Trạm tin thị trường ngày 20/10: ‘Bóc trần’ sự thật những phiên livestream bán hàng mang thương hiệu Lancome, Chanel, M.A.C, Gucci
Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi “Trạm tin thị trường” của Báo Công Thương. “Trạm tin thị trường” hôm nay gồm có những thông tin đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
‘Bóc trần’ sự thật trong những phiên livestream bán hàng hiệu: Chiêu trò thật giả lẫn lộn
Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, người mua hàng cũng cần nâng cao cảnh giác, mua sắm tại các cửa hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh vô tình tiếp tay cho đường đi của hàng giả. (Ảnh minh họa) |
Thời gian qua, trên nền tảng tiktok đã và đang bùng nổ những phiên livestream bán mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp của các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường Việt Nam. Nhưng lạ là, nhiều phiên live chỉ diễn ra vào lúc nửa đêm và trong phiên live, chủ kênh cam kết nước hoa, son phấn, mỹ phẩm gắn thương hiệu Lancome, Chanel, M.A.C; Gucci được giới thiệu chính hãng nhưng khi người tiêu dùng nhận hàng về tay lại có dấu hiệu là hàng kém chất lượng.
Để hút mắt xem, các chủ kênh thường quảng cáo, chào khách bằng những lời giới thiệu hấp dẫn, như đang trong các chương trình ưu đãi của nhãn hàng, khuyến mại dịp 20/10 giảm giá từ 20-30%; “hàng lỗi công ty, móp hộp, lỗi vỏ, trầy xước”... mỗi phiên live nhận được sự tương tác lớn của người dùng mạng xã hội và không ít người đã xuống tiền đặt hàng.
Song khi nhận hàng về tay, nhiều người tiêu dùng mới ngã ngửa thắc mắc, vì sao đã chọn những link mua hàng chính hãng, nhưng hàng nhận về tay thì lại là hàng kém chất lượng.
Bóc trần chiêu trò thật giả lẫn lộn của các chủ kênh, một chuyên gia cho biết, để đánh lừa người tiêu dùng, trong giỏ hàng của từng phiên live, các chủ kênh sẽ ghim link hàng, với thông tin sản phẩm chi tiết của hàng chính hãng và hối thúc người mua chốt đơn, đặt hàng thông qua công thức chung “nhãn hàng dành 10 đơn cho các khách hàng nhanh tay chốt đơn với giá tri ân, deal sốc”… rồi đến khi đếm ngược 5,4,3,2,1 để kết thúc ưu đãi. Trong quá trình này, các chủ kênh nhanh tay đổi link sản phẩm, từ sản phẩm chính hãng sang những sản phẩm giả, không đảm bảo chất lượng. Và với tâm lý ham rẻ, không ít người tiêu dùng đã mắc bẫy lừa đảo từ giao dịch thương mại điện tử.
Chiêu trò trộn lẫn hàng giả, hàng thật này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây xáo trộn thị trường, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng chịu thiệt hại nặng nề nhất khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Không chỉ mất tiền oan mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm hơn là tính mạng do sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn.
Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, người mua hàng cũng cần nâng cao cảnh giác, mua sắm tại các cửa hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh vô tình tiếp tay cho đường đi của hàng giả.
Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội bị phạt
Theo thông tin từ Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, ngày 17/10 đơn vị này đã ban hành 09 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân và an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố với số tiền gần 223 triệu đồng, trong đó có 02 bác sĩ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề. Và Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội bị xử phạt do không công khai kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước.
Trong 09 cơ sở bị xử phạt trên, có Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (8C Đinh Công Tráng, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội ban hành quyết định xử phạt với số tiền 25 triệu đồng, do không công khai kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước theo quy định đối với mỗi lần thử nghiệm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, có 3/9 cơ sở bị xử phạt mức phạt tới 45 triệu đồng mỗi cơ sở do quảng cáo mỹ phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Đó là: Công ty TNHH MH Authentic (tầng 6, số 2 ngõ 49 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm); Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Quang Nguyễn (thôn Trung Dương, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) và Công ty TNHH CP Phú Thương (số 43 phố Thượng Thụy, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Biện pháp áp dụng kèm theo là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng quy định.
Tiếp đó, cơ sở khám chữa bệnh của ông Nguyễn Xuân Lượng (số 205 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) bị xử phạt trên 35 triệu đồng do khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; không chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề. Bên cạnh việc phạt tiền, ông Nguyễn Xuân Lượng còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời gian 23 tháng.
Ngoài các đơn vị trên, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Dược Mặt trời (thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì) bị xử phạt 12 triệu đồng do không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan
Nhận diện sách giáo khoa thật và giả
Thời gian vừa qua, tại một số địa phương, tình hình in và phát hành sách giáo khoa giả diễn biến ngày phức tạp. Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm đầu sách giáo khoa bị in lậu. Thoạt nhìn, sách giả, sách in lậu có hình thức tương tự với sách thật, tuy nhiên giá thành lại rẻ hơn rất nhiều lần. Cùng Trạm tin thị trường hôm nay điểm qua các đặc điểm nhận diện sách thật, sách in lậu.
Sách giả, sách in lậu có màu sắc không được tự nhiên, ám đen, khó xem vì sử dụng mực in kém chất lượng. Nội dung trên sách bị mờ, mực in không đều – chỗ đậm chỗ nhạt.
Đối với sách thật, hình ảnh trong sách đều sắc nét, phù hợp với thị lực người dùng. Nếu đặt cạnh sách thật, dễ dàng nhận thấy, các hình ảnh trong sách giả đều không đẹp, chất lượng kém và có phần tối hơn.
sách giả, sách in lậu là việc sử dụng loại giấy không phù hợp dùng trong in ấn, làm giảm giá trị của thành phẩm với mục đích tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, sách thật sẽ có chất lượng tốt hơn và phù hợp với thị lực của học sinh.
Nội dung trong sách giả, sách in lậu thường không được kiểm soát kĩ lưỡng như các sản phẩm được bảo hộ nguồn gốc. Sách giả, sách in lậu sao chép hoặc scan lại, một số chỗ thường gõ lại văn bản khiến nội dung trong sách bị xô lệch và sai sót. Đặc biệt đối với các hình ảnh đặc thù như bản đồ,…
Hi vọng, với những đặc điểm nhận diện trên đây, người tiêu dùng sẽ có thêm kiến thức trong việc nhận diện, phân biệt hàng thật hàng giả, từ đó bảo vệ quyền lợi của chính mình và gia đình.
Tuyên Quang: Siết chặt kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở thẩm mỹ
Từ ngày 18/10 đến 30/11/2024, Quản lý thị trường Tuyên Quang sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp đối với 17 cơ sở trên địa bàn.
Công tác kiểm tra giúp phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Hoạt động kiểm tra cũng nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn tỉnh.
Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang cho biết, hoạt động kiểm tra phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; việc đánh giá, kết luận kiểm tra phản ánh thực tế khách quan, trung thực và đảm bảo công bằng; công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, gây phiền hà, trở ngại cho các tổ chức, cá nhân trong công tác kiểm tra.
Nội dung kiểm tra tập trung vào việc kiểm tra về thủ tục giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ mỹ phẩm; hóa đơn liên quan đến hàng hóa mỹ phầm; nhãn hàng hóa, hạn sử dụng của mỹ phẩm; Kiểm tra việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán theo giá niêm yết.