Bộ Công Thương ký kết 3 văn kiện hợp tác về phát triển công nghiệp, xuất khẩu với Trung Quốc
Chào mừng quý vị và các bạn đã đến với bản tin Chuyển động Công Thương của Báo Công Thương.
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 21/8/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ Công Thương ký 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương của Trung Quốc; Động lực mới cho hợp tác công nghiệp Việt Nam-Trung Quốc; Đóng điện dự án đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Quỳnh Lưu - Thanh Hóa.
Bộ Công Thương ký 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương của Trung Quốc
Bộ Công Thương ký 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương của Trung Quốc |
Trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18 - 20/8/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký và trao 3 văn kiện hợp tác với các cơ quan, địa phương phía Trung Quốc trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các văn kiện hợp tác bao gồm Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp giữa Bộ Công Thương và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Bộ Công thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Hải Nam; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Bộ Công thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và công nghệ thông tin của Trung Quốc, trong đó có một số lĩnh vực quản lý tương tự chức năng quản lý của Bộ Công Thương như xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp. Văn kiện được ký kết lần này có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để hai Bên thúc đẩy các nội dung hợp tác thế mạnh để phát triển công nghiệp mỗi bên đồng thời phát triển quan hệ hợp tác giữa Bộ Công Thương với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc.
Sơn Đông là tỉnh ven biển phía Đông Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc với GRDP xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 với 101,62 triệu người năm 2023. Bộ Công Thương xác định Sơn Đông là cầu nối quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và khu vực phía Bắc Trung Quốc. Những năm gần đây, Bộ Công Thương đã liên tục tăng cường các hoạt động trao đổi và hợp tác với tỉnh Sơn Đông.
Tỉnh Hải Nam là hòn đảo nằm ở phía Nam Trung Quốc, dân số thường trú năm 2023 khoảng 10,4 triệu người. Tuy quy mô dân số không lớn nhưng Hải Nam lại là “Cảng thương mại tự do” lớn nhất của Trung Quốc, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi quan trọng của Chính phủ Trung Quốc.
Việc ký kết 2 văn kiện hợp tác với các địa phương nêu trên bên cạnh thúc đẩy quan hệ chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với Hải Nam, Sơn Đông còn thiết lập cơ chế trao đổi, hợp tác về thương mại, công nghiệp qua đó tạo ra các cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.
Động lực mới cho hợp tác công nghiệp Việt Nam - Trung Quốc
Đoàn công tác Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp, trong đó tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô; công nghiệp tiêu dùng; hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản, ngành công nghiệp hỗ trợ... |
Trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, chiều 19/8, Đoàn Công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc.
Để thúc đẩy hợp tác công nghiệp nhanh, mạnh hơn nữa giữa Việt Nam và Trung Quốc, bên cạnh việc triển khai hiệu quả Bản thoả thuận mới ký, Đoàn công tác Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp, trong đó tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô; công nghiệp tiêu dùng; hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản, ngành công nghiệp hỗ trợ...
Tại buổi làm việc, đại diện cho Đoàn công tác của Bộ Công Thương, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hợp nhập quốc tế về kinh tế cho biết, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đang tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam thăm chính thức cấp Nhà nước tới Trung Quốc. Đây là chuyến thăm quan trọng, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển tốt đẹp, không khí tin cậy và hữu nghị đang lan tỏa rộng khắp đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hai nước, hình thành cục diện giao lưu, hợp tác sôi động, thực chất.
Điểm lại quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, định hướng trực tiếp của Lãnh đạo hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục được củng cố, tăng cường và bổ sung những định hướng chiến lược mới.
Thông tin về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương ông Trịnh Minh Anh cho biết, Bộ Công Thương Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp, năng lượng, thương mại (ngoại thương, nội thương, thương mại điện tử và kinh tế số, xúc tiến thương mại), cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, quản lý thị trường… Trong số đó, có một số lĩnh vực tương đồng với chức năng nhiệm vụ của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc như dệt may, thuốc lá, hóa chất, cơ khí, tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xúc tiến thương mại...
Trên tinh thần đó, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hợp nhập quốc tế về kinh tế mong muốn trao đổi những cơ hội hợp tác cụ thể, thực chất, qua đó thúc đẩy quan hệ phối hợp công tác giữa 2 Bộ nói riêng và quan hệ hợp tác công nghiệp Việt Nam - Trung Quốc nói chung sẽ có những bước phát triển tích cực.
Khẳng định ngành công nghiệp tại Việt Nam còn nhiều dư địa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp của Việt Nam được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế.
Với lợi thế về vị trí địa lý gần gũi và việc Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các đối tác rộng lớn như EVFTA, CPTPP, RCEP đã giúp cho chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc gần gũi hơn, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của hai nước.
Đáng chú ý, điểm nhấn trong quan hệ hợp tác công nghiệp, kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc là các văn kiện hợp tác vừa được lãnh đạo cấp cao hai nước ký, trao trong buổi sáng ngày 19/8. Đây là cơ sở quan trọng, mang tính định hướng để hai bên cùng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp với thế mạnh của mỗi nước. Bản ghi nhớ được ký kết là kết quả cụ thể, quan trọng đóng góp vào thành công chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam cũng như quan hệ toàn diện, tốt đẹp giữa hai nước.
Để thúc đẩy hợp tác công nghiệp nhanh, mạnh hơn nữa giữa Việt Nam và Trung Quốc, bên cạnh việc triển khai hiệu quả Bản thoả thuận mới ký, Đoàn công tác Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp, trong đó tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô; công nghiệp tiêu dùng; hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản, ngành công nghiệp hỗ trợ...
Phát biểu tại buổi làm việc, đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc, đồng chí Dữu Chí Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc khẳng định, chuyến thăm sẽ làm gia tăng cơ hội hợp tác giữa hai nước, hai Bộ. Hai nước còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại.
Đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị trong hợp tác phát triển các ngành công nghiệp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, ông Dữu Chí Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc cho rằng tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực ô tô giữa hai nước còn rất lớn. Phía Trung Quốc ủng hộ các doanh nghiệp của nước này đẩy mạnh hợp tác, đầu tư sang Việt Nam và mong muốn Việt Nam sẽ có những chính sách cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư Trung Quốc đến hợp tác, đầu tư.
Đóng điện dự án đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Quỳnh Lưu - Thanh Hóa
Ngày 19/8, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện Dự án đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, chào mừng 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung quản lý điều hành, Công ty Truyền tải điện 1 tiếp nhận vận hành.
Là một trong các cung đoạn thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa có chiều dài 92km, đi qua địa bàn các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa gồm 200 vị trí móng, với 99 khoảng néo hành lang tuyến.
Phó Tổng giám đốc EVNNPT Trương Hữu Thành cho biết, việc thi công dự án khó khăn khi tuyến đường dây đi qua nhiều khu vực đồi núi cao, nhiều vị trí nằm trong rừng, có những vị trí móng đào khối lượng đá rất lớn. Khối lượng cột thép lớn trong khi tiến độ yêu cầu thời gian ngắn, nên chủ đầu tư và các nhà thầu phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ.
Để có thể đóng điện đúng tiến độ, dự án đã thi công xây lắp, dựng cột, kéo dây, lắp đặt khung định vị, hiệu chỉnh kỹ thuật. Vì vậy bên cạnh lực lượng chính của các đơn vị thuộc EVNNPT và các nhà thầu thi công xây lắp, EVN đã huy động lực lượng của 5 tổng công ty điện lực cùng tham gia hỗ trợ thi công với số lượng lớn nhân lực có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm, tay nghề.
Cùng với đó, EVN cũng nhận được sự hỗ trợ nhân lực thi công từ Quân khu 3, Quân khu 4, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam… tham gia hỗ trợ thi công dựng cột và kéo dây cho các dự án.
Theo đánh giá của EVNNPT, việc dự án hoàn thành và đóng điện đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, là động lực to lớn để toàn công trường dự án đường dây 500kV mạch 3 hoàn thành nghiệm thu, khánh thành.
Đến nay dự án đường dây 500kV mạch 3 đã hoàn thành 3/4 cung đoạn. Cung đoạn còn lại là Quảng Trạch - Quỳnh Lưu sẽ hoàn thành trong tháng 8 để khánh thành dịp Quốc khánh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải hoàn thành để chào mừng 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.