Trạm tin thị trường ngày 9/11: Nhiều dấu hiệu bất thường về nguồn gốc, chất lượng xe điện Hokido
Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi “Trạm tin thị trường” của Báo Công Thương. “Trạm tin thị trường” hôm nay gồm có những thông tin đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Xe điện Hokido mới mua đã hỏng, người dùng bị từ chối yêu cầu bảo hành; Báo động khi các chiến thần “livestream” bán hàng giả; Nhận diện sản phẩm mỹ phẩm Hàn Quốc thật và giả; Việt Nam - Hàn Quốc: Hợp tác chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nhiều dấu hiệu bất thường về nguồn gốc, chất lượng xe điện Hokido của Công ty Hamachi Việt Nam
Dù mới được sử dụng trong thời gian chưa đầy một tháng nhưng chiếc xe điện Hokido do người đàn ông ở Bà Rịa Vũng Tàu mua đã xảy ra nhiều lỗi lỏng. Đường dây tiếp nhận bảo hành của hãng ngắt máy khi khách hàng đề nghị xử lý sự cố. Từ phản ánh trên, phóng viên Báo Công Thương đã vào cuộc tìm hiểu và phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường về nguồn gốc, chất lượng dòng xe điện Hokido.
Bàn đạp hỏng, một phần chân chống giữa bị gãy, bánh sau xe liên tục bị hết hơi bất thường. Chiếc bình ắc quy chỉ đi chưa đầy 3km đã hết pin. Đây là những vấn đề mà ông P.Đ.H (trú tại Bà Rịa-Vũng Tàu) gặp phải khi mua chiếc xe điện mang nhãn hiệu Hokido.
Ông P.Đ.H cho biết, thông qua website hokido.com.vn, ông đặt mua một chiếc xe điện Hokido (mã số HKD 06) với giá 5.250.000 đồng. Ngày 4/9/2024 ông H. nhận xe kèm theo phiếu xuất kho, phiếu bảo hành có ghi số điện thoại.
Dù vậy, khi xe điện bị hỏng, ông H. đã cố gắng liên lạc nhiều lần tới số điện thoại trong phiếu bảo hành nhưng không được. Ông H. cũng nhắn tin cho nhân viên tư vấn bán xe nhưng kết quả nhận được chỉ là sự im lặng.
Được biết, đơn vị đứng sau điều hành, tiếp nhận thông tin khách đặt hàng qua website hokido.com.vn là Công ty TNHH Hamachi Việt Nam (địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 17 ngõ Núi Trúc, phố Núi Trúc, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Thành phố Hà
Nội. Không chỉ có các sản phẩm mang thương hiệu Hokido, công ty này còn phân phối xe điện mang nhãn hiệu Hamachi.
Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua xe điện 3 bánh nhãn hiệu Hokido, phóng viên được một người tên Chi, tự giới thiệu là nhân viên Công ty TNHH Hamachi Việt Nam tư vấn nhiệt tình.
Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý muốn xem các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, cam kết chất lượng xe điện thì nhân viên khẳng định là “không có”. Lý do được đưa ra là xe này không đăng ký biển nên không cần giấy tờ.
Đúng ngày đã hẹn, một chiếc ô tô chở theo chiếc xe điện 3 bánh mà phóng viên đặt và một số xe điện khác đã có mặt tại địa chỉ 657 Phạm Văn Đồng. Hai người đàn ông nhanh chóng chuyển chiếc xe xuống đất và tiến hành hướng dẫn phóng viên cách sử dụng.
Mặc dù theo quảng cáo của nhân viên công ty, chiếc xe mà phóng viên đặt là xe liên doanh Việt-Nhật, do công ty sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, giấy tờ đi kèm xe chỉ là một quyển hướng dẫn sử dụng chứ không có giấy tờ thể hiện nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm.
Trên phần thân, động cơ, khung máy của chiếc xe cũng không thể hiện thông tin sản phẩm có nguồn gốc từ đâu. Chiếc xe điện này cũng không được gắn dấu hợp quy theo quy định của pháp luật.
Trước những câu hỏi của phóng viên về nguồn gốc và chất lượng xe, hai người đàn ông đều trả lời “không biết” chở chiếc xe điện trả về cho công ty.
Sau đó, phóng viên đã liên hệ để tìm hiểu thông tin về chất lượng dòng xe điện trên, nhưng nhiều ngày trôi qua Công ty TNHH Hamachi Việt Nam chưa có phản hồi.
Thiết nghĩ, Công ty TNHH Hamachi Việt Nam cần có câu trả lời đến người tiêu dùng trước những phản ánh về chất lượng của sản phẩm xe điện Hokido.
Báo động khi các chiến thần “livestream” bán hàng giả
9 tháng năm 2024, liên tiếp các vụ việc người nổi tiếng livestream bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị phát hiện, trở thành thực trạng đáng báo động đối với người dùng thích mua sắm online. Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, 9 tháng năm 2023, lực lượng đã xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 35,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29,4 tỷ đồng liên quan đến vi phạm trên thương mại điện tử.
Đầu tháng 10 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc được bán trên tài khoản TikTok Phan Thủy Tiên. Kênh TikTok này có tới gần 5 triệu lượt theo dõi, nhiều video hàng triệu lượt xem và chủ kênh thường xuyên tổ chức livestream bán hàng với doanh số rất lớn.
Ngay sau đó, TikToker Phan Thủy Tiên đã khóa bình luận trên trang TikTok. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kênh đã không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng chục ngàn sản phẩm nước hoa nói trên.
Trước đó, Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cũng kiểm tra điểm kinh doanh của một TikTok Shop có tên Hương Anh Food & Nest tại căn hộ số 2011 tầng 20 của một tòa chung cư trên địa bàn phường Hồng Hải, TP Hạ Long.
Kết quả kiểm tra cho thấy từ đầu tháng 8, TikTok Shop Hương Anh đã thu mua hơn 4.500 gói hạt mix và gần 1.000 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất để livestream bán trên TikTok kiếm lời. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ và tài liệu kèm theo.
Theo Tổng cục QLTT các đối tượng đã hết sức tinh vi trong việc cất giấu hàng hóa vi phạm. Những người này đã thuê một gian hàng phía sau trụ sở làm việc của một công ty để ngụy trang, nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng.
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, là hoạt động sử dụng các trang mạng xã hội để đăng bán với hình ảnh, chất lượng sản phẩm không như quảng cáo; địa điểm kinh doanh không rõ ràng khiến các cơ quan chức năng rất khó xác định.
Nhận định các hành vi vi phạm bán hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử, TS Đào Cẩm Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing - Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế cho rằng, những TikToker, Facebooker đều là những người biết xây dựng và sử dụng thương hiệu cá nhân thông minh.
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cá nhân để nhằm mục đích bán sản phẩm giả, kém chất lượng là vi phạm pháp luật, rủi ro cho khách hàng. Người cất công xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ tự tay đốt thương hiệu của mình. Đó là cách xây dựng thương hiệu cá nhân thiếu bền vững, "ăn xổi".
Để kiểm soát hành vi vi vi phạm này, TS Đào Cẩm Thủy cho rằng, các sàn thương mại điện tử cần có quy chế kiểm soát chất lượng hàng hóa thông qua bộ lọc, nếu lực lượng chức năng vào cuộc phải khóa ngay tài khoản vi phạm, tránh tình trạng sau khi bị xử phạt hành chính lại quay trở lại bán sản phẩm khác. Với người tiêu dùng, không nên chạy theo tâm lý đám đông, người bán hàng là người nổi tiếng nhưng chưa chắc sản phẩm của họ bán đã tốt vì vậy cần cân nhắc, tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Nhận diện sản phẩm mỹ phẩm Hàn Quốc thật và giả
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ Sở hữu trí tuệ và Hợp tác quốc tế Hàn Quốc chưa bao giờ các sản phẩm của Hàn Quốc có mặt tại thị trường Việt Nam nhiều và được ưa chuộng như hiện nay. Song, đi liền với đó là vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu của Hàn Quốc. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, tính đến năm 2021, số lượng bán hàng giả, vi phạm nhãn hiệu của các công ty Hàn Quốc lên tới 9,7 tỷ USD, chiếm 1,5% giá trị xuất khẩu. Cùng Trạm tin thị trường hôm nay, điểm qua một số đặc điểm nhận diện sữa rửa mặt Innisfree thật và giả.
Đặc điểm thứ nhất: Qua màu sắc
Sản phẩm chính hãng sẽ có màu xanh lá nhẹ nhàng, trang nhã. Còn hàng giả, kém chất lượng thường có màu xanh lá cây đậm hơn, không mang lại cảm giác tươi mát và dễ chịu khi nhìn.
Đặc điểm thứ hai: Qua chữ in và họa tiết
Tất cả các thông tin và họa tiết in trên tuýp sữa rửa mặt chính hãng đều rõ ràng, sắc nét, không bị mờ nhòe. Ngược lại, hàng giả thường có nét in không đều màu, họa tiết nhem nhuốc vì được sản xuất bởi công nghệ in ấn còn nhiều hạn chế.
Đặc điểm thứ ba: Qua nắp đậy
Sữa rửa mặt Innisfree chính hãng có thiết kế nắp đậy thông minh với hướng nắp quay ra mặt trước của sản phẩm. Còn sữa rửa mặt giả thường có phần nắp quay về mặt sau. Đây cũng là điểm khác biệt giúp bạn có thể phân biệt dễ dàng.
Đặc điểm nhận diện thứ tư, Qua phần giấy bạc
Sữa rửa mặt Innisfree mới mua thường sẽ được bọc một lớp giấy bạc bên ngoài. Phần giấy ở sữa rửa mặt chính hãng sẽ được bọc gọn gàng, có tính thẩm mỹ cao.
Ngược lại, sữa rửa mặt giả có phần giấy dán không được cẩn thận, dễ bong tróc và không chỉnh chu.
Để bảo vệ quyền lợi, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, lựa chọn mua hàng ở những địa chỉ uy tín. Trước khi mua hàng dù ít hay nhiều, giá trị cao hay thấp thì phải tìm hiểu sản phẩm đó là của doanh nghiệp nào, xem xét bao bì, nhãn mác có đúng không. Đặc biệt, khi giá thành rẻ một cách bất ngờ thì phải đặt câu hỏi để tránh tiền mất tật mang.
Việt Nam - Hàn Quốc: Hợp tác chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ngày 7/11 tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc và Cơ quan bảo vệ Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc tổ chức Hội thảo trực trạng và giải pháp nhận diện hàng giả, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ từ góc nhìn doanh nghiệp Hàn Quốc 2024.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Cục Bảo vệ Sở hữu trí tuệ và Hợp tác quốc tế Hàn Quốc cho biết sự kiện này được tổ chức nhằm ngăn chặn những thiệt hại cho doanh nghiệp Hàn Quốc do vấn nạn hàng giả gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam. Tính đến năm 2021, số lượng bán hàng giả, vi phạm nhãn hiệu của các công ty Hàn Quốc lên tới 9,7 tỷ đô, chiếm 1,5% giá trị xuất khẩu. Do vậy, việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia được xem là giải pháp quan trọng để giải quyết triệt để vấn đề này.
Hiện Tổng cục Quản lý thị trường đang có những biết pháp chống hàng giả, chúng tôi cảm kích về vấn đề này. Chúng tôi mong muốn Tổng cục có thêm phương án để doanh nghiệp Hàn phát triển không bị cản trở bởi vấn nạn hàng giả. Những hàng giả trên thị trường không chỉ ảnh hưởng đến nhãn hàng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.
Đánh giá cao sáng kiến của cơ quan chức năng của Hàn Quốc trong việc phối hợp tổ chức hội nghị này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, việc phòng ngừa, phát hiện sớm những vi phạm, giả mạo xuất xứ từ Hàn Quốc thông qua hội nghị, hội thảo là rất cần thiết với lực lượng chức năng, nhất là trong bối cảnh việc mua sắm online trở nên phổ biến. Tổng cục Quản lý thị trường mong muốn trong thời gian tới, doanh nghiệp cũng như Cơ quan Chính phủ của Hàn Quốc thường xuyên giữ mối liên lạc, đồng thời cập nhật thông tin về sản phẩm để lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng của Việt Nam kịp thời phát hiện, phòng ngừa xử lý các vụ vi phạm, giữ được lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp nổi tiếng đến từ Hàn Quốc đã trực tiếp chia sẻ tình hình vi phạm nhãn hiệu và các dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả, nhằm giúp lực lượng chức năng phát hiện sớm các hành vi vi phạm trên thị trường.
Trước đó, tại trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Cơ quan bảo vệ Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KOIPA) do ông Jeong In – Sik làm Trưởng đoàn. Nội dung chính buổi trao đổi về trực trạng vi phạm các sản phẩm, hàng hóa giả mạo nguồn gốc xuất xứ các nhãn hiệu của Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam cũng như đề xuất các giải pháp triển khai trong thời gian tới.
Phát hiện, thu giữ trên 1 tấn khô bò “bốn không” đang được chào bán trên mạng xã hội
Thực hiện Kế hoạch số 2317/KH-QLTTHCM ngày 19/7/2024 của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh về việc tập trung triển khai công tác về thương mại điện tử trong 6 tháng cuối năm 2024; thông qua việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và công tác quản lý địa bàn, Đội QLTT số 18 đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Ma tuý - Công an huyện Hóc Môn và Công an xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn thực hiện kiểm tra Công ty TNHH T. địa chỉ tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn đang giới thiệu, chào bán khô bò không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên mạng xã hội Facebook.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty này đang chứa trữ và kinh doanh 203 thùng, mỗi thùng 5kg, tổng cộng là 1.015 kg khô bò không có nhãn hiệu; không ghi xuất xứ; không có ngày sản xuất và hạn sử dụng; không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, chưa qua sử dụng, tổng trị giá 65.975.000 đồng.
Đội QLTT số 18 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên, đồng thời chuyển hồ sơ về Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh để trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử lý theo thẩm quyền.
Trong thời gian tới, Đội QLTT số 18 tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên trao đổi thông tin, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh về thương mại điện tử trên địa bàn để kịp thời kiểm tra, ngăn chặn các thủ đoạn lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật.