Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 08/10/2024 10:32
Vân Hugo quảng cáo “lố” về Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Japa Kids
Mới đây, tham gia quảng cáo cho Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Japa Kids, Vân Hugo đã nổ: “Vân Hugo cần tìm 99 mẹ có con từ 0 đến 13 tuổi; 2 đến 3 tháng con không tăng cân nào, còi cọc, suy dinh dưỡng, chậm lớn, tiêu hóa kém, hay ốm vặt. Nếu không cải thiện ngay hôm nay thì còn chờ đến bao giờ, nếu không uống Japa kids hôm nay thì còn chờ đến bao giờ. Chỉ với 3 thìa nhỏ Japa kids mỗi ngày con bạn sẽ hết biếng ăn chỉ sau 3 ngày. Tăng 0,8 đến 1,2 kg chỉ sau 3 tuần, 1 tháng tăng từ 1 đến 2 kg…”.
Để tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng Vân Hugo khẳng định: “Chắc chắn con bạn uống sẽ thích. Các mẹ hãy tin Vân và cho con uống Japa Kids ngay bây giờ. Japa Kids là siêu phẩm siro ăn ngon hàng đầu tại Việt Nam hiện nay”.
Bản chất của thực phẩm chức năng là hỗ trợ, nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh và không có công dụng chữa bệnh, thay thế thuốc chữa bệnh. Thế nhưng, những lời quảng cáo của Vân Hugo lại “biến” Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Japa Kids như một loại thần dược. Và cũng không hiểu Vân Hugo lấy cơ sở nào để khẳng định Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Japa Kids là siêu phẩm siro ăn ngon hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.
Theo quy định của pháp luật tổ chức, cá nhân khi thực hiện quảng cáo hàng hoá, dịch vụ có yếu tố "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự phải đảm bảo tuân thủ một số quy định.
Cụ thể, cá nhân, tổ chức phải chuẩn bị tài liệu hợp pháp theo quy định của Luật Quảng cáo là kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường hoặc Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.
Trước đó, Vân Hugo cũng từng tham gia quảng cáo một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe khác với nội dung: Vân giới thiệu một siêu phẩm tăng chiều cao cho các con, chắc chắn sẽ cao từ 3-5cm sau 3 tháng sử dụng…
Theo tìm hiểu của phóng viên, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Japa Kids được đăng ký công bố sản phẩm bởi Công ty TNHH Prolife Việt Nam có địa chỉ tại số 8 Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Sản phẩm này cũng được quảng cáo trên website japakids.com.vn. Các clip quảng cáo tại website nói trên thường xuyên sử dụng hình ảnh của y, bác sĩ, người tiêu dùng để nói về công dụng của Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Japa Kids.
Hành vi trên vi phạm Thông tư số 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế. Cụ thể Điều 7 của Thông tư quy định, không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm.
Theo Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi năm 2018), hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Với vai trò của một người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng với công chúng, lẽ ra trước khi tham gia quảng cáo cho một sản phẩm, Vân Hugo cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật để mang lại hiệu ứng tích cực và tránh những rắc rối cho chính bản thân mình. Thế nhưng, thời gian vừa qua những clip quảng cáo sản phẩm của Vân Hugo đang nhận được nhiều phản ứng trái chiều của dư luận. Phải chăng vì lợi nhuận mà Vân Hugo đang tự làm xấu đi hình ảnh của chính mình.
Cách nhận diện cửa hàng ủy nhiệm “chuẩn” của HONDA
Cửa hàng ủy nhiệm của HONDA gồm có cửa hàng bán xe, cửa hàng dịch vụ và cửa hàng phụ tùng.
Điểm chung của cả 3 cửa hàng là đều có logo HONDA và logo cánh chim nằm ở vị trí cao hơn so với tên cửa hàng.
Ngoài ra, cửa hàng dịch vụ và cửa hàng phụ tùng sẽ có 2 cột đỏ còn với cửa hàng bán xe là 2-3 cột.
Ngoài ra, cửa hàng bán xe được ủy nhiệm bởi HONDA Việt Nam sẽ có logo HEAD ở biển hiệu trong khi cửa hàng phụ tùng và dịch vụ sẽ có dòng chữ Wing Service hoặc HASS.
Theo đó, việc trình bày logo HONDA phải đảm bảo các yếu tố sau:
- Logo ”HONDA“ hoặc biểu tượng cánh chim sẽ’ đứng một mình trên biển hiệu, không đi cùng các nhãn hiệu bảo hộ khác
– Lô gô “HONDA” hoặc “biểu tượng cánh chim“ trình bày nổi bật so với các thương hiệu xe máy khác
- Lô gô “HONDA” hoặc “biểu tượng cánh chim“ đứng cùng tên riêng của cửa hàng
- Cách điệu không tạo sự khác biệt
- Logo “HEAD” không đi cùng các nhãn hiệu bảo hộ khác
– Logo “Wingservice” không đi cùng với nhãn hiệu bảo hộ khác
- Cột đỏ bị chia cắt không đáng kể để tạo sự khác biệt
- Cột có màu sắc giống hệt hoặc tương tự màu đỏ
Quy định về việc lưu trữ hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường
Trong Trạm tin thị trường số ngày hôm nay, mời quý vị khán giả cùng đi tìm hiểu quy định về việc lưu trữ hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường.
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, quy định liên quan đến nội dung trên nằm ở Khoản 4 Điều 26 Thông tư 27/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương. Theo đó:
- Cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chịu trách nhiệm lưu trữ bản chính hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính khi kết thúc vụ việc;
- Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì Cục cấp tỉnh hoặc Cục Nghiệp vụ đề xuất xử lý phải lưu trữ bản sao hồ sơ vụ việc, trừ trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có yêu cầu khác;
- Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì Đội Quản lý thị trường đề xuất xử lý phải lưu trữ bản sao hồ sơ vụ việc, trừ trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện có yêu cầu khác.
Hi vọng, những thông tin trên sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc của quý bạn đọc. Nếu còn những thắc mắc liên quan, xin mời quý khán giả gửi nội dung câu hỏi đến Trạm tin thị trường, thông qua đường dây nóng của Báo Công Thương 0866.59.4498.
Hà Giang tạm giữ hơn 10 nghìn sản phẩm nghi giả mạo nhãn hiệu
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang, chiều ngày 7/8, trong quá trình phối hợp tuần tra giữa Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Giang với phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Giang, phát hiện xe ô tô nhãn hiệu THACO, biển kiểm soát 19C-11x.xx do ông Vi Mạnh T, địa chỉ ở khu 13, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ là người điều khiển phương tiện có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện trên xe ô tô đang chở hàng hóa là dầu gội, nước xả vải và đồ dùng học tập (bút các loại) giả mạo các nhãn hiệu Sunsilk, Clear, Comfort, Thiên Long và hình bút có logo “TL” - đây là những sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.
Đại diện Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết: "Tổng số hàng bị tạm giữ là 10.340 sản phẩm, chủ hàng là bà Vi Thị T, địa chỉ ở xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đi cùng xe ô tô không xuất trình được bất kỳ giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa trên".
Căn cứ vào kết quả làm việc, đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Hà Giang tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để thẩm tra, xác minh, xác định hành vi vi phạm hành chính, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Xử lý 274 vụ vi phạm kinh doanh xăng dầu trong 7 tháng đầu năm 2024
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, 7 tháng đầu năm 2024, lực lượng này đã đã tiến hành kiểm tra 1355 vụ và phát hiện 274 vụ vi phạm kinh doanh xăng dầu.
Số tiền nộp ngân sách nhà nước trong 7 tháng là hơn 8,3 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định; Mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định.
7 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt một số thương nhân đầu mối như Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty Cổ phần Appollo Oil; Công ty TNHH Trung Linh Phát. 3 doanh nghiệp này trên vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Đến nay, cơ bản hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước diễn ra bình thường, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng; vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu giảm so với trước. Nguyên nhân là thời gian qua QLTT đồng loạt thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm; mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh xăng dầu hiện nay đủ sức răng đe nên đã phát huy tác dụng, đã góp phần hạn chế vi phạm trong hoạt động xăng dầu.