Ban cán sự, lãnh đạo Bộ Công Thương gặp gỡ, đối thoại với với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ
Chào mừng quý vị và các bạn đã đến với bản tin Chuyển động Công Thương của Báo Công Thương.
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 24/7/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Ban cán sự, lãnh đạo Bộ Công Thương gặp gỡ, đối thoại với với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; Quyết tâm hoàn thành đường dây 500kv mạch 3 trong dịp 2/9; Đa dạng kênh phân phối “tiếp sức” cho hàng Việt;
Ban cán sự, lãnh đạo Bộ Công Thương gặp gỡ, đối thoại với với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ
Tại hội nghị, lãnh đạo 15 đơn vị trong Bộ như: Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Thanh tra Bộ... đã có tham luận |
“Đổi mới, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tại các đơn vị thuộc Bộ” là chủ đề của Hội nghị Đối thoại giữa Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ năm 2024 diễn ra sáng 23/7/2024. Hội nghị do Công đoàn Bộ phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phát huy dân chủ là cách tốt nhất để một tập thể có sự đoàn kết, gắn bó và mỗi tập thể, mỗi cá nhân có cơ hội hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với kinh nghiệm có được trong các kỳ đối thoại trước và đặc biệt là các kỳ Đại hội công nhân, viên chức, lao động được tổ chức hàng năm, tại hội nghị này, Bộ trưởng yêu cầu các đại biểu trao đổi, thảo luận một cách thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng để tiếp tục cải thiện môi trường làm việc và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Bộ.
Tại hội nghị, lãnh đạo 15 đơn vị trong Bộ như: Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Thanh tra Bộ... đã có tham luận. Nhìn chung báo cáo và các ý kiến đều thống nhất nhận định: Việc tổ chức đối thoại hàng năm đã có tác động rất lớn đến việc hình thành, củng cố khối đoàn kết nội bộ. Vai trò, vị trí các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể, lãnh đạo các đơn vị tiếp tục được củng cố và phát huy. Tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, đoàn viên, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, người đứng đầu đều phát huy hiệu quả.
Bên cạnh những ưu điểm, trong thời gian qua, tại một số đơn vị trong Bộ vẫn thiếu phương tiện, điều kiện làm việc; hiện tượng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; một số cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể, lãnh đạo đơn vị chưa phát huy hết vai trò, vị trí lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ.
Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu của Hội nghị đã đặt ra “Tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn cơ quan”, phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tập trung đổi mới công tác quản trị trong tất cả các đơn vị thuộc Bộ, theo đó, thay vì quan hệ giải pháp - mục tiêu, thay quản lý thời gian làm việc sang hiệu quả công việc.
Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể trong từng đơn vị để tạo sự gần gũi, gắn bó và hiểu biết lẫn nhau, nhất là hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, làm việc nhóm…
Cuối cùng, tư lệnh ngành Công Thương cũng đề nghị công đoàn ngành, công đoàn cơ quan tiếp tục quan tâm, chăm lo quyền lợi chính đáng của đoàn viên nhất là quyền lợi về chính trị, tinh thần. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình bếp ăn tập thể ở các tòa nhà làm việc của Bộ. Chú trọng xã hội hóa, vận dụng hợp lý cơ chế, chính sách để nâng cao, duy trì chất lượng bữa ăn trưa cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Quyết tâm hoàn thành đường dây 500Kv mạch 3 trong dịp 2/9
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục theo dõi, tháo gỡ khó khăn; rà soát, làm tốt công tác nghiệm thu, chuẩn bị tổng kết, rút kinh nghiệm, làm tốt công tác thi đua khen thưởng |
Chiều 22/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành và địa phương về tình hình triển khai dự án xây dựng đường dây tải điện 500 kV mạch 3 (Phố Nối, Hưng Yên đến Quảng Trạch, Quảng Bình) đoạn đi qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đây là cuộc họp thứ tư, cùng với 4 lần Thủ tướng chủ trì, kiểm tra, đôn đốc, động viên triển khai dự án trong vòng 6 tháng qua.
Tại buổi họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nghe Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia báo cáo; Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, cơ quan, các địa phương tham gia ý kiến.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức các cuộc họp giao ban (thường kỳ 2 tuần 1 lần) để rà soát tiến độ triển khai công việc và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.
Bộ đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và công tác thi công để đảm bảo tiến độ các dự án, đồng thời đề nghị địa phương, EVN, EVNNPT truyền thông để dư luận xã hội, nhân dân địa phương thấy được tầm quan trọng và tính cấp bách của các dự án, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã có nhiều Công hàm gửi các Đại sứ quán các nước Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ nhằm thúc đẩy tiến độ cung cấp vật tư thiết bị nhập khẩu phục vụ các dự án. Chỉ đạo Cơ quan Thương vụ đại diện của Bộ Công Thương tại các nước để hỗ trợ thúc đẩy tiến độ cung cấp, vận chuyển thiết bị từ các nước nhập khẩu về Việt Nam phục vụ Dự án.
Khối lượng công việc còn lại theo báo cáo của EVN: còn 45/1177 vị trí cột (4%) cần bàn giao bổ sung các chi tiết thanh, phụ kiện còn thiếu; lắp dựng 174/1177 (15%) vị trí cột còn lại; đang thực hiện kéo dây 79/513 (70%) khoảng néo. Thời gian còn rất ngắn, trong khi các công việc còn lại còn khá nhiều. Một số khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được giải quyết triệt để như khó khăn về nhân lực thi công, về thời tiết nắng, mưa bất thường.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn từ Quảng Trạch đến Phố Nối là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng đánh giá, với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, đến nay, đã cơ bản hoàn thành các công việc quan trọng như xây dựng xong các trạm biến áp, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng tuyến, cung cấp đầy đủ các thiết bị vật tư để dựng cột, kéo dây.
Thứ nhất là kinh nghiệm lãnh đạo chỉ đạo tập trung quyết liệt khoa học bài bản tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc động viên rất quan trọng và chia sẻ với những khó khăn của Tập đoàn Điện lực của Tổng công ty truyền tải điện của anh, chị em công nhân trên công trường phải phân công là phải rõ người rõ việc rõ trách nhiệm rõ nhiệm vụ rõ kết quả rõ thời gian phải quyết tâm cao nỗ lực lớn hành động quyết liệt làm là phải có trọng tâm trọng điểm tập trung làm việc nào giúp việc đấy.
Nhắc lại tinh thần “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tỏ lòng tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phấn đấu hoàn thành dự án chào mừng Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2024).
Lãnh đạo các địa phương tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, thăm hỏi, động viên các đơn vị, cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường, nhất là quan tâm điều kiện ăn ở, sinh hoạt của anh em; giải quyết tốt công tác bồi thường, tái định cư cho người dân, bảo đảm người dân di dời đến nơi ở mới có cuộc sống ít nhất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục theo dõi, tháo gỡ khó khăn; rà soát, làm tốt công tác nghiệm thu, chuẩn bị tổng kết, rút kinh nghiệm, làm tốt công tác thi đua khen thưởng.
Đa dạng kênh phân phối “tiếp sức” cho hàng Việt
Đa dạng kênh phân phối “tiếp sức” cho hàng Việt |
Thời gian qua, dù chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập ngoại nhưng hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trong nước ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường nhờ chất lượng không ngừng được cải thiện, giá bán hợp lý, cùng sự hỗ trợ đặc biệt của hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại và các chợ truyền thống.
Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn diễn ra quanh năm của các hệ thống bán lẻ dành riêng cho hàng hóa nội địa cũng góp phần tạo thói quen sử dụng hàng Việt trong đông đảo tầng lớp nhân dân.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện hàng Việt đã chiếm lĩnh chủ yếu ở các kênh phân phối trong nước. Riêng nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đã đạt trên 80%, nhóm hàng nông sản đạt trên 90%.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, những năm vừa qua, các kênh phân phối đã vào cuộc tiêu thụ hàng Việt, đặc biệt là nông sản Việt khi đến vụ thu hoạch. Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, tình trạng “được mùa mất giá” đối với nông sản khi vào chính vụ đã giảm hẳn.
Ngoài các hình thức phân phối truyền thống, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và các ứng dụng số, kênh phân phối hàng hóa online hiện đã trở thành xu hướng tất yếu.
Nắm bắt rõ “con đường” này và thị hiếu khách hàng, các doanh nghiệp, nhà phân phối cũng đã phát triển mạnh các kênh truyền thông online, ứng dụng mua bán online.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để khẳng định được chỗ đứng tại thị trường trong nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cung cấp thông tin trung thực, cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận. Từ đó, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tăng doanh thu, tăng thị phần và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước lẫn quốc tế.