Báo động khi các chiến thần “livestream” bán hàng giả
9 tháng năm 2024, liên tiếp các vụ việc người nổi tiếng livestream bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị phát hiện, trở thành thực trạng đáng báo động đối với người dùng thích mua sắm online. Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, 9 tháng năm 2024, lực lượng đã xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 35,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29,4 tỷ đồng liên quan đến vi phạm trên thương mại điện tử.
Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cũng kiểm tra điểm kinh doanh của một TikTok Shop có tên Hương Anh Food & Nest tại căn hộ số 2011 tầng 20 của một tòa chung cư trên địa bàn phường Hồng Hải, TP Hạ Long. |
Đầu tháng 10 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc được bán trên tài khoản TikTok Phan Thủy Tiên. Kênh TikTok này có tới gần 5 triệu lượt theo dõi, nhiều video hàng triệu lượt xem và chủ kênh thường xuyên tổ chức livestream bán hàng với doanh số rất lớn.
Ngay sau đó, TikToker Phan Thủy Tiên đã khóa bình luận trên trang TikTok. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kênh đã không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng chục ngàn sản phẩm nước hoa nói trên.
Trước đó, Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cũng kiểm tra điểm kinh doanh của một TikTok Shop có tên Hương Anh Food & Nest tại căn hộ số 2011 tầng 20 của một tòa chung cư trên địa bàn phường Hồng Hải, TP Hạ Long.
Kết quả kiểm tra cho thấy từ đầu tháng 8, TikTok Shop Hương Anh đã thu mua hơn 4.500 gói hạt mix và gần 1.000 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất để livestream bán trên TikTok kiếm lời. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ và tài liệu kèm theo.
Theo Tổng cục QLTT các đối tượng đã hết sức tinh vi trong việc cất giấu hàng hóa vi phạm. Những người này đã thuê một gian hàng phía sau trụ sở làm việc của một công ty để ngụy trang, nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng.
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, là hoạt động sử dụng các trang mạng xã hội để đăng bán với hình ảnh, chất lượng sản phẩm không như quảng cáo; địa điểm kinh doanh không rõ ràng khiến các cơ quan chức năng rất khó xác định.
Nhận định các hành vi vi phạm bán hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử, TS Đào Cẩm Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing - Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế cho rằng, những TikToker, Facebooker đều là những người biết xây dựng và sử dụng thương hiệu cá nhân thông minh.
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cá nhân để nhằm mục đích bán sản phẩm giả, kém chất lượng là vi phạm pháp luật, rủi ro cho khách hàng. Người cất công xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ tự tay đốt thương hiệu của mình. Đó là cách xây dựng thương hiệu cá nhân thiếu bền vững, "ăn xổi".
Để kiểm soát hành vi vi vi phạm này, TS Đào Cẩm Thủy cho rằng, các sàn thương mại điện tử cần có quy chế kiểm soát chất lượng hàng hóa thông qua bộ lọc, nếu lực lượng chức năng vào cuộc phải khóa ngay tài khoản vi phạm, tránh tình trạng sau khi bị xử phạt hành chính lại quay trở lại bán sản phẩm khác. Với người tiêu dùng, không nên chạy theo tâm lý đám đông, người bán hàng là người nổi tiếng nhưng chưa chắc sản phẩm của họ bán đã tốt vì vậy cần cân nhắc, tránh mua phải hàng kém chất lượng.