Nhiều điểm mới về phát triển và quản lý chợ
Chào mừng quý vị và các bạn đã đến với bản tin Chuyển động Công Thương của Báo Công Thương.
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 27/7/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ trưởng làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị; Thúc đẩy hợp tác thương mại than giữa Việt Nam và Lào; Nhiều điểm mới về phát triển và quản lý chợ.
Bộ trưởng làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị
Mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung |
Để triển khai thực hiện và đạt được mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung theo chủ trương đã được Thường trực Chính phủ thống nhất tại Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 25/1/2021 của Văn phòng Chính phủ, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và thúc đẩy các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh phát triển.
Để triển khai thực hiện và đạt được mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung theo chủ trương đã được Thường trực Chính phủ thống nhất tại Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 25/1/2021 của Văn phòng Chính phủ, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và thúc đẩy các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh phát triển.
Liên quan đến các dự án năng lượng, hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã có 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177,2 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 125,4 MW; 18 dự án thủy điện với tổng công suất 260,5 MW được phê duyệt quy hoạch điện VIII. Trong đó, đã có 20 dự án điện gió; 11 dự án thủy điện cùng 97MW hệ thống điện mặt trời mái nhà đã phát điện và vận hành thương mại.
Về điện than, có 2 nhà máy nhiệt điện than tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng công suất 2.400 MW được phê duyệt.
Về điện khí, hiện có các dự án điện khí với tổng công suất 6.340 MW đề xuất đầu tư tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Để hiện thực hóa mục tiêu đã đặt ra trong phát triển các ngành năng lượng, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Bộ Công Thương quan tâm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung công suất các nguồn điện tăng thêm cho tỉnh trong thời kỳ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VIII sắp tới; xem xét, chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị; xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết các nội dung về đàm phán, thương thảo Hợp đồng mua bán điện với EVN…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh Quảng Trị trong việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực Công Thương trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở báo cáo của địa phương và lãnh đạo đơn vị có liên quan của Bộ, Bộ Công Thương ủng hộ các đề xuất của địa phương. Cùng đó đề nghị tỉnh Quảng Trị và nhà đầu tư cần chủ động phối hợp, làm việc với các Bộ Ngành tháo gỡ những vướng mắc.
Đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ thì khẩn trương phối hợp cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đối với các dự án liên quan; khẩn trương tham mưu, phối hợp cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục để đưa ra các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các dự án điện khí. Đồng thời rà soát lại khung giá cho các nhà máy nhiệt điện khí hoá lỏng.
Đối với EVN, cần khẩn trương rà soát triển khai đầu tư, thu hút đầu tư vào hệ thống truyền tải ở khu vực Quảng Trị để giải tỏa các nhà máy theo Quy hoạch điện VIII; đàm phán mua bán điện theo đúng quy định để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án điện trong tương lai.
Thúc đẩy hợp tác thương mại than giữa Việt Nam và Lào
Những năm qua, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực than đá đã có bước khởi đầu lạc quan |
Những năm qua, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực than đá đã có bước khởi đầu lạc quan. Điểm sáng trong hợp tác than đá giữa Lào và Việt Nam là Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than được ký bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone vào ngày 20/7/2023.
Nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Bản ghi nhớ được hai bên ký kết, cũng như bàn giải pháp thúc đẩy cho hợp tác, ngày 25/7, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị Thúc đẩy hợp tác mua bán than với Lào do Bộ Công Thương tổ chức chiều 25/7, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thống nhất nhận định, hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào là vấn đề hết sức quan trọng, vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, thương mại; vừa là nhiệm vụ chính trị giữa hai nước. Dự kiến khối lượng nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam năm 2024 vào khoảng 3,4 triệu tấn và Lào sẽ là quốc gia đứng thứ 3 cung cấp than cho Việt Nam (sau In-đô-nê-xi-a và Úc).
Dù vậy, sản lượng nhập khẩu than chưa được nhiều do nhu cầu việc mua than, và sử dụng than cho đốt điện thời gian qua thấp, bởi thủy điện Việt Nam hiện đang phát huy hiệu quả tốt.
Thời gian tới, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giá thành nhập khẩu than, cơ sở hạ tầng cũng như đẩy mạnh việc hợp tác thương mại than giữa Việt Nam và Lào theo tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ “giúp bạn cũng là giúp mình”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty, tăng cường phối hợp hiệu quả; thực hiện tốt các hợp đồng cung cấp than cho sản xuất điện theo nguyên tắc tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ đàm phán với đối tác về việc nhập khẩu than, tháo gỡ những khó khăn phải đảm bảo nguồn cung ứng than trong mọi tình huống.
Riêng với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Bộ trưởng yêu cầu cần bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than cho các hộ tiêu thụ theo các Hợp đồng mua bán than đã ký. Đồng thời, tính toán và xác định chính xác năng lực sản xuất để có kế hoạch, giải pháp tổ chức sản xuất hợp lý, khai thác hiệu quả nguồn than trong nước; chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch nhập khẩu than để bảo đảm cung cấp đủ theo cam kết tại Hợp đồng đã ký.
Đối với Vụ Dầu khí và Than, Bộ trưởng giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2024 đã phê duyệt và điều chỉnh vào tháng 4/2024 vừa qua. Cùng đó, chủ trì, phối hợp rà soát, cập nhật Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2024 phù hợp tình hình thực tế. Và, đề xuất cơ chế cho các Tập đoàn/Tổng Công ty ký hợp đồng mua than trực tiếp, dài hạn với nhà cung cấp phía Lào để báo cáo Thủ tướng quyết định, việc này phải làm ngay trong tháng 7/2024.
Đối với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, chủ trì, phối hợp thúc đẩy chủ đầu tư sớm triển khai việc đầu tư băng tải vận chuyển than qua cửa khẩu La Lay, Quảng trị; Tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các Tập đoàn, Tổng Công ty, cùng Vụ Dầu khí và than về cơ chế mua than trực tiếp từ công ty cung cấp phía Lào; kiến nghị Chính phủ Lào giảm tối đa các loại thuế, phí đối với xuất khẩu than vào nội dung kỳ họp thứ 47 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào.
Nhiều điểm mới về phát triển và quản lý chợ
Tính tới cuối năm 2023, cả nước có 8.318 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3 |
Ngày 26/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài chủ trì. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Bộ Công Thương tới điểm cầu UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tính tới cuối năm 2023, cả nước có 8.318 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Chợ nông thôn chiếm khoảng 73%.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển chợ trong tình hình hiện nay, trên cơ sở các khó khăn, bất cập về cơ sở pháp lý và thực tiễn liên quan đến đầu tư chợ của các địa phương, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ.
Nghị định gồm 5 Chương, 38 Điều và 2 Phụ lục với một số điểm mới như: Cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn. Làm rõ chợ được quản lý bởi doanh nghiệp/hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do nhà nước đầu tư… thay vì ban quản lý như trước đây.
Nghị định cũng đã cắt giảm thủ tục hành chính đối với quy định liên quan đến nội quy chợ, quản lý điểm kinh doanh tại chợ, Ngoài ra, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để triển khai Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Đồng thời, nghị định còn bổ sung quy định về chợ đêm, chợ có giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc, chợ cộng đồng và trách nhiệm phát triển và quản lý các loại chợ này đối với UBND tỉnh.
Tại hội nghị, đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi và giải đáp để việc triển khai nghị định tại địa phương được thực hiện tốt, hướng đến phát triển mạng lưới chợ văn minh, hiện đại, bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ các tiểu thương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và cả nước. Với sự phân công rõ ràng, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phát triển chợ, nghị định khi được triển khai sẽ tạo sự chủ động cho các địa phương trong đầu tư, phát triển chợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn mà các địa phương đang gặp phải trong công tác phát triển và quản lý.