Phát động Cuộc thi Tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 17/8/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Hiện thực hóa mục tiêu đưa Thái Nguyên thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại
Sáng 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên |
Sáng 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Về phía Bộ Công Thương có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ,… thuộc Bộ. Cùng tham gia với đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam...
Về phía tỉnh Thái Nguyên có ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành đơn vị liên quan.
Tại buổi làm việc, ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, với sự cố gắng triển khai các phương án, giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tăng cường nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng vượt kế hoạch.
Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên trong việc phấn đấu đạt được các kết quả tích cực về chỉ số phát triển công nghiệp và thương mại như báo cáo của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng đó là những kết rất đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thái Nguyên có nhiều lợi thế nổi trội trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ logistics, nhất là các ngành công nghiệp có tính nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, cơ khí chế tạo, luyện kim, khai khoáng, điện tử... Tỉnh cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín, kinh nghiệm, có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo ra những chuỗi giá trị, đồng thời tạo nền tảng để duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu ở mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực Công Thương của Thái Nguyên còn có những hạn chế cần tập trung khắc phục. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của Vùng vào năm 2030 như tinh thần Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra các giải pháp như đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành; Chủ động rà soát, cập nhật và đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp, liên thông với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia; Rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với quy hoạch tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới; khẩn trương triển khai thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững. Về phát triển thương mại, tỉnh cần hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, nhất là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Với sự quan tâm chỉ đạo và những gợi mở của Bộ trưởng Bộ Công Thương về hướng giải pháp, tỉnh Thái Nguyên sẽ nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Kết nối doanh nghiệp Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc
Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác, xúc tiến, kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc |
Ngày 16/8, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức khai trương Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2024.
Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác, xúc tiến, kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Từ đó, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến cung ứng, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã trình chiếu video về hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông sản chủ lực của tỉnh Thanh Hóa.
Cùng với nhấn mạnh sự đa dạng của sản phẩm hàng hoá tỉnh Thanh Hoá, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi nêu rõ: Tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng, hội nghị kết nối sẽ là hoạt động thiết thực của các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị, địa phương tỉnh Thanh Hóa, cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu, trở thành các đối tác chiến lược tin cậy, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các địa phương trong khu vực nói chung; đưa các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng tốt, thương hiệu uy tín của các địa phương tiếp cận được nhiều hơn tới người tiêu dùng, thông qua các hệ thống phân phối lớn trên cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá sự đa dạng, phong phú cũng như những đột phá về sản phẩm hàng hoá tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là những sản phẩm trên lĩnh vực công nghiệp.
Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước đề nghị trên cơ sở lợi thế về sản phẩm, về giao thông, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục quan tâm nhiều hơn các hoạt động kết nối, xúc tiến, thiết lập các kênh phân phối, hợp tác theo hướng liên kết vùng. Đặc biệt, lưu ý tỉnh Thanh Hoá tiếp tục phát huy những chính sách ưu đãi tốt đối với hoạt động vận tải tại Cảng Nghi Sơn để triển khai kêu gọi, kết nối, phát triển dịch vụ logistics xứng tầm với tiềm năng, lợi thế nơi đây.
Tại phiên thảo luận, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh phía Bắc đã chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và giới thiệu sản phẩm, năng lực sản xuất, quy mô sản xuất; tình hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khả năng cung cấp và nhu cầu tiêu thụ, liên kết, hợp tác kinh doanh giữa các địa phương trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ Ký kết biên bản hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá và các doanh nghiệp phía Bắc; Khai trương Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2024.
Phát động Cuộc thi Tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương
Cuộc thi Tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống, đề cao vị thế và tầm vóc của ngành Công Thương trong tiến trình hình thành, xây dựng và phát triển |
Sáng 14/8, tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong ngành Công Thương năm 2024 và Lễ phát động cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương.
Sự kiện do Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Đảng ủy Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương tổ chức.
Cuộc thi Tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống, đề cao vị thế và tầm vóc của ngành Công Thương trong tiến trình hình thành, xây dựng và phát triển từ khi ra đời đến nay.
Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương. Nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của ngành Công Thương đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tính sáng tạo và tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong việc tìm hiểu, đóng góp vào sự phát triển của ngành Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: Cuộc thi cũng là cơ hội tốt cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong ngành và các nhà báo chuyên nghiệp, các cộng tác viên của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông cũng như mọi công dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước tham gia để hiểu rõ hơn về các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương; chung tay lan tỏa vị trí, vai trò, tầm quan trọng và đóng góp của ngành trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, khuyến khích sự sáng tạo và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân vào việc tìm hiểu, đóng góp ý kiến xây dựng ngành Công Thương ngày càng vững mạnh
Cuộc thi được tổ chức với 3 nội dung, gồm: Thi tìm hiểu về truyền thống ngành Công Thương; sáng tác nghệ thuật thơ, ca khúc, ảnh, video về ngành Công Thương; sáng tác logo, biểu trưng về ngành Công Thương.
Đối tượng tham gia Cuộc thi là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ Công Thương; các đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương; công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động ở trong và ngoài nước.
Thời gian nhận bài thi kể từ sau khi phát động cuộc thi đến hết ngày 3/2/2025.
Địa chỉ nhận: Báo Công Thương - Tầng 10 và 11, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.