Trạm tin thị trường ngày 28/7: Sự thật về cái gọi là tapchidongy.net - chuyên trang Tạp chí Đông y
Sự thật về cái gọi là tapchidongy.net - chuyên trang Tạp chí Đông y
Cụ thể, truy cập vào website tapchidongy.net, người dùng internet dễ dàng quan sát thấy logo kèm theo dòng chữ được in đậm với cỡ chữ to "Tạp chí Đông y", cùng với đó là lời giới thiệu: “Tạp chí Đông y trực thuộc Viện Y dược cổ truyền dân tộc - Tradimec, kể từ khi thành lập cho đến nay không ngừng phát triển, nâng cao và hoàn thiện với mục đích cung cấp cho khách hàng những thông tin hữu ích, chính xác về lĩnh vực y học cổ truyền. Bạn đọc có thể tra cứu các thông tin liên quan như cơ sở y tế, bác sĩ y học cổ truyền, huyệt đạo, dược liệu, triệu chứng bệnh và cách điều trị,...”.
Nội dung các bài viết được đăng tải chủ yếu giới thiệu và quảng cáo cho các sản phẩm Đông y; cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm cả phòng khám đa khoa và các cơ sở điều trị thuốc Nam. Rất nhiều bài viết được website này đăng tải như một cơ quan báo chí: "Tạp chí Đông y nghiên cứu về cây thuốc Nam trong điều trị bệnh", "Nhà thuốc Đỗ Minh Đường TP. Hồ Chí Minh điều trị bệnh gì? Có uy tín không?"...
Cách giới thiệu, tên miền và những hoạt động như trên đã khiến nhiều người lầm tưởng website này là một cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, website này khẳng định: Tạp chí Đông Y chia sẻ những bài viết chuyên sâu, nghiên cứu mới nhất về các phương pháp điều trị tự nhiên và bảo vệ sức khỏe. Tạp chí Đông y cam kết đưa đến độc giả những kiến thức bổ ích, giúp họ hiểu rõ hơn về tri thức y học dân gian và áp dụng hiệu quả trong cuộc sống hằng ngày.
Thế nhưng trên thực tế, website này đã đăng tải bài viết quảng cáo sản phẩm mà không đưa ra thông tin rõ ràng để người tiêu dùng hiểu và nhận biết công dụng sản phẩm. Trong bài viết “Huyết Mạch Khang giúp hạ mỡ máu có tốt không? Giá bao nhiêu?” có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Huyết Mạch Khang. Tuy nhiên, bài viết không hề đưa ra thông tin rõ ràng với người tiêu dùng rằng sản phẩm này chỉ là thực phẩm chức năng, sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh…
Tra cứu trên Hệ thống thông tin tra cứu tên miền của Bộ Thông tin và truyền thông thì đây là một website với tên miền quốc tế, không được cấp và quản lý bởi các tổ chức đăng ký tên miền tại Việt Nam.
Để làm rõ thêm thông tin về website tapchidongy.net, phóng viên đã liên hệ theo số điện thoại hotline đăng ký trên website thì được một nhân viên cho biết: "Bên em chỉ có trang website về Đông y, không phải là tạp chí..."
Tiếp tục tìm hiểu về website vienyduocdantoc.com của Viện Y dược cổ truyền dân tộc - Tradimec phóng viên ghi nhận, theo thông tin tra cứu từ Hệ thống thông tin tra cứu tên miền của Bộ Thông tin và Truyền thông thì tên miền này được đăng ký và quản lý bởi Công ty Cổ phần Mắt Bão; ngày hết hạn là 28/6/2023. Hiện website này vẫn đang hoạt động.
Việc website tapchidongy.net có tên miền, cách thức vận hành như trên có thể khiến nhiều người lầm tưởng đây là một cơ quan báo chí. Vấn đề trên cần được các cơ quan chức năng kiểm tra và làm rõ; bên cạnh đó cần xác định vai trò và trách nhiệm của cơ quan chủ quản.
Phẫn nộ 'Boss mỹ phẩm' tự tổ chức đám ma, nằm trong quan tài để trải nghiệm
Mới đây, tài khoản facebook“Hiền Nguyễn” với hơn 27.000 lượt theo dõi, tự giới thiệu là “Chủ tịch sáng lập công ty mỹ phẩm Nusee Group” đã đăng tải những dòng trạng thái và hình ảnh về chính đám ma của mình.
“Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ở cái độ tuổi còn mơ mộng, tôi luôn tưởng tượng về cái chết, và khi đó tôi rất sợ sẽ có ngày mình phải chết. Ngày đó, tôi luôn cho rằng cuộc sống phồn hoa này nó đẹp đẽ như vậy, tại sao sẽ có ngày tôi phải nằm dưới nấm mồ sâu cô đơn, hiu quạnh. Và thế là ở cái thời còn ăn bám cha mẹ, lúc nào tôi cũng sợ chết”, Facebooker Hiền Nguyễn viết.
Cô gái cũng cho biết đã tự tay chuẩn bị đám ma của mình, nằm trong quan tài trải nghiệm cái chết.
“Tôi đã tự tay chuẩn bị đám tang của mình, tôi nằm trong quan tài trải nghiệm cái chết. Xung quanh tôi anh em và gia đình gào thét thảm thiết, khói hương nghi ngút, tiếng kèn trống vang vọng ai oán từng hồi. Còn tôi, nằm trong quan tài thật thư thái và thoải mái”.
Phẫn nộ hơn, cô gái này còn lợi dụng việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời để câu like và truyền bá những tư tưởng lệch lạc.
Đáng nói, phía dưới những bức ảnh của cô gái trên có hàng chục người tự nhận là nhân viên của công ty đó bày tỏ sự cảm phục, hùa theo…
Trước hành động trên, nhiều cư dân mạng bày tỏ sự phẫn nộ cho rằng, cần phải nghiêm trị hành vi trên.
Cư dân mạng cho rằng đây là trò lố lăng, mục đích câu view, câu like, để được nổi tiếng của những người tự nhận là “Boss mỹ phẩm”.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nusee - Nusee Group (MST: 0110271450, số 46 Trần Tử Bình, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội), người đại diện là ông Vũ Ngọc Tiến.
Trước đó, hồi 2023, công ty này từng bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt 45 triệu đồng, đồng thời buộc tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm do xác định doanh nghiệp này có hành vi thực hiện quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh, nghiêm trị những hành vi lệch lạc, cố tình dùng việc đau buồn của cả dân tộc, bất chấp câu view, câu like như trên.
Phân biệt phụ tùng Honda chính hãng và hàng giả
Phụ tùng chính hãng logo Honda in chìm, phản quang. Nhãn phụ tùng giả logo honda in mờ không phản quang.
Phụ tùng chính hãng nhãn sản phẩm gồm các thông số: ngày sản xuất, logo honda, mã phụ tùng, tên phụ tùng, tên địa chỉ công ty Honda Việt Nam, số lượng, mã vạch, thông số kỹ thuật.
Phụ tùng giả nhãn sản phẩm sử dụng sai font chữ (không phải font chữ độc quyền của Honda), thông tin địa chỉ thiếu hoặc không chính xác.
Một số phụ tùng giả nhãn hiệu honda trên thị trường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và tính mạng của khách hàng như: má phanh, đĩa phanh, dây phanh, dây cu roa, mặt nạ, lọc gió, xích cam, vòng bi.
Quy định về việc lập hồ sơ vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, các quy định liên quan đến nội dung trên nằm tại Khoản 3 Điều 26 Thông tư 27/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương. Theo đó:
- Hồ sơ vụ việc phải có bìa hồ sơ được thiết kế, in theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9251:2012 về bìa hồ sơ lưu trữ và được lưu trữ theo quy định. Công chức được giao nhiệm vụ có trách nhiệm ghi đầy đủ, chi tiết nội dung các mục đã in trên bìa hồ sơ;
- Các tài liệu có trong hồ sơ vụ việc phải được sắp xếp, đánh số bút lục và liệt kê đầy đủ vào bảng danh mục in trên bìa hoặc nhãn hồ sơ. Công chức được giao nhiệm vụ phải liệt kê, đánh bút lục và sắp xếp tài liệu theo thứ tự bắt đầu từ bút lục số 01 cho đến bút lục cuối cùng;
- Các bút lục được đánh số theo phương pháp tịnh tiến tăng dần về số và theo thứ tự từng tờ tài liệu có trong hồ sơ. Bút lục được đánh số một lần. Số bút lục được đánh vào góc phải, phía trên, mặt trước của từng tờ tài liệu. Mỗi tờ tài liệu được đánh một số bút lục. Việc đánh số bút lục được thực hiện theo trình tự thời gian tiếp nhận. Trường hợp tại một thời điểm tiếp nhận nhiều tài liệu thì đánh số bút lục theo thứ tự thời gian ban hành tài liệu.
Bắc Giang: Chuyển cơ quan điều tra vụ 24.000 sản phẩm giả các nhãn hiệu Gucci, Hermes, Louis Vuitton
Ngày 25/7, thông tin từ Tổng Cục quản lý thị trường cho biết, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang đã chuyển cơ quan điều tra vụ việc phát hiện gần 24.000 sản phẩm hàng hoá vi phạm, trị giá trên 1,4 tỷ đồng.
Theo đó, ngày 22/6, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng Công an huyện Lục Ngạn và Công an tỉnh tiến hành khám kho hàng của bà Phan Thị Ngọc Anh, địa chỉ: Số 931 tổ dân phố Dốc Đồn, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Kết quả khám, Đoàn kiểm tra đã phát hiện trong kho đang cất giấu số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm khám, đại diện chủ kho hàng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ gì liên quan đến số hàng hóa này. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hoá trên theo quy định. Qua quá trình thẩm tra, xác minh, làm việc đã xác định ông Đoàn Trắc Luật, địa chỉ: Tổ dân phố Lê Hồng Phong, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là chủ của số hàng hóa vi phạm.
Cụ thể, qua kiểm đếm có 23.405 đơn vị sản phẩm hàng hoá là quần, áo, giầy, dép, túi, mũ... giả mạo nhãn hiệu Adidas, Burberry, Calvin Klein, D&G, Gucci, Hermes, Lacoste, Louis Vuitton, Nike...; tổng trị giá của số hàng hoá vi phạm này trên 1,4 tỷ đồng. Có 490 đơn vị sản phẩm hàng hóa là quần, áo phông, dép không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tổng trị giá của số hàng hoá vi phạm này gần 39 triệu đồng.
Do vụ việc vi phạm có số lượng và trị giá hàng hoá lớn, có dấu hiệu tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; Đội Quản lý thị trường số 5 thực hiện chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc, tang vật vi phạm đến Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang để điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Thanh Hóa: Phát hiện, tạm giữ hơn 2.800 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike và Adidas
Ngày 24/7, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong hai ngày 19 và 22/7/2024, Đội QLTT số 10 phối hợp với phòng PC03 Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra hai cửa hàng kinh doanh có địa chỉ tại số 134 -136 Lê Quý Đôn, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa do bà Lê Thị Minh chủ cửa hàng và số 44 Lê Quý Đôn, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa do bà Bùi Thị Thu Hương làm chủ cửa hàng.
Tại 2 cửa hàng, Đoàn kiểm tra đã phát hiện tổng cộng 2.811 sản phẩm gồm quần áo thể thao và giầy thể thao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike và Adidas.
Toàn bộ số hàng hóa trên đã bị đoàn kiểm tra tạm giữ để xử lý theo quy định
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Huy Bình, Đội trưởng Đội QLTT số 10 cho biết: "Thời gian tới, Đội QLTT số 10 sẽ phối hợp với Phòng PC03, tiếp tục kiểm tra đột xuất các cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Thanh Hóa để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh như giả mạo nhãn hiệu, hàng giả, hàng nhái... để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người tiêu dùng".
Hà Giang: Tiêu hủy gần 500 sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu GUCCI, DIOR, CHANEL
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang, thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường; ngày 25/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 giám sát tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam: HONDA, YAMAHA, NIKE, GUCCI, DIOR, CHANEL với số lượng 442 sản phẩm, tổng trị giá 10.480.000 đồng.
Số hàng hóa vi phạm được thực hiện tiêu hủy đợt này thuộc 03 quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang và Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 17.250.000 đồng.
Trong số 442 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm bị buộc tiêu hủy lần này chủ yếu là đồ đi chân với 401 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu (cụ thể: 250 đôi tất chân hiệu gắn nhãn hiệu NIKE; 22 đôi dép hiệu gắn nhãn hiệu CHANEL; 5 đôi dép nữ hiệu gắn nhãn hiệu DIOR; 20 đôi dép nữ hiệu gắn nhãn hiệu GUCCI; 104 đôi dép nam hiệu gắn nhãn hiệu được bảo hộ gồm 3 dải màu xanh, đỏ, xanh xếp liền kề và song song với nhau); 41 đơn vị sản phẩm là phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền nhãn hiệu HONDA, YAMAHA (cụ thể: 34 sản phẩm tay biên xe máy; 02 sản phẩm mặt nạ xe máy; 05 mặt đồng hồ tốc độ xe máy).
Phương thức tiêu hủy được áp dụng là sửa dụng búa đập vỡ toàn bộ tang vật là phụ tùng xe máy; dùng kéo, dao cắt toàn bộ tang vật là đồ đi chân theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình tiêu hủy được lực lượng Quản lý thị trường giám sát chặt chẽ theo đúng quy định.