Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 08/10/2024 09:58
Sự thật về trang sức vàng, kim cương mang thương hiệu Cartier tại TÚAN DIAMOND
Từ thông tin do bạn đọc cung cấp về việc cửa hàng TÚAN DIAMOND có địa chỉ tại số 1, ngõ 338 đường Thái Hà, quận Đống Đa, TP. Hà Nội có dấu hiệu kinh doanh trang sức vàng, kim cương giả mạo thương hiệu Cartier, phóng viên Báo Công Thương đã có mặt tại cửa hàng để ghi nhận thực tế.
Theo ghi nhận, tất cả các sản phẩm trang sức tại cửa hàng đều có tem mác, tuy nhiên thông tin trên tem mác rất sơ sài, không đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, tem mác các sản phẩm chủ yếu chỉ gồm thông tin tuổi vàng, màu và thương hiệu TÚ AN DIAMOND. Khi phóng viên hỏi về sản phẩm lắc tay mang thương hiệu Cartier, nhân viên cửa hàng đã giới thiệu một số sản phẩm được làm bằng vàng trắng có gắn kim cương có giá từ 20 triệu đến 70 triệu đồng. Theo quan sát, các sản phẩm này được khắc logo, thương hiệu Cartier ở phía bên trong sản phẩm; bên ngoài sản phẩm thì lại được gắn tem mác mang thương hiệu TÚ AN DIAMOND.
Trước đó, phóng viên Báo Công Thương đã nhắn tin với trang facebook Tú An Diamond - Trang Sức Kim Cương Thiết Kế để hỏi mua sản phẩm thì được nhân viên tư vấn: “Sản phẩm được đúc khuôn của bản hãng, giống bản hãng 99% từ độ dày, khoảng cách giữa các viên kim cương; khắc lòng sắc nét, sản phẩm tự tin vào store khó lòng nhận ra. Nếu vào store thì sản phẩm cùng loại đắt hơn đến 5 lần. Hàng được thu đổi, mua lại với 70% tổng giá trị hoá đơn”.
Người này còn tận tình hướng dẫn thêm: “Cửa hàng có bản nhập Hồng Kông, và bản chế tác. Nếu khách hàng ở Hà Nội thì cửa hàng có thể cho thợ qua đo vòng tay hoặc đến địa chỉ 338 Thái Hà, quận Đống Đa, TP. Hà Nội để chọn sản phẩm”.
Việc trang facebook “Tú An Diamond - Trang Sức Kim Cương Thiết Kế” quảng cáo, rao bán các sản phẩm giả mạo thương hiệu nổi tiếng là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã rất rõ ràng. Bên cạnh đó, cửa hàng TÚ AN DIAMOND cũng đang có dấu hiệu kinh doanh hàng giả mạo thương hiệu; tem mác các sản phẩm không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật.
Vấn đề trên cần phải được các cơ quan chức năng kiểm tra và làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).
Nhận diện phân biệt sản phẩm thẻ nhớ SanDisk chính hãng
Chỉ bằng một cú pháp tìm kiếm đơn giản, Google trả ra hàng ngàn kết quả cho giá thành của chiếc thẻ nhớ có dung lượng 1TB đến từ nhiều hãng sản xuất danh tiếng như Samsung, SanDisk, Kingston, HP, Huawei với mức giá chỉ… vài trăm ngàn đồng. Song với vài trăm ngàn đồng, liệu khách hàng có thể mua được những chiếc thẻ nhớ chính hãng, với dung lượng lớn không?
Câu trả lời là KHÔNG.
Cùng Trạm tin thị trường hôm nay điểm qua các đặc điểm nhận diện thẻ nhớ SanDisk chính hãng.
Theo đại diện Công Ty TNHH tư vấn THB, đại diện chủ thể quyền của một số thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại thị trường Việt Nam, trong đó có thương hiệu SanDisk cho biết, trên thị trường Việt Nam, nhất là trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm thẻ nhớ của thương hiệu này được rao bán tràn lan, công khai với giá rẻ giật mình.
Nguy hại hơn, dù là hàng giả, hàng kém chất lượng thế nhưng những chiếc thẻ nhớ này vẫn nhận được nhiều đánh giá 4 sao, 5 sao từ phía khách hàng. Việc sử dụng thẻ nhớ giả, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, tuổi thọ của các sản phẩm thiết bị công nghệ.
Để giúp người tiêu dùng nhận diện phân biệt sản phẩm thẻ nhớ SanDISk chính hãng, đại diện Công Ty TNHH tư vấn THB đưa ra các đặc điểm sau:
Thứ nhất, mặt trước sản phẩm chính hãng: lỗ treo sản phẩm được cắt; sản phẩm có tem niêm yết giá; tốc độ ghi của thẻ là 100MB/s.
Trong khi đó, ớ sản phẩm giả, lỗ treo sản phẩm chưa được cắt; sản phẩm không có tem niêm yết giá; tốc độ ghi của thẻ là 120MB/s
Thứ hai, ở mặt sau của sản phẩm chính hãng có tem phụ. trong khi đó, trên sản phẩm giả, vi phạm không có tem phụ đi kèm.
Thứ ba là giá thành. Giá thành sản phẩm thẻ nhớ SanDisk chính hãng 64g có giá 250.000 đồng/sản phẩm. giá của sản phẩm vi phạm chỉ có 90.000 đồng.
Để đảm bảo quyền lợi, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm thẻ nhờ SanDIsk ở những cửa hàng, địa chỉ uy tín, tránh mua hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Quy định quản lý theo địa bàn của lực lượng Quản lý thị trường
Trong chuyên mục “Hồ sơ Quản lý thị trường” ngày hôm nay, mời quý vị khán giả cùng tìm hiểu về những đối tượng của hoạt động quản lý theo địa bàn của lực lượng quản lý thị trường.
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, các quy định liên quan đến nội dung trên nằm tại Khoản 1 Điều 34 Thông tư 27/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Những đối tượng của hoạt động quản lý theo địa bàn của lực lượng quản lý thị trường gồm:
- Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại trên địa bàn hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường;
- Địa điểm sản xuất, kinh doanh, giao nhận, kho bảo quản, dự trữ hàng hoá; bến bãi tập kết hàng hoá, cảng hàng không nội địa, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, ga đường sắt, bưu cục; trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế, siêu thị, chợ trên địa bàn hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường;
- Địa điểm sản xuất, kinh doanh, giao nhận, kho bảo quản, dự trữ hàng hoá; bến bãi tập kết hàng hoá, cảng hàng không, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, ga đường sắt, bưu cục; trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế, siêu thị, chợ… và các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại nằm trên địa bàn hoạt động của hải quan nhưng không thuộc đối tượng quản lý của Hải quan theo quy định của pháp luật.
Hi vọng, những thông tin trên sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc của quý bạn đọc. Nếu còn những thắc mắc liên quan, xin mời quý khán giả gửi nội dung câu hỏi đến Trạm tin thị trường, thông qua đường dây nóng của Báo Công Thương 0866.59.4498.
Khám xét Công ty TNHH K.N Beauty phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm “trôi nổi”
Ngày 31/7, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Phú Yên phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an thành phố Tuy Hòa vừa khám xét hành chính tại trụ sở Công ty TNHH K.N Beauty do Lê Thị Kim N. (sinh năm 1991) làm Giám đốc.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại trụ sở của doanh nghiệp này có 14.631 sản phẩm kem dưỡng da, sữa tắm, sữa rửa mặt, kẹo giảm cân và mỹ phẩm các loại, trị giá 3,7 tỷ đồng, trong đó hơn 13.500 mặt hàng không có phiếu tiếp nhận công bố chất lượng sản phẩm.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp này đã xuất bán hơn 5.000 đơn hàng, thu về hàng tỷ đồng nhưng không kê khai, ghi chép sổ sách, xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho người mua nhằm trốn thuế.
Bước đầu, Lê Thị Kim N. khai nhận là người thành lập công ty, trực tiếp điều hành hoạt động bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok).
Theo đó, trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến nay, Lê Thị Kim N. đã sử dụng pháp nhân của doanh nghiệp để ký kết các hợp đồng gia công hàng hóa; sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng cáo, tiếp cận khách hàng; sử dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển, thu hộ tiền bán đối với hơn 5.000 đơn hàng là mỹ phẩm, rượu sâm, sữa rửa mặt, vòng tay, túi xách... cho các khách hàng ở nhiều địa phương trên cả nước, thu về hàng chục tỷ đồng nhưng chia nhỏ, “xé lẻ” vào 07 tài khoản ngân hàng và chỉ kê khai nộp thuế hơn 9,6 triệu đồng. Trong đó, tiền thuế giá trị gia tăng chỉ hơn 750 nghìn đồng, lệ phí môn bài 8 triệu đồng, tiền phạt 840 nghìn đồng và tiền chậm nộp thuế là 40 nghìn đồng.
Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Phú Yên tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.
Hưng Yên: Tiêu hủy trên 164.000 sản phẩm và gần 10 tấn phụ kiện thuốc lá điện tử nhập lậu
Ngày 01/8/2024, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên phối hợp với Công an huyện Tiên Lữ và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường (PC03), Công an tỉnh Hưng Yên tổ chức thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, giám sát thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm là 163.410 đơn vị sản phẩm thiết bị thuốc lá điện tử và 9.913 kg phụ kiện thuốc lá điện tử các loại.
Đây là số lượng thuốc lá điện tử nhập lậu lớn nhất được thu giữ từ trước đến nay.
Trước đó, ngày 6/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hưng Yên) phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an tỉnh Hưng Yên; Đội Cảnh sát Điều tra tổng hợp, Công an huyện Tiên Lữ và Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng tiến hành khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính đối với kho hàng hóa tại địa chỉ: Thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên do ông Trần Xuân Hà (sinh ngày 31/3/1980, địa chỉ thường trú : Khu 1, Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh) làm chủ.
Tại thời điểm khám, chủ kho hàng là ông Trần Xuân Hà không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hay bất cứ tài liệu gì kèm theo để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa nêu trên.
Ước tính, tổng số hàng nhập lậu trên có giá trị hơn 12 tỷ đồng.
Do số lượng quá “khủng”, lực lượng chức năng đã phải huy động 3 xe tải cỡ lớn và lực lượng nhân sự đông đảo tiến hành bốc dỡ và vận chuyển số tang vật đem đi tiêu hủy tại Công ty CP ĐTPT Công nghiệp & Môi trường Việt Nam (Hưng Yên).
Phương pháp tiêu hủy là nghiền nát sản phẩm rồi đưa vào lò đốt công suất cao.
Sau khi thực hiện tiêu hủy, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và mời các liên quan ký vào biên bản xác nhận hoàn tất quá trình tiêu hủy.
Bắc Giang: Bắt kho hàng nhập lậu hơn 70.000 sản phẩm
Thông tin từ Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 31/7/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra đối với kho hàng bán online tại địa chỉ số nhà 18-20-22 đường Quách Nhẫn 2A, phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang, do bà T.T.T.H, sinh năm 1982, trú tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang làm chủ.
Qua kiểm tra đã phát hiện, thu giữ số lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu với số lượng khoảng 70.000 sản phẩm gồm kem dưỡng da, kem trị nám, sữa rửa mặt, gel tẩy da chết, kem tẩy lông, kem dưỡng tóc, thuốc nhuộm tóc, nước hoa với tổng trị giá khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, bà T.T.T.H thừa nhận toàn bộ số hàng hoá nêu trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ được bà H mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời.
Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang đã bàn giao vụ việc cho Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tiêu hủy 206 sản phẩm do Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam sản xuất.
Thông tin từ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, ngày 31/7, Cục quản lý dược đã có Văn bản số 2622/QLD-MP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy 206 sản phẩm mỹ phẩm.
Văn bản nêu rõ: Đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 206 sản phẩm do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam (địa chỉ số 57 Lê Hữu Tự, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) sản xuất. Lý do đình chỉ lưu hành, thu hồi vì sản phẩm mỹ phẩm sản xuất tại cơ sở không đáp ứng các điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định.
Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng 206 sản phẩm nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; tiến hành thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành…
Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các tổ chức chịu trách nhiệm đưa 206 sản phẩm bị thu hồi ra thị trường phải gửi báo cáo thu hồi và tiêu hủy sản phẩm nêu trên về Cục trước ngày 30/8/2024.