Chính thức tách A0 khỏi EVN, chuyển về Bộ Công Thương
Chào mừng quý vị và các bạn đã đến với bản tin Chuyển động Công Thương của Báo Công Thương
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 7/8/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Chính thức tách A0 khỏi EVN, chuyển về Bộ Công Thương; Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia Costa Rica công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Chính thức tách A0 khỏi EVN, chuyển về Bộ Công Thương
Việc tách A0 ra khỏi EVN và chuyển sang Bộ Công Thương là bước đi đúng đắn và quan trọng để phát triển một thị trường điện bền vững |
Ngày 6/8, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức cuộc họp có sự tham gia của các bên triển khai, quán triệt các nhiệm vụ liên quan đến việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO).
Ngày 1/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Quyết định số 753/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại NSMO từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương.
Theo 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NSMO là doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tổ chức theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; với nhiệm vụ lập phương thức chỉ huy vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu an toàn, ổn định, tin cậy, điều hành giao dịch thị trường điện đảm bảo công bằng, minh bạch; góp phần đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc tách A0 ra khỏi EVN và chuyển sang Bộ Công Thương là bước đi đúng đắn và quan trọng để phát triển một thị trường điện bền vững. Hiện Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành những quy định, thủ tục để đưa A0 về Bộ Công Thương và đảm bảo các điều kiện hoạt động của A0 sau này theo đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tách A0 và thành lập một Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước để vận hành, điều độ hệ thống điện và thị trường điện quốc gia là đòi hỏi khách quan, tất yếu, chứ không phục vụ lợi ích của một cá nhân, tập thể nào.
Điện được xem như “bánh mì” của nền kinh tế, có vai trò rất quan trọng. Để sản xuất, cung ứng đủ điện năng cho nền kinh tế, đòi hỏi phải huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn, lưới điện, do đó, để vận hành theo nền kinh tế thị trường, EVN không thể vừa là nhà sản xuất, cung ứng điện, vừa điều độ, vận hành hệ thống điện, thị trường điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực điện và có đầy đủ các cơ quan chức năng, đủ nhân lực thực thi quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Trong thời gian tới, để NSMO hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN tiếp tục hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện để NSMO hoạt động bình thường cho đến khi tổ chức mới có đầy đủ các điều kiện, cơ chế pháp lý, hướng dẫn, quy định, điều kiện để thực hiện. Việc chuyển A0 về Bộ Công Thương sẽ góp phần tăng thêm sự minh bạch, công bằng cho thị trường điện cạnh tranh sắp tới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, đơn vị soạn thảo sẽ tổng hợp, hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
Chiều 6/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành liên quan, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, các địa phương... để cùng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động thời gian vừa qua.
Tại cuộc họp, hai Bộ đã thống nhất cao việc đề xuất thành lập một Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Trong 30 năm trở lại đây, nền nông nghiệp đã thể hiện vai trò, vị thế to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội. Tuy nhiên, người sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhất. Trong khi đó, diễn biến thị trường quốc tế đang đặt ra những thử thách đối với sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành gạo Việt Nam.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương thống nhất việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Hội đồng này sẽ đóng vai trò như một diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân cùng nhau bàn bạc, thống nhất đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến ngành lúa gạo tại những thời điểm và tình huống khác nhau; nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng.
Dự kiến, hội đồng sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường; thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia; phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững…
Bên cạnh đó, nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo.
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý, Hiệp hội, doanh nghiệp đã đóng góp nhiều thông tin, ý kiến góp ý, kiến nghị các giải pháp nhằm giúp đơn vị soạn thảo định hướng, xây dựng được nội dung bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp và người sản xuất. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, đơn vị soạn thảo sẽ tổng hợp, hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Costa Rica công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Ngày 5/8, tại trụ sở Bộ Công Thương, được sự đồng ý của Tổng thống Costa Rica - Ngài Rodrigo Chaves, Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar đã trực tiếp thông báo và trao Công hàm về việc Costa Rica công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, trở thành quốc gia thứ 73 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Được sự đồng ý của Tổng thống Costa Rica Rodrigo Chaves, Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar đã trực tiếp thông báo và trao Công hàm về việc Costa Rica công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, đây cũng là quốc gia thứ 73 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Costa Rica là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD – tổ chức gồm 38 quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới). Trong quy định pháp luật của Costa Rica có các quy định về điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023, theo thống kê của WTO, Costa Rica đã khởi xướng điều tra 12 vụ việc chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia như Brazil, Chile, Mexico, Hoa Kỳ, Nicaragua, El Salvador, Venezuela và Guatemala.
Việc Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica trao Công hàm công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp là một động thái tích cực trong bối cảnh ta đang đề nghị một số đối tác thương mại công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Tại buổi tiếp và làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh việc Costa Rica có Công hàm công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp. Việc Costa Rica công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường phản ánh đúng thực tế về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai quốc gia.