Trạm tin thị trường ngày 1/8: Cách phân biệt son MAC chính hãng đơn giản, chính xác
Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi “Trạm tin thị trường” của Báo Công Thương số ra ngày 1/8/2024. “Trạm tin thị trường” hôm nay gồm có những thông tin đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
-Cách phân biệt son MAC chính hãng đơn giản, đảm bảo chính xác
-Những loại giấy tờ mà lực lượng Quản lý thị trường phải xuất trình khi tiến hành kiểm tra doanh nghiệp
-Bộ Y tế cảnh báo thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả xuất hiện trên thị trường
-Mối nguy hại của bỉm Merries kém chất lượng
Tin 1: Cách phân biệt son MAC chính hãng đơn giản, đảm bảo chính xác
Son MAC không chỉ đa dạng về mẫu mã mà còn đảm bảo về chất lượng, xứng danh là 1 trong 3 thương hiệu high end hàng đầu thế giới. Cũng bởi lý do này, son MAC bị làm giả cực kỳ nhiều và tinh vi khiến cho khách hàng khó phát hiện. Dưới đây là một số cách phân biệt son MAC thật giả đơn giản, đảm bảo chính xác 100%.
Cách nhận biết son MAC thật giả khá đơn giản mà bạn có thể thực hiện là thông qua hộp đựng son. Nếu bạn để ý kỹ, chữ trên hộp son MAC thật sẽ có màu trắng sáng, nổi bật hơn so với chữ trên son giả. Trên phần vỏ son MAC giả, chữ sẽ có màu trắng ngà, tối màu, thậm chí là mờ hơn hẳn.
Son MAC bị làm giả cực kỳ nhiều và tinh vi khiến cho khách hàng khó phát hiện. Ảnh minh hoạ |
Ngoài ra, trên vỏ hộp của son MAC thật có một nhãn trong suốt với đầy đủ thông tin về tên son và màu son như "Petal Power", "Lovelorn". Còn trên những cây son MAC fake, các thông tin này được in trực tiếp trên hộp, những nội dung mang tính chất chung chung.
Mã vạch của mỗi cây son MAC được in bằng chất liệu giấy cao cấp, dán trực tiếp trên hộp nên khá khó bóc. Các mẫu mã vạch đều được sản xuất theo một khung tiêu chuẩn theo lô.
Đối với những cây son MAC real, vỏ son sẽ có màu đen nhám không phá bóng. Nắp son có được thiết kế với đường cong mềm mại, bo tròn ở phần đầu. Còn đối với son MAC fake, vỏ son trông khá bóng, đen nhạt hơn. Kích thước của những mẫu son MAC thật có độ cân đối giữa phần thân và nắp.
Trên phần thân của mỗi thỏi son MAC đều được in chìm logo màu bạc. Đặc biệt, chữ M và C trên son giả cao hơn và kéo rộng hơn so với son thật. Bạn có thể dùng tay cạy thử phần logo trên phần thân vỏ để nhận biết. Son giả được in hoặc dán nên khá dễ bị trôi khi bị tác động mạng.
Ở phần đáy của những thỏi son MAC chính hãng thường in đầy đủ thông tin về dòng son, tên thỏi son, mã số lô, thời gian sản xuất (nếu có). Các thông tin này được in, sắp xếp khá chỉn chu, thuận tiện cho khách hàng trong việc tra cứu thông tin. Ngược lại, những thỏi son MAC giả được in cẩu thả, trùng lặp về số lô…
Mã vạch của son môi sẽ được in trực tiếp trên vỏ ngoài hộp giấy. Bạn có thể dùng cách check mã vạch để kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ cây son mà mình đang sở hữu. Thông qua việc check mã vạch, bạn sẽ nắm được các thông tin về tên sản phẩm, nơi sản xuất, số seri sản phẩm,..
Giá của các dòng son MAC chính hãng dao động từ 490.000 đồng cho đến 990.000 đồng tùy vào từng loại son. Đối với những dòng son có mức giá rẻ bất ngờ trên thị trường thì tốt nhất bạn không nên mua để tránh "tiền mất, tật mang".
Tin 2: Những loại giấy tờ mà lực lượng Quản lý thị trường phải xuất trình khi tiến hành kiểm tra doanh nghiệp
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, quy định liên quan đến nội dung trên nằm ở Khoản 2 Điều 16 Thông tư 27/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về thực hiện quyết định kiểm tra.
Theo đó, khi bắt đầu tiến hành kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra phải tiến hành các thủ tục sau:
Đầu tiên, xuất trình Thẻ kiểm tra thị trường; công bố và giao quyết định kiểm tra cho cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra;
Tiếp đó, thông báo cho cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra về thành phần Đoàn kiểm tra và người chứng kiến (nếu có);
Sau đó, yêu cầu cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền và làm việc với Đoàn kiểm tra;
Trường hợp cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra không có mặt tại nơi kiểm tra thì Đoàn kiểm tra vẫn công bố quyết định kiểm tra và tiến hành việc kiểm tra trước sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã và người chứng kiến.
Như vậy, khi tiến hành kiểm tra doanh nghiệp, lực lượng Quản lý thị trường ngoài xuất trình quyết định kiểm tra thì Trưởng đoàn kiểm tra phải xuất trình thêm Thẻ kiểm tra thị trường.
Hi vọng, những thông tin trên sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc của quý bạn đọc. Nếu còn những thắc mắc liên quan, xin mời quý khán giả gửi nội dung câu hỏi đến Trạm tin thị trường, thông qua đường dây nóng của Báo Công Thương 0866.59.4498.
Tin 3: Bộ Y tế cảnh báo thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả xuất hiện trên thị trường
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc thuốc giả Cefixim 200, trong đó đề nghị phối hợp với các cơ quan điều tra, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm Cefixim 200 giả, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm…
Theo đó, Cục Quản lý Dược cho biết đã nhận được công văn gửi kèm Phiếu kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa báo cáo về việc mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nén bao phim CEFIXIM 200, số GĐKLH(giấy đăng ký lưu hành): VD-28887-18, số lô: 15030723, NSX: 030723, HD: 030725, nơi sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.
Mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa lấy tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Hưng Thịnh (tỉnh Thanh Hóa).
Mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính Cefixim theo tiêu chuẩn cơ sở.
Sau đó, Cục Quản lý Dược nhận được công văn của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương, gửi kèm Phiếu Kiểm nghiệm báo cáo về việc mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nén bao phim CEFIXIM 200, số GĐKLH: VD-28887-18, số lô: 28201123, NSX: 201123, HD: 201125, nơi sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.
Mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương lấy tại quầy thuốc tây Thanh Duy (tỉnh Bình Dương). Mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính Cefixim theo tiêu chuẩn cơ sở
Tiếp đó, ngày 23/7/2024, Công ty Cổ phần Dược Cửu Long cũng đã có công văn số 284/DCL báo cáo việc sản xuất các lô thuốc CEFIXIM 200 và dấu hiệu khác biệt giữa mẫu thuốc lưu tại công ty và mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa thu được trên thị trường.
Căn cứ trên những kết quả này, Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường phòng chống thuốc giả CEFIXIM 200.
Tin 4: Tạm giữ 400 mặt nạ chống độc có dấu hiệu nhập lậu
Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội vừa phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an huyện Thanh Trì kiểm tra, phát hiện vụ việc kinh doanh mặt nạ chống độc có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội về việc tăng cường kiểm tra các quy định pháp luật đối với phương tiện phòng cháy chữa cháy; ngày 29/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 7 đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an huyện Thanh Trì, đã kiểm tra một địa điểm trong khu công nghiệp Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Tại đây lực lượng chức năng đã phát hiện có 400 cái mặt nạ chống độc nhãn hiệu XINZHU BRAND XHZLC40 FIRE ESCAPE MASK, ngày sản xuất: 20/6/2024; hạn sử dụng: 20/6/2029, là hàng hóa do nước ngoài sản xuất (hàng hóa nhập khẩu) nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của hàng hóa.
Đội Quản lý thị trường số 7 đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.
Tin 5: Đồng Tháp: Phát hiện 5 cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu
Ngày 26/7/2024, Đội trưởng Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn, với tổng số tiền 30 triệu đồng và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định.
Trước đó, ngày 18 và ngày 19 tháng 7 năm 2024, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra 05 vụ kinh doanh phụ tùng xe mô tô, xe gắn máy đóng trên địa bàn thành phố Sa Đéc có dấu hiệu buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha đang được bảo hộ tại Việt Nam theo Công văn yêu cầu kiểm tra xử lý vi phạm của Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh đơn vị đại diện pháp lý tại Việt Nam của Công ty Honda Motor và Công ty Yamaha Motor.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện 90 sản phẩm phụ tùng xe gắn máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu HONDA và Hình, DREAM, YAMAHA và Hình đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Đội QLTT số 1 đã gửi Công văn đề nghị Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh, địa chỉ: Số 72/6A, đường Trần Quốc Toản, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh là đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của HONDA GIKEN KOGYO KABUSHIKI KAISHA (ALSO TRADING AS HONDA MOTOR CO., LTD) tại Việt Nam để xác nhận hàng hóa có phải hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam hay không. Kết quả: 90 sản phẩm phụ tùng xe gắn máy nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu HONDA và Hình, DREAM, YAMAHA và Hình đang được bảo hộ tại Việt Nam; tổng trị giá tang vật gần 03 triệu đồng.
Đội trưởng Đội QLTT số 1 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trên, với tổng số tiền 30 triệu đồng và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định.
Tin 6: Mối nguy hại của bỉm Merries kém chất lượng
Bỉm Merries nhái đang được bán tràn lan dưới nhiều hình thức mà mẹ cần biết. Hình thức phổ biến nhất mà ba mẹ thường xuyên gặp đó là bán tràn lan ở các chợ, tiệm tạp hóa thông dụng. Không phải là tiệm nào cũng bán phải hàng giả nhưng phần lớn họ sẽ nhập với số lượng lớn cùng với những loại bỉm khác từ một cơ sở sản xuất hàng giả để bán cho người tiêu dùng. Hàng giả sẽ giống khoảng 90% so với hàng thật nên rất khó để nhận biết được sự khác biệt này. Do vậy, ba mẹ cần là những người tiêu dùng thông thái để không mang những căn bệnh lạ đến cho con.
Hình thức thứ hai thường gặp là trên các trang thương mại điện tử, ví dụ như việc livestream bán bỉm trên facebook, những hội nhóm không uy tín giao dịch bỉm với giá siêu rẻ hay trên 1 số sàn như Shopee, Lazada,... không có sự kiểm định chặt chẽ, đang xen cả bỉm Merries giả và thật khiến nhiều ba mẹ không phân biệt được.
Theo chuyên gia da liễu, chất lượng của một miếng bỉm được đánh giá dựa trên các tiêu chí như nguyên vật liệu sản xuất, khả năng, tốc độ hút nước, giới hạn vi trùng không gây bệnh, giới hạn nấm mốc… Trẻ em có thể đối mặt 4 vấn đề rắc rối khi sử dụng bỉm kém chất lượng là: hăm tã, viêm da, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nấm bộ phận sinh dục. Bỉm Merries giá rẻ thông thường sẽ có những chất hóa học, chất tẩy trắng công nghiệp hoặc mực in không đảm bảo. Nếu bị nhiễm độc mực in, nhiễm độc hóa chất có trong bỉm thì có thể dẫn tới những tổn thương lớn hơn trên toàn thân mà 1 thời gian sau chúng ta mới phát hiện ra được, thậm chí có nguy cơ tử vong. Do vậy mà ba mẹ cần phải lựa chọn tã bỉm Merries có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo và uy tín để cho bé dùng.
Bên cạnh đó còn hàng nghìn các loại bệnh tật tiềm ẩn khi sử dụng phải bỉm Merries hàng giả, kém chất lượng cho bé. Vậy nên ba mẹ cần đầu tư thời gian tìm hiểu thêm những nguồn thông tin mua tã bỉm Merries thực sự uy tín để tránh gây hậu quả đáng tiếc.