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, 21/6 năm nay là một ngày đặc biệt khi trước đó 2 ngày tại trụ sở Báo Công Thương, sau một thời gian dài nghiên cứu tìm hiểu thông qua các tư liệu, hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các bộ ngành… Bộ Công Thương đã công bố Quyết định số 1599/QĐ-BCT ngày 18/6/2024 về việc công nhận Ngày truyền thống của Báo Công Thương là ngày 2/10 hàng năm.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, “ngày 2/10 hàng năm là ngày truyền thống của Báo Công Thương và ngày truyền thống các cơ quan thông tin truyền thông Bộ Công Thương”.
Ngành Công Thương hiện có 5 cơ quan hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, bao gồm: Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Nhà xuất bản Công Thương, Truyền hình Công Thương và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, với tổng số người lao động làm việc là gần 300 người.
Trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, người làm báo tại các cơ quan báo chí, truyền thông ngành Công Thương đã và đang thực hiện khá tốt chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của cơ quan ngôn luận ngành Công Thương, bám sát các yêu cầu chính trị, chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của nhà nước, tổ chức bộ máy và phương tiện, nhân lực làm báo để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong ngành báo chí.
Với thành tích đó, các cơ quan truyền thông của Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành tích khen thưởng của ngành, của Đảng, Nhà nước.
Đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông ngành Công Thương, ông Nguyễn Văn Minh - Tổng Biên tập Báo Công Thương cảm ơn Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương thời gian qua đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các cơ quan báo chí, truyền thông ngành Công Thương.
Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng tặng Bằng khen cho một số tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, tuyên truyền trong năm 2023.
Xuất khẩu rau quả ước thu về 3,4 tỷ USD nửa đầu năm 2024
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả.
Các thị trường chủ lực ghi nhận tăng 10 - 50% so với cùng kỳ 2023, trừ Hà Lan giảm mua.
Cụ thể, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc vẫn là những thị trường lớn, khi tới hết tháng 5, các thị trường này tăng tăng nhập khẩu từ 30 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Thái Lan chi 74,5 triệu USD và Hàn Quốc là 136 triệu USD mua rau quả Việt.
Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm, Trung Quốc đã mua 1,7 tỷ USD rau quả Việt, tăng 33% so với cùng kỳ 2023.
Sầu riêng là một trong số nông sản được thị trường tỷ dân này ưa chuộng. Hồi tháng 4, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan về xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc, với 32.750 tấn.
Liên quan đến xuất khẩu rau quả, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn cũng cho hay, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, phần lớn sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu.
Triển lãm hơn 400 sản phẩm ngành sơn mài khảm trai - đồ gỗ điêu khắc
Với quy mô khoảng 500m2, Triển lãm trưng bày, giới thiệu trên 400 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề sáng tạo và độc đáo |
Ngày 21/6, Sở Công Thương Hà Nội khai mạc Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngành sơn mài khảm trai – đồ gỗ điêu khắc năm 2024.
Đây là sự kiện thứ hai trong chuỗi các hoạt động triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại “Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô” năm 2024 được TP. Hà Nội giao Sở Công Thương tổ chức.
Với quy mô khoảng 500m2, Triển lãm trưng bày, giới thiệu trên 400 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề sáng tạo và độc đáo.
Triển lãm là dịp để công chúng, những người yêu thích, quan tâm đến ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và ngành sơn mài khảm trai - đồ gỗ điêu khắc nói riêng có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc, có giá trị thẩm mỹ cao được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi.
Khuyến khích, định hướng cho các tác giả thiết kế các sản phẩm vừa mang tính ứng dụng vừa có giá trị thẩm mỹ cao; Hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội phát triển và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường;
Đồng thời, góp phần tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế - thợ thủ công - nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng, đồng thời là nơi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu có thế mạnh của các làng nghề truyền thống của các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đến với công chúng.
Triển lãm được diễn ra trong tháng 6/2024. Thời gian mở cửa: 09h00 - 18h00 (hàng ngày) tại Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô – Số 176 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội.