Trạm tin thị trường ngày 5/10: TikToker livestream bán hàng giả có thể bị phạt tù tới 15 năm
Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi “Trạm tin thị trường” của Báo Công Thương. “Trạm tin thị trường” hôm nay gồm có những thông tin đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
TikToker livestream bán hàng giả có thể bị phạt tù tới 15 năm;
Nhận diện bồn nước Sơn Hà chính hãng;
Nghi vấn trang Facebook MT Diamond & Jewelry quảng cáo, bán vàng giả thương hiệu.
TikToker livestream bán hàng giả có thể bị phạt tù tới 15 năm
Như Báo Công Thương đã đưa tin, ngày 3/10, Đoàn kiểm tra của Tổ Thương mại điện tử, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã kiểm tra đột xuất tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green trên đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội và tạm giữ trên 10.000 chai nước hoa.
Sau quá trình kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ trên 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu |
Địa điểm này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Zenpali, do ông Công Văn Trung làm Tổng Giám đốc. Những chai nước hoa bị tạm giữ với các nhãn hiệu các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook.
Trước đó, cuối năm 2023, tài khoản Facebook Mailystyle.com có hàng trăm nghìn lượt thích và theo dõi của Nguyễn Hoàng Mai Ly - một hot girl bán hàng online nổi tiếng trên nhiều nền tảng mạng xã hội, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sản phẩm vi phạm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Về chế tài đối với việc livestream (hay còn gọi là phát trực tiếp) bán hàng giả, hàng kém chất lượng với số lượng lớn trên Facebook, Tiktok, luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội - cho rằng, thời gian qua, không ít các hot girl với hàng triệu người thích và theo dõi trên mạng tổ chức các buổi livestream bán hàng từ giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm… đến thực phẩm chức năng diễn ra rất phổ biến. Mặc dù người bán luôn khẳng định hàng bán ra là hàng thật, hàng xịn nhưng thực tế lại là sản phẩm giả, nhái, hàng kém chất lượng, gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng.
Cũng theo luật sư, pháp luật hiện hành quy định, buôn bán hàng giả là hành vi trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả, cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định 85/2021/NĐ-CP nêu rõ, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đó là: Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; Gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật…Nếu sàn giao dịch thương mại điện tử vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 10-40 triệu đồng.
Với người bán hàng vi phạm, tùy tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng/hành vi theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù. Pháp nhân thương mại phạm tội này thì có thể bị phạt tiền lên đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn – luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.
Nhận diện bồn nước Sơn Hà chính hãng
Đặc điểm nhận diện thứ nhất, Logo Sơn Hà trên bồn nước
- Logo bồn nước Sơn Hà chính hãng được sơn trực tiếp lên thân bồn, đồng thời dập nổi tại đầu, đáy bồn và nắp bịt. Logo Sơn Hà không bị tróc sơn và có tính thẩm mỹ cao.
- Trên sản phẩm giả, kém chất lượng, Logo có màu mờ nhạt, sơn bằng loại sơn kém chất lượng, dễ bị bong tróc. Trên sản phẩm giả không có logo dập nổi ở trên thân bồn nước.
Đặc điểm nhận diện thứ hai về chất liệu làm bồn nước
- Sản phẩm chính hãng được làm từ chất liệu inox 304, giúp bề mặt bồn luôn sáng bóng, không bị xây xát từ các tác động bên ngoài.
- Đối với sản phẩm giả, bồn nước làm bằng các loại thép rẻ tiền, kém chất lượng có thể hút được nam châm. Sản phẩm dễ bị trầy xước, móp mép trong quá trình vận chuyển, lắp đặt. Bề mặt bồn không được sáng bóng, giống như hàng cũ đã qua sử dụng.
Đặc điểm nhận diện thứ ba, thân bồn nước
- Sản phẩm chính hãng, các lốc gân kép của bồn được phân bố đều trên thân, có tác dụng nâng cao độ cứng vững, giúp kéo dài tuổi thọ.
Trong khi đó,trên sản phẩm giả, các lốc gân kép của bồn được bố trí không đều, móp méo.
Hi vọng, với những đặc điểm nhận diện trên đây, người tiêu dùng sẽ có thêm kiến thức trong việc nhận diện, phân biệt hàng thật hàng giả, từ đó bảo vệ quyền lợi của chính mình và gia đình.
Xác định dấu hiệu nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Trạm tin thị trường số ngày hôm nay nhận được câu hỏi của độc giả về nội dung để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không cần xác minh những gì?
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, Khoản 3 Điều 77 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định, để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:
- Một là, dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ.
Trong đó:
+ Một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo và cách thức thể hiện;
+ Một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số thành phần hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc đối với dấu hiệu nhìn thấy được, nhạc điệu, âm điệu đối với dấu hiệu âm thanh và việc sử dụng dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Hai là, hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ; hoặc có mối liên quan với nhau về bản chất hoặc chức năng hoặc phương thức thực hiện.
Riêng đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu:
- Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều 77;
- Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều này hoặc hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Hi vọng, những thông tin trên sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc của quý bạn đọc. Nếu còn những thắc mắc liên quan, xin mời quý khán giả gửi nội dung câu hỏi đến Trạm tin thị trường, thông qua đường dây nóng của Báo Công Thương 0866.59.4498.
Nghi vấn trang Facebook MT Diamond & Jewelry quảng cáo, bán vàng giả thương hiệu
Những ngày qua, hộp thư bạn đọc Báo Công Thương liên tục nhận được những thông tin phản ánh liên quan đến Công ty Quản lý bay miền Bắc, Công ty TNHH Bằng Giang, chung cư Helios...
Theo Công ty TNHH Thương mại Vật tư tổng hợp Cường An, năm 2014, công ty ký hợp đồng cung cấp vật liệu với Công ty TNHH Bằng Giang (địa chỉ phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) để cung cấp vật liệu xây dựng khách sạn Bằng Giang tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Do Công ty TNHH Bằng Giang không thực hiện nghĩa vụ trả nợ tiền mua vật liệu xây dựng nên Công ty TNHH Thương mại Vật tư tổng hợp Cường An đã khởi kiện. Ngày 11/9/2017, TAND quận Thanh Xuân đã ra Bản án số 12/2017/KDTM-ST buộc Công ty TNHH Bằng Giang phải trả cho Công ty TNHH Thương mại Vật tư tổng hợp Cường An số tiền 3.010.472.271 đồng.
Ngày 16/1/2019, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sầm Sơn ban hành Quyết định số 176/QĐ-THADS về việc thi hành bản án dân sự nêu trên. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay Công ty TNHH Bằng Giang vẫn chưa trả cho Công ty TNHH Thương mại Vật tư tổng hợp Cường An số tiền nói trên... Đại diện Công ty TNHH Thương mại Vật tư tổng hợp Cường An cho rằng việc chậm trễ thi hành án có phần trách nhiệm, thiếu tích cực trong thực thi của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sầm Sơn.
Tương tự, Báo Công Thương cũng nhận được phản ánh về thực trạng trang facebook MT Diamond & Jewelry quảng cáo và bán các sản phẩm trang sức bằng vàng giả mạo các thương hiệu Cartier, BVLGari.
Nhân viên trang facebook này giới thiệu các sản phẩm giả mạo thương hiệu được làm từ vàng 18k, nhập khẩu từ Hồng Kông; sản phẩm chuẩn 99% so với hàng chính hãng từ chất liệu, thông số, mẫu mã. Trang facebook này cũng công khai địa chỉ cửa hàng tại số nhà 210 , phố Trung Kính, Yên Hoà, TP Hà Nội.
Liên quan đến những phản từ bạn đọc, Báo Công Thương sẽ tìm hiểu, làm rõ phản ánh của bạn đọc về các vụ việc nêu trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về Ban Bạn đọc – Báo Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội; đường dây nóng: 0866.59.4498; email: [email protected].
Quảng Bình: Tạm giữ 82 xe đạp, xe máy điện không rõ nguồn gốc
Ngày 2/10, trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa phận thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng CSGT, công an tỉnh Quảng Bình đón dừng phương tiện là xe ô tô tải mang biển kiểm soát số 89C-048.08 do ông Vũ Văn Chiến, có địa chỉ tại xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam điều khiển đang lưu thông theo hướng từ Bắc vào Nam để tiến hành kiểm tra hàng hóa vận chuyển trên xe có dấu hiệu vi phạm.
Chiều cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành khám phương tiện nêu trên, phát hiện trên xe có vận chuyển số hàng hóa gồm 67 chiếc xe gắn máy hai bánh điện và 15 chiếc xe đạp điện các loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa tại thời điểm kiểm tra.
Toàn bộ 82 chiếc xe gắn máy hai bánh điện và xe đạp điện nêu trên đều không có bình Ắc quy, không có thông tin cũng như giấy tờ, tài liệu kèm theo chứng minh từng chiếc xe này đã được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Đội Quản lý thị trường số 2 đã tạm giữ toàn bộ tang vật để xác minh, xử lý vụ việc theo quy định. Trị giá tang vật tạm giữ ước tính 320.000.000 đồng.