Trạm tin thị trường ngày 25/7: Ma trận "đồng hồ chính hãng" siêu rẻ: Nguy cơ bỏ tiền thật, nhận hàng giả
Tin 1: Ma trận “đồng hồ chính hãng” giá siêu rẻ: Nguy cơ tiền mất, tật mang
Theo số liệu từ một đơn vị thẩm định đồng hồ uy tín, trong số 20.000 chiếc đồng hồ được kiểm tra, có đến 8.600 chiếc là hàng giả, chiếm tỷ lệ đáng kinh ngạc là 43%. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên thị trường đồng hồ trong nước, khi kết quả khảo sát cho thấy 80-90% đồng hồ lưu hành là hàng nhái và tràn lan ở khắp mọi ngóc ngách.
Trên thực tế, một số cửa hàng bán đồng hồ trên mạng xã hội hoặc trên các sàn thương mại điện tử thường rao bán những chiếc đồng hồ hàng hiệu chính hãng với mức giá hấp dẫn, rẻ hơn nhiều so với giá bán tại cửa hàng chính thức.
Chẳng hạn chiếc đồng hồ Rolex Datejust chính hãng có giá từ 300-600 triệu đồng nhưng trên các sàn thương mại điện tử hay trên mạng xã hội mỗi shop lại đưa ra các mức giá khác nhau. Tuy nhiên, mức giá mà người bán hàng đưa ra cũng không hề rẻ, khoảng 100-150 triệu đồng/chiếc.
Bên cạnh đó, chất lượng của những chiếc đồng hồ này thường không được kiểm chứng, nhiều sản phẩm được làm từ vật liệu kém chất lượng, tuổi thọ thấp và không có chế độ bảo hành như hàng chính hãng.
Thực trạng đồng hồ giả, hàng nhái tràn lan trên mạng xã hội là một vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng. Việc mua phải hàng giả, hàng nhái không chỉ khiến người dùng mất tiền oan mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và uy tín cá nhân.
Những người bán đồng hồ giả, hàng nhái không chỉ vi phạm pháp luật mà còn phá hoại thị trường, gây mất lòng tin cho người tiêu dùng. Các nhãn hiệu đồng hồ chính hãng cũng phải chịu thiệt hại lớn về doanh thu và uy tín khi những sản phẩm giả mạo được bán tràn lan.
Do đó, người tiêu dùng cần trở thành những người mua hàng thông thái, biết cách phân biệt thật giả và chỉ ủng hộ những sản phẩm chính hãng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Chỉ khi cả người tiêu dùng và cơ quan chức năng cùng vào cuộc, chúng ta mới có thể xóa bỏ được tình trạng ma trận đồng hồ thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tin 2: Cách phân biệt kem chống nắng La Roche Posay chính hãng
Trong số các thương hiệu kem chống nắng hàng đầu thì La Roche Posay được nhiều người đánh giá cao bởi hiệu quả bảo vệ da mạnh mẽ và công thức lành tính. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến nguy cơ về sự xuất hiện của các sản phẩm giả mạo, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Phân biệt kem chống nắng La Roche Posay thật giả đòi hỏi người tiêu dùng phải tìm hiểu và nắm rõ thật kỹ các dấu hiệu.
Tuýp kem, bao bì: Tuýp kem chống nắng chính hãng có màu sắc đặc trưng với chữ in đậm, rõ ràng và dễ đọc. Bao bì và vỏ chai giữ nguyên hình dáng, logo và các chi tiết thiết kế chính xác.
Ngược lại, những sản phẩm giả thường lộ rõ dấu hiệu của sự thiếu sót với thông tin mờ nhạt, bảng thành phần chứa lỗi chính tả, hình thức bao bì không mấy chỉn chu và dễ bị bóp méo.
Kết cấu kem: Chất kem thật có kết cấu mịn màng, dễ dàng thẩm thấu vào da mà không để lại cảm giác bết dính, đồng thời có mùi hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu.
Chất kem giả thường khiến người dùng khó chịu vì quá đặc hoặc quá lỏng, độ bám dính cao, khó thẩm thấu và tỏa mùi hương khó chịu.
Mã vạch: Một công cụ không thể thiếu trong việc nhận biết kem chống nắng La Roche Posay thật giả là ứng dụng quét mã vạch.
Nếu kiểm tra mã vạch mà không cho ra bất kỳ thông tin gì về sản phẩm thì có thể đó là kem chống nắng giả, kém chất lượng.
Giá bán: Sản phẩm chính hãng thường có giá niêm yết ổn định tại các cửa hàng uy tín, không chênh lệch quá lớn. Vì vậy, hãy cảnh giác với những lời chào mời sản phẩm có giá “quá hời” vì đó có thể là hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hy vọng bài viết đã trang bị cho bạn đầy đủ kiến thức đúng đắn về kem chống nắng La Roche Posay, từ đó bảo vệ làn da hiệu quả và tránh được những rủi ro khi mua phải hàng giả, hàng nhái. Hãy luôn kiểm tra kỹ lưỡng thông tin và chọn mua sản phẩm tại những địa chỉ uy tín để đảm bảo sức khỏe và vẻ đẹp của làn da.
Tin 3: Thẩm quyền thu, giữ thẻ kiểm tra thị trường được quy định thế nào?
Ngày 08/10/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BCT quy định về Thẻ kiểm tra thị trường. Theo đó, quy định mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp lần đầu, cấp lại, thu hồi, tạm đình chỉ sử dụng Thẻ kiểm tra thị trường (sau đây gọi là Thẻ).
Nguyên tắc quản lý và sử dụng Thẻ được quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BCT như sau:
1. Thẻ được công chức Quản lý thị trường sử dụng để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong phạm vi quy định của Điều 12 và Điều 17 Pháp lệnh Quản lý thị trường theo địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công.
2. Công chức Quản lý thị trường được cấp Thẻ có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn Thẻ được cấp; không được tẩy, xóa, sửa chữa Thẻ; không được sử dụng Thẻ nhằm mục đích vụ lợi cá nhân hoặc đe dọa, gây cản trở hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân; trường hợp bị mất phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp.
3. Nghiêm cấm công chức Quản lý thị trường, các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, làm giả, mượn, cho mượn, cầm cố, thế chấp, sử dụng trái phép Thẻ.
4. Công chức Quản lý thị trường không có Thẻ hoặc trong thời gian bị thu hồi hoặc bị tạm đình chỉ sử dụng Thẻ không được ban hành quyết định kiểm tra và thực hiện hoạt động kiểm tra thị trường.
5. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, quản lý việc sử dụng Thẻ đối với công chức thuộc đơn vị mình. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi, quản lý việc sử dụng Thẻ đối với công chức thuộc các đơn vị khác trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.
6. Trường hợp từ thời điểm cấp Thẻ tới thời điểm công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo chế độ không đủ 05 năm, Thẻ được cấp có thời hạn sử dụng tới ngày công chức nghi hưu theo chế độ.
7. Thẻ đã cấp lần đầu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Pháp lệnh Quản lý thị trường được sử dụng theo thời hạn ghi trên Thẻ trong trường hợp công chức được cấp Thẻ tiếp tục giữ chức vụ là người đứng đầu cơ quan Quản lý thị trường có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra.
8. Tổng cục Quản lý thị trường lưu trữ hồ sơ cấp Thẻ và bản photo đối với Thẻ được cấp (bao gồm cả cấp lần đầu và cấp lại). Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường lưu trữ bản photo Thẻ được cấp cho công chức của đơn vị mình (bao gồm cả cấp lần đầu và cấp lại).
9. Kinh phí làm Thẻ do Nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Thông tư số 33/2018/TT-BCT này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/11/2018; đồng thời thay thế Thông tư số 18/2016/TT-BCT ngày 31/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thẻ kiểm tra thị trường và sửa đổi, bổ sung nội dung một số mẫu biên bản, quyết định sử dụng trong hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Thông tư số 33/2018/TT-BCT có hiệu lực thi hành, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường phải gửi hồ sơ đề nghị cấp lại Thẻ theo mẫu mới quy định tại Thông tư này đối với công chức thuộc đơn vị mình quản lý về Tổng cục Quản lý thị trường.
Người có thẩm quyền cấp Thẻ phải thực hiện xong việc cấp lại Thẻ theo mẫu mới trước ngày 30/12/2019. Trong thời gian chờ cấp lại Thẻ theo mẫu mới, Thẻ đã cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên Thẻ nhưng không quá ngày 30/12/2019 và phải được thu hồi theo quy định.
Tin 4: Doanh nghiệp phân bón bị xử phạt 1,3 tỷ đồng
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CSMT) – Bộ Công an vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) số tiền hơn 1,3 tỷ đồng về hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón không đảm bảo chất lượng.
Theo quyết định, Công ty bị xử phạt do có các hành vi vi phạm: Sản xuất 14 lô phân hỗn hợp NPK có hàm lượng Silic hữu hiệu không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón (QCVN 01-189:2019/BNNPTNT). Với hành vi này, công ty đã bị xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng.
Thêm đó, xử phạt gần 158 triệu đồng do có hành vi đã tiêu thụ từ 3 lô phân bón hỗn hợp NPK có hàm lượng Silic hữu hiệu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tại Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Nam Hằng (Thanh Hoá).
Ngoài phạt tiền, Cục CSMT buộc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông thay đổi mục đích sử dụng đối với 14 lô phân bón hỗn hợp NPK với số lượng đã sản xuất là 525,575 tấn tại Nhà máy dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông 3 thuộc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông.
Đồng thời, thu hồi, thay đổi mục đích sử dụng với 9,6 tấn phân bón.
Tin 5: Gia Lai: Xử phạt 40,5 triệu đồng tại nhiều cơ sở kinh doanh dược ở huyện Chư Pưh
Trên địa bàn huyện Chư Pưh đã được Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai phê duyệt 10 cơ sở kinh doanh dược. Qua kiểm tra 10 cơ sở phát hiện 08 cơ sở kinh doanh dược vi phạm các hành vi như sau: không niêm yết công khai giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở; không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật; để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm thực phẩm chức năng theo quy định.
Đoàn kiểm tra đã hoàn thiện hồ sơ và đề xuất Đội trưởng Đội Quản lý thị trương số 4 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 40.500.000 đồng.
Trong thời gian tới Đội Quản lý thị trường số 4 tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, từ đó kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm và đề xuất xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dược trên địa bàn quản lý.
Tin 6: TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường tạm giữ gần 1.700 đơn vị sản phẩm vàng vi phạm
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện 196 vụ vi phạm trong kinh doanh vàng trên địa bàn và đã tạm giữ 1.657 đơn vị sản phẩm
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý thị trường Ủy UBND TP. Hồ Chí Minh về việc thực hiện các giải pháp và tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ các đối tượng có liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm.
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt kiểm tra chuyên ngành về vàng trang sức từ đầu năm đến 15/7/2024, đơn vị đã kiểm tra phát hiện 196 vụ vi phạm, tạm giữ 1.657 đơn vị sản phẩm vàng trang sức các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền... không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu với tổng giá trị hơn 14,2 tỷ đồng.
Đồng thời, xử phạt hành chính với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình xác minh, xử lý, trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hóa đơn chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ tịch thu theo quy định.
Tin 7: "Hết hồn" với giá 1 múi sầu riêng hơn 200.000 đồng ở siêu thị
Vừa qua, một tài khoản Facebook có 9.000 người theo dõi đăng tải bài viết về việc người này vào siêu thị ở quận 1, TP.Hồ Chí Minh ghé quầy sầu riêng định mua nhưng "hết hồn" vì bảng giá.
Theo đó, 1 hộp sầu riêng 3 múi - gồm 1 múi to và 2 múi lép - có giá đến 250.000 đồng. Người này dẫn chứng giá sầu riêng tại Trung Quốc với 3 múi cỡ lớn có giá quy đổi chỉ 177.000 đồng rồi đăng dòng trạng thái thắc mắc: Tại sao nơi sản xuất sầu riêng lại bán giá đắt hơn nhiều lần với nơi nhập khẩu sầu riêng?
Sau 2 ngày, bài viết có nhiều lượt chia sẻ và bình luận, bao gồm cả đồng tình lẫn phản đối. Có người cho rằng siêu thị bán giá cao nhưng cũng có người phân tích các yếu tố như: giống, chất lượng, trọng lượng, để có giá khác nhau. Có tài khoản từ Trung Quốc thì nói vừa mua 1 quả sầu riêng 3 kg giá quy đổi đến 630.000 đồng.
Lý giải về mức giá trên, ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc Marketing hệ thống cửa hàng Farmers, cho rằng "tiền nào của nấy". Dù giá cao, những sản phẩm này vẫn thuộc danh mục bán chạy.
Theo ông Lộc, với sầu riêng Ri 6, tùy vùng trồng mà giá bán khác nhau, thường trồng tại miền Tây giá cao hơn miền Đông, Tây Nguyên và tùy chất lượng từng vùng, giá cũng khác nhau. Các nhà cung cấp sầu riêng vào hệ thống phải "bao ăn" toàn bộ để khách hàng chi trả giá cao mua được sản phẩm ngon, hài lòng và quay lại.
Ngoài các cửa hàng, siêu thị, tại TP.Hồ Chí Minh còn nhiều điểm bán sầu riêng, kể cả hàng rong, vỉa hè với nhiều mức giá khác nhau, phổ biến từ 80.000 – 100.000 đồng/kg loại nguyên trái, người tiêu dùng không rành rất khó phân biệt.
Do đó, người tiêu dùng cần lựa chọn kĩ càng để mua sầu riêng với mức giá phù hợp nhất.